Trung Quốc đề xuất nghiên cứu thành lập Khu vực Tự do thương mại châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP) tại APEC như một cách giành lại sự chú ý, ảnh hưởng từ Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Mỹ và mong muốn đứng ở vị thế của một "đàn anh".
Các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC tại hội nghị thượng đỉnh ở Bắc Kinh - Ảnh: AFP
Hãng tin Reuters dẫn lời Tân Hoa Xã cho biết các quan chức cao cấp Trung Quốc đã “quyết định gửi các sáng kiến về việc thực hiện kế hoạch FTAAP” đến các cơ quan ngang bộ, và lãnh đạo kinh tế tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC). Đây được đánh giá là một trong những vấn đề trọng điểm được Trung Quốc đặt vào APEC đang được tổ chức ở Bắc Kinh, mặc dù quan chức ấy không tiết lộ chi tiết.
Dùng FTAAP đấu với Mỹ
Một điểm đáng chú ý trong đề xuất nghiên cứu thành lập FTAAP là nó được thúc đẩy trong lúc Mỹ cũng đang thảo luận với 12 nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương về TPP.
TPP là một Hiệp định đối tác kinh tế Mỹ muốn thực hiện để mở cửa cho Washington có thể dễ dàng tiếp cận thị trường châu Á – Thái Bình Dương. Mặc dù vậy, TPP sẽ không bao gồm Trung Quốc.
Reuters đánh giá TPP là “một kế hoạch toàn diện hơn”. Thế nên việc Trung Quốc chọn APEC làm thời điểm đưa đề xuất FTAAP cũng là một cách thu hút sự chú ý của khu vực về phía mình, tức tranh giành ảnh hưởng với TPP. Ngược lại, trong bài báo đầu tháng trước, The Wall Street Journal cho rằng Mỹ cũng đang ra sức ngăn việc Trung Quốc dùng APEC làm bàn đạp khởi động FTAAP.
Mỹ đang thảo luận hình thành TPP, một đối trọng với FTAAP của Trung Quốc - Ảnh: AFP
Trong thời gian APEC diễn ra tại Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo kinh tế của 12 thành viên sẽ có buổi họp riêng thảo luận xung quanh TPP. Đây là cuộc thương thảo nằm ngoài chương trình của APEC, theo Reuters.
Các quan chức Trung Quốc sẽ không can thiệp vào cuộc họp TPP, song đã yêu cầu các nước tập trung vào APEC. “Các chủ đề tại APEC lần này rất phong phú và sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự hội nhập của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thành lập một khu vực thương mại tự do” – phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói với Reuters.
Tranh thủ thiết lập ảnh hưởng trong khu vực
Ngay trước khi APEC diễn ra, Tân Hoa Xã, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, đã có bài bình luận gây chú ý về APEC và động cơ thành lập FTAAP. Trong bài báo được Global Times dẫn lại, Tân Hoa Xã khẳng định APEC hiện tại “trong mắt một số người chỉ là một lô thỏa thuận không ràng buộc” và “sinh ra cho những thỏa hiệp của một khu vực Thái Bình Dương bất bình đẳng kinh tế”.
Tân Hoa Xã nói rằng APEC chưa thể hình thành một hiệp định thương mại nghiêm ngặt như Liên minh châu Âu (EU). Cũng vì thiếu “sáng tạo trong cách tiếp cận”, APEC cần phải thay đổi, và sáng kiến thành lập FTAAP mà Trung Quốc đặt ra chính là giải pháp cần thiết nhất vào lúc này.
Trong bài này, một ví dụ rất đáng suy nghĩ được gợi ra xung quanh chiếc điện thoại iPhone. Tân Hoa Xã lấy dẫn chứng rằng khi Apple phát triển nền tảng iOS, thì màn hình và chi tiết sản xuất ở Hàn Quốc, con chíp có thể xuất xứ ở Nhật Bản, còn người Trung Quốc lắp ráp vỏ và các phím cứng... như vậy, người Trung Quốc chỉ ăn vài đô la trên tổng số 200-300 đô la của một chiếc iPhone.
Wang Shouwen, thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc nói về FTAAP - Ảnh: AFP
Theo lập luận ấy, Trung Quốc muốn APEC dựa vào FTAAP để tất cả hình thành và cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu của mình, từ đó đạt lợi ích kinh tế cao hơn thay vì hoạt động độc lập như hiện tại. Và rõ ràng thay vì sinh lợi cho một Apple của Mỹ, tại sao không tranh thủ “khai thác lợi ích” từ việc liên kết với Trung Quốc? Đó là điểm Tân Hoa Xã nhấn mạnh qua ví dụ về iPhone.
Trung Quốc cam kết sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng nhiều hơn để đặt nền tảng cơ sở vật chất cho sự phát triển thịnh vượng trong khu vực. Đây là điểm ưu tiên trong kế hoạch “một vành đai và một con đường” mà Trung Quốc đưa ra vào năm 2013 để thúc đẩy hợp tác kinh tế tại châu Á.
Có thể thấy, bài báo giải thích động cơ của Trung Quốc trong việc thúc đẩy hình thành FTAAP, những lợi ích của FTAAP mang lại cho châu Á – Thái Bình Dương. Tổng hợp lại, đó là một mong muốn được đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng tại các nước, bao gồm xây cả sân bay, trụ sở trong “vành đai và con đường" của mình, và đứng ở vị thế của một "đàn anh".