Những cỗ máy chiến tranh đang thành hình trong các phòng thí nghiệm quân sự có thể đẩy lệch cán cân lực lượng trong những cuộc chiến tương lai.
X-51A được treo dưới cánh của máy bay ném bom B-52 trong một lần thử nghiệm - Ảnh: USAF
Những cái tên như súng điện từ, cỗ máy bay giết người, vũ khí không gian, vũ khí laser thường xuyên xuất hiện trong các tiểu thuyết khoa học giả tưởng. Tuy nhiên, trên thực tế, một vài loại vũ khí như vậy đang trong giai đoạn thử nghiệm và có thể sẽ sớm được trang bị cho các quân đội trên thế giới.
Tàng hình lượng tử
Sử dụng những siêu vật chất nhân tạo, các nhà khoa học đang thiết kế những vật liệu có thể bẻ cong sóng ánh sáng chiếu vào một vật thể, từ đó giúp giảm mạnh những dấu hiệu nhiệt và sự hiện diện của mục tiêu đó.
Cơ sở khoa học đằng sau những siêu vật liệu này thật sự không quá phức tạp, với “khả năng ngụy trang thích ứng” có công dụng che chắn vật thể mà nó đang bao phủ bằng cách bẻ hướng khiến ánh sáng đi đường vòng. Hay nói cách khác, vật thể đó “tàng hình” trước mắt người khác.
Khả năng “tàng hình” mở ra viễn cảnh đầy hứa hẹn, cho phép các chiến binh, từ người lính bình thường đến biệt kích, có thể đột nhập lãnh thổ địch mà không bị phát hiện, hoặc ít nhất có thời gian để chiếm lợi thế.
Theo trang tin Huffington Post, một công ty Canada tên Hyperstealth Biotechnology đã thử nghiệm công dụng của vật liệu mới cho giới chức quân đội Canada và Mỹ, cũng như các nhóm chống khủng bố liên bang.
Pháo điện từ
Vào năm 2005, Văn phòng nghiên cứu hải quân Mỹ đã bắt đầu cấp kinh phí phát triển hệ thống pháo điện từ. Theo trang Wired, các bệ pháo điện từ (EM) sử dụng từ trường thay vì các chất nổ đẩy bằng hóa chất thông thường (như thuốc súng) để phóng “đạn” ở tầm xa với vận tốc từ 7.500 - 9.200 km/giờ (Mach 7).
Hiện công nghệ này vẫn trong giai đoạn phát triển, mới đây đã thể hiện khả năng bắn một vật thể đến khoảng cách 200 km với mức năng lượng 32 mega-joule. Lực lượng hải quân tuyên bố sẽ trang bị pháo điện từ cho tàu chiến hiện đại nhất của họ trong năm 2016.
Trở ngại lớn nhất trong thời điểm này là một lần bắn cần đến 6 triệu ampe (tức lớn hơn dòng điện tạo nên hiện tượng cực quang). Do vậy, cần mất nhiều thời gian trước khi giới chuyên gia có thể phát minh loại tụ điện đủ sức tạo nên khối lượng năng lượng khổng lồ như vậy, cũng như các loại vật liệu giúp họng pháo không bị vỡ sau mỗi phát bắn.
Có tin đồn Trung Quốc cũng đang chế tạo loại pháo công nghệ mới, sau khi hình ảnh chụp từ vệ tinh vào cuối năm 2010 cho thấy một số vụ thử diễn ra gần Bao Đầu thuộc vùng Nội Mông.
Viễn cảnh mở rộng tầm bắn và tăng vận tốc của pháo điện từ hứa hẹn cung cấp một số lợi thế về khía cạnh tấn công lẫn phòng thủ, từ khả năng tấn công chính xác có thể đối chọi mọi hệ thống phòng không tối tân đến đảm nhiệm vai trò phòng thủ đánh chặn những mục tiêu đang bay tới.
Vũ khí không gian
Bất chấp các áp lực quốc tế chống lại hoạt động quân sự hóa không gian, các nước lớn vẫn tiếp tục nghiên cứu những công nghệ có thể biến bầu trời thành chiến trường kế tiếp trong tương lai. Một trong những khả năng là trang bị cho các vệ tinh trên quỹ đạo bằng các loại vũ khí xung điện từ (EMP) hạt nhân hoặc đầu đạn thường.
