Trong số ra tháng 1/2015, tờ Nghiên cứu quân sự của Nhật Bản đăng nhận định của chuyên gia về quân sự Trung Quốc Saburo Tanaka, trong đó khuyến cáo, Trung Quốc xây dựng trái phép căn cứ liên hợp hải, không quân ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Còn theo tờ Kanwa Defense Review, Trung Quốc đang chuyển Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) và thiết bị khai thác biển xuống phía Nam, cùng thời điểm lấn biển ở Biển Đông. Người ta không rõ Trung Quốc dự định xây dựng bao nhiêu “tàu sân bay không chìm” ở Biển Đông.
Theo giới truyền thông, từ cuối năm 2013 Trung Quốc bắt đầu hoạt động đảo hoá và lấn biển nhằm đối đầu với chính sách “xoay trục” của Washington và đẩy hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ra khỏi châu Á-Thái Bình Dương.
Giá dầu giảm, tham vọng không giảm
Ngày 29/1, tờ Thời báo Hoàn cầu đăng bài "Biển Đông năm 2015 có còn hòa bình?", trong đó bình luận, giá dầu thế giới giảm sâu (giá dầu ở mức 44,55 USD/thùng trong ngày 29/1) và còn ở mức thấp, nhưng sẽ không ảnh hưởng đến cục diện căng thẳng trên Biển Đông. Và các bên liên quan không vì giá dầu sụt giảm mà bỏ qua vấn đề này, nhất là Mỹ và Trung Quốc - nếu đối đầu ở Biển Đông sẽ gây khó khăn cho Washington trong việc tìm kiếm hợp tác với Bắc Kinh.
Một chiếc máy bay do thám của Nhật Bản bay gần quần đảo tranh chấp
Ngày 28/1, tờ Thời báo Hoàn cầu đăng bài “Ngoại trưởng ASEAN quan ngại Trung Quốc lấn biển ở quần đảo Trường Sa, đưa ra ý kiến rất mạnh mẽ’”. ASEAN đã yêu cầu Thái Lan, nước đảm nhiệm điều phối quan hệ với Trung Quốc của khối này, đẩy nhanh thảo luận với Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) để nhanh chóng đạt được thỏa thuận hoặc ít ra đạt được một số “thu hoạch sớm”.
Thời báo Hoàn cầu cho rằng, Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia là 4 nước thành viên ASEAN đang “tồn tại tranh chấp chủ quyền Biển Đông” với Trung Quốc, đồng thời lập lại thói quen “gắp lửa bỏ tay người”, “đổ lỗi cho người”, cùng những tuyên bố về cái gọi là “chủ quyền không tranh cãi”. Nhưng Trung Quốc càng lớn tiếng bao biện, càng bộc lộ rõ dã tâm độc bá Biển Đông.
Đô đốc Robert Thomas
Trong cuốn “Biển Đông: Tranh giành quyền lực ở châu Á”, tác giả Bill Hayton từng chỉ rõ, hàng hóa đi qua Biển Đông quan trọng hơn những gì nằm dưới đáy biển. Và Trung Quốc đã sử dụng dầu khí như một cái cớ để hiện thực hóa và biện minh yêu sách chủ quyền, với tuyên bố rằng vùng biển này có nhiều dầu.
Chuyên viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore Ian Storey cũng đồng tình với nhận định này: mặc dù quan niệm cho rằng Biển Đông giàu tài nguyên năng lượng vẫn là một động lực chính dẫn đến tranh chấp, nhưng còn nhiều yếu tố khác tác động đến việc này.
Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj
Ngày 30/1, đài truyền hình Phượng Hoàng (Hongkong) dẫn bình luận của ông Trịnh Kế Văn, học giả đến từ Đài Loan cho rằng, việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa là do Việt Nam bức bách!? Ngày 29-1, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Tuvera Gazmin và người đồng cấp Nhật Bản Gen Nakatani đã ký bản ghi nhớ hợp tác về trao đổi quân sự, huấn luyện, công nghệ và thiết bị quốc phòng. Và động thái này nhằm đối phó với tham vọng của Trung Quốc tại biển Hoa Đông và Biển Đông.
Phải cẩn thận với Trung Quốc
Ngày 28/1, tờ Washington Post cho biết, tốc độ hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc so với các nước và mối đe dọa về ưu thế quân sự của Mỹ là chủ đề trong phiên điều trần gần đây của Ủy ban quân sự Hạ viện Mỹ. Cũng trong ngày 28/1, trang mạng freebeacon.com đăng bài "Lầu Năm Góc cảnh báo cẩn thận với ưu thế vũ khí của Trung Quốc".
Tàu chiến Trung Quốc trong một cuộc tập trận
Cũng trong ngày 28/1, tờ The Wall Street Journal cho biết, Lầu Năm Góc không đồng ý thực hiện chương trình trao đổi quân sự quy mô lớn với Bắc Kinh cho tới khi 2 nước có thể đạt được thỏa thuận về các quy định đối với lần chạm trán máy bay quân sự trước đây.
Tờ The Wall Street Journal còn dẫn lời Nghị sĩ Randy Forbes, Chủ tịch một tiểu ban thuộc Hạ viện Mỹ cho rằng, Lầu Năm Góc đang thúc đẩy trao đổi quân sự với Trung Quốc mà không nói rõ mục tiêu của bước đi này và ông e ngại nguy cơ rò rỉ bí mật về chiến lược quân sự nếu chia sẻ quá nhiều thông tin với Bắc Kinh. Giới truyền thông cho rằng, quan chức Mỹ lo ngại việc tăng cường quan hệ quân sự với Trung Quốc không ngăn được Bắc Kinh tiếp tục đòi hỏi phi lý về chủ quyền ở châu Á.
Theo tờ The Diplomat (Nhật Bản), nguyên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Giang Trạch Dân từng nói rất nhiều về việc Trung Quốc đang tiến vào hai thập kỉ của “thời cơ chiến lược” - trở thành quốc gia có thu nhập ở mức trung bình, tiếp tục thực hiện chính sách của Đặng Tiểu Bình về tăng cường sức mạnh và củng cố nền kinh tế trong thời kỳ Mỹ là bá chủ.
Đến thời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Trung Quốc đang thể hiện (cả lời nói và hành động, cả kinh tế và địa chính trị) với tư cách một siêu cường mới nổi. Bắc Kinh muốn “quan hệ nước lớn kiểu mới” với Washington và cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ và ở Đài Loan (thay thế ông Obama và ông Mã Anh Cửu) trong năm 2016 có thể chấm dứt giai đoạn “thời cơ chiến lược” của Trung Quốc.
Subrahmanyam Jaishankar
Ngày 28/1, tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng cho biết, quân đội Đài Loan sẽ có thay đổi lớn trong tương lai gần. Bởi người đứng đầu Đài Loan muốn thông qua việc thay đổi các tướng lĩnh chủ chốt để nói với các đối thủ của mình - Mã Anh Cửu vẫn là người điều hành cho tới tháng 5/2016. Cũng trong ngày 28/1, trang mạng Focustaiwan.tw cho biết, ngày 28/1, hải quân Đài Loan đã đẩy lui một cuộc tấn công giả định trong một cuộc diễn tập bắn đạn thật tổ chức ở phía Nam hòn đảo này nhằm nêu bật khả năng sẵn sàng chiến đấu trước kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán.
Cuộc diễn tập dựa theo kịch bản một lực lượng đối địch đi trên một tàu đổ bộ vào cảng Cao Hùng và chiếm giữ một số cơ sở của cảng này. Và Lữ đoàn lính thủy đánh bộ số 99 được lệnh giành lại các khu vực bị chiếm đóng. Trước đó (27/1), không quân và lục quân Đài Loan cũng diễn tập tương tự nhằm minh chứng khả năng sẵn sàng chiến đấu trước “người khổng lồ” láng giềng.
Những mối quan ngại lớn
Ngày 29/1, Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeff Pool cho biết, ngày 5-2, quan chức quốc phòng Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau tại Lầu Năm Góc để tham dự cuộc Đối thoại phối hợp chính sách quốc phòng. Nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ cũng vừa quyết định hoãn chương trình mở rộng quan hệ quân sự với Trung Quốc vì 2 bên vẫn còn nhiều vướng mắc chưa giải quyết được.
Mặc dù Mỹ-Trung vừa diễn tập chung (từ 12 đến 19/1) về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, một phần trong nỗ lực cải thiện hơn nữa quan hệ quân sự song phương, nhưng Washington và Bắc Kinh vẫn khó tìm được tiếng nói chung.
Quan hệ quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ gặp trắc trở vì tham vọng của Bắc Kinh
Trước đó (22/1), Phó Giáo sư Lyle Goldstein, chuyên gia quân sự đến từ Đại học chiến tranh hải quân Mỹ cho rằng, tên lửa hành trình chống hạm YJ-83 sẽ là mối nguy hiểm lớn nhất đối với Washington và các đồng minh ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Mặc dù di chuyển dưới tốc độ âm thanh nhưng theo Phó Giáo sư Lyle Goldstein, tên lửa hành trình chống hạm YJ-83 còn nguy hiểm hơn tên lửa chống hạm siêu âm KH-31của Nga.
Theo giới quân sự, Trung Quốc sẽ đóng tàu sân bay thứ hai do Bắc Kinh thiết kế tại Thượng Hải (có tải trọng 68.000 tấn và xong trước năm 2021) và Trung Quốc xác định, tàu sân bay Liêu Ninh là bước đệm để Bắc Kinh làm quen với việc sử dụng tàu sân bay. Và nếu Trung Quốc thành công khi đóng tàu sân bay Type 001A (đóng ở Thượng Hải), thì Bắc Kinh sẽ có tàu sân bay tốt hơn các đối thủ Ấn Độ và Nhật Bản.
Gần 1 tháng trước (7-1), trang mạng Breitbrart (Mỹ) từng đề cập tới sự phát triển của vũ khí laser gần đây của Trung Quốc và ưu thế trên biển của Mỹ đang bị thách thức lớn nhất trong gần 70 năm qua. Và việc Trung Quốc thách thức vị thế của Mỹ, có thể gây xung đột ở Biển Đông. Ngày 9-1, Tân Hoa xã cho rằng, chạy đua vũ trang đang diễn ra ngày càng quyết liệt.
Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển các loại máy bay quân sự tầm xa như máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 (trong hình), nhằm tăng cường năng lực điều động, tập kết lực lượng, tác chiến tầm xa.
3 tháng trước (2/11/2014), hãng Bloomberg (Mỹ) từng dẫn lời tướng 4 sao Lori Robinson, tân Tư lệnh không quân Mỹ ở Thái Bình Dương, quân đội Mỹ lo ngại máy bay chiến đấu Trung Quốc có thể tiếp tục thực hiện các động thái bay nguy hiểm để chặn đầu máy bay quân sự Mