Quan hệ giữa Tokyo và New Delhi có thể thay đổi cảnh quan chính trị châu Á, quan trọng như việc Trung Quốc trỗi dậy hay chiến lược xoay trục của Mỹ
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đặt chân đến Nhật Bản hôm 30-8, bắt đầu chuyến thăm được kỳ vọng sẽ thắt chặt hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, hạt nhân dân sự, cơ sở hạ tầng và thương mại.
Hạt nhân và đất hiếm
Theo hãng tin PTI, Ấn Độ đặc biệt hy vọng sẽ ký được thỏa thuận năng lượng hạt nhân với Nhật Bản và thu hút vốn đầu tư cho ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân dân sự trị giá khoảng 85 tỉ USD của nước này.
Vấn đề ở đây là New Delhi không muốn từ bỏ chương trình hạt nhân quân sự trong khi Tokyo lo ngại công nghệ hạt nhân của mình bị sử dụng để chế tạo vũ khí.
Để trấn an Nhật, Ấn Độ sẽ nhấn mạnh họ đã được Mỹ cho phép nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân và công nghệ. Nhiều người lo ngại Ấn Độ sẽ phát triển vũ khí hạt nhân để răn đe 2 nước láng giềng Trung Quốc và Pakistan.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) chào đón người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi tại Kyoto tối 30-8 Ảnh: INDIA TIMES
Đáng chú ý nữa là thỏa thuận về đất hiếm. Mới đây, báo chí Nhật đưa tin Tokyo sẽ nhập khẩu đất hiếm từ Ấn Độ, thể hiện quyết tâm giảm phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu của Trung Quốc.
Trong chuyến thăm, công ty đất hiếm Ấn Độ và công ty thương mại Nhật Bản Toyota Tsusho dự kiến ký thỏa thuận để Nhật nhập khẩu từ 2.000-2.300 tấn đất hiếm/năm và đợt giao hàng đầu tiên sẽ được thực hiện vào tháng 2-2015. Theo báo Nikkei, quyết định gia tăng nhập khẩu đất hiếm từ Ấn Độ sẽ được công bố chính thức vào ngày 1-9.
Ổn định trật tự hàng hải
Nhân chuyến công du 5 ngày này, hãng tin Kyodo dẫn lời các quan chức Nhật Bản cho biết Thủ tướng Shinzo Abe và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi sẽ khẳng định mối quan hệ hợp tác song phương trong việc bảo đảm một trật tự hàng hải hòa bình và ổn định trước “tham vọng bành trướng lãnh thổ và xây dựng quân đội của Bắc Kinh”.
Động thái này nằm trong nỗ lực hạn chế Trung Quốc gia tăng hoạt động ở biển Đông, Hoa Đông và Ấn Độ Dương. Trong khuôn khổ chương trình nghị sự, 2 ông có thể đồng ý tiếp tục tổ chức các cuộc tập trận trên biển chung cũng như tập trận ba bên với Mỹ.
Trong ngày 1-9, ông Modi có kế hoạch gặp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera. Một quan chức Nhật Bản giấu tên tiết lộ Ấn Độ đã bày tỏ mong muốn mua máy bay đổ bộ của Nhật cho hải quân nước này.
Bình luận trên tờ The Hindustan Times, ông Brahma Chellaney - cựu cố vấn của chính phủ Ấn Độ về an ninh và đối ngoại - viết: “Quan hệ đối tác giữa Nhật Bản và Ấn Độ có thể làm thay đổi cảnh quan chính trị châu Á, quan trọng như việc Trung Quốc trỗi dậy hay chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ”.
Tuy nhiên, theo ông Rory Medcalf, Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế tại Viện chính sách quốc tế Lowy (Úc), Ấn Độ có thể cùng lúc thúc đẩy quan hệ với cả Trung Quốc và Nhật Bản.
Học giả về Nam Á thuộc Viện Quan hệ quốc tế của Trường ĐH Phục Đán (Thượng Hải) Trương Quý Hồng cho rằng ông Modi có thể tranh thủ các căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản hoặc giữa Trung Quốc và Mỹ để củng cố vị thế cường quốc của Ấn Độ.
Biệt lệ của Nhật
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi xuống sân bay Kansai ở Osaka, sau đó đi xe đến cố đô Kyoto. Thủ tướng chủ nhà Shinzo Abe đã thực hiện một cử chỉ chưa từng có tiền lệ là đích thân đến Kyoto và dùng bữa tối riêng tư với vị khách mời ngay trong tối 30-8 trước khi 2 ông hội đàm chính thức ở thủ đô Tokyo cách đó 400 km. Điều này không chỉ hé lộ giao tình cá nhân thân thiết giữa họ mà còn là tín hiệu rõ ràng về tầm quan trọng của mối quan hệ 2 nước.
Trong khi đó, báo chí Ấn Độ gọi chuyến thăm đầu tiên của ông Modi ngoài khu vực Nam Á là bài kiểm tra thực sự về mặt ngoại giao trước khi ông đến Mỹ và Trung Quốc.
HUỆ BÌNH - Theo Người Lao Động