Bằng việc kích nổ vũ khí EMP phóng từ vệ tinh ở độ cao đã định, có thể phá hoại mạng lưới điện, vệ tinh, cũng như cơ sở hạ tầng cần thiết để chỉ huy chiến dịch quân sự (gọi tắt là C4ISR). Dựa trên kích thước của vũ khí EMP, một cuộc tấn công có thể đánh phủ đầu cả quốc gia, hoặc tập trung vào một mục tiêu nào đó, như cơ quan đầu não của phe đối địch.
Theo giới chuyên gia, vũ khí EMP xuất kích từ các bệ phóng ở tầm thấp hoặc thông qua những hệ thống tên lửa trên mặt đất dễ bị đánh chặn hoặc kích hoạt cuộc tấn công phủ đầu từ đối phương. Tuy nhiên, vũ khí EMP trên vệ tinh lại nằm ngoài tầm với của hầu hết các nước, ngoại trừ những thế lực không gian lâu nay.
Hơn nữa, thời gian phản ứng trước một vụ tấn công từ không gian có thể ngắn hơn gấp nhiều lần, loại bỏ khả năng bị đánh chặn. Một công nghệ mới cũng đang được phát triển là chùm tia laser năng lượng cao phóng từ quỹ đạo, nhằm triệt tiêu hiệu quả hơn các tên lửa đạn đạo trong giai đoạn di chuyển chậm nhất của nó là trên không gian.
Tên lửa hành trình siêu thanh
Với khả năng đưa đầu đạn một cách chính xác đến mục tiêu cách hàng ngàn ki lô mét, tên lửa hành trình tạo nên ảnh hưởng đặc biệt trong chiến tranh thời hiện đại. Tuy nhiên, ở thời đại mà mỗi phút có thể xoay chuyển được thắng bại, thì chúng đang trở nên quá chậm trong con mắt của giới tướng lĩnh Mỹ.
Theo tính toán, mất khoảng 80 phút để một tên lửa hành trình đối đất (LACM) phóng từ tàu chiến Mỹ trên biển Ả Rập đến được các trại huấn luyện của al-Qaeda trên đất Afghanistan vào năm 1998, theo sau các vụ tấn công khủng bố nhằm vào sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania. Nếu dùng tên lửa hành trình siêu thanh, di chuyển ở tốc độ Mach 5+, chỉ mất khoảng 12 phút đã có thể đánh trúng mục tiêu.
Tham vọng sở hữu vũ khí có thể tấn công hầu như ngay lập tức bất cứ nơi nào trên bề mặt địa cầu dẫn đến sự ra đời của chương trình được gọi là “Tấn công chớp nhoáng toàn cầu”, được quân đội Mỹ khởi động từ năm 2001. Các nỗ lực tập trung vào thiết bị hành trình siêu thanh (HCV) X-51A, với sự hợp tác của Không quân Mỹ, Boeing, Cơ quan Nghiên cứu các dự án quốc phòng tiên tiến (DARPA)...
Trong khi đó, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ cũng theo đuổi các dự án tương tự, khiến một số nhà phân tích quốc phòng phải lên tiếng cảnh báo về viễn cảnh chạy đua vũ khí tấn công toàn cầu.
Thiết bị bay có “tri giác”
Có lẽ phát minh quan trọng nhất trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng trong thập niên qua chính là sự trỗi dậy của các thiết bị không người lái (UAV). Tuy nhiên, các UAV ngày nay, từ loại tháo bom mìn đến tàu ngầm mini trong lòng biển, vẫn chỉ là những cỗ máy cần sự can thiệp và điều khiển của con người.
Trong tương lai, điều này có thể thay đổi khi các nhà khoa học đẩy mạnh biên giới của trí thông minh nhân tạo, và một ngày nào đó có thể mở ra cánh cửa cho phép chế tạo những dòng UAV có khả năng tự quyết định về vấn đề sống chết.
Tất nhiên, các cỗ máy nói riêng và rô bốt nói chung không thể nào bì kịp trí thông minh của nhân loại, nên khó có thể nói chúng có khả năng “tri giác”, nhưng những phát triển mới về năng lực máy tính đang ngày càng giúp nâng cao khả năng nhận thức và thích ứng của máy móc.
Cùng với những sự cải thiện về khoản này, UAV một ngày không xa có thể trở thành những vũ khí độc lập, với sức tập trung và sự dẻo dai hơn hẳn các đặc nhiệm giỏi nhất, sẵn sàng phục kích hàng giờ và trong tích tắc quyết định tấn công khi phát hiện có cơ hội.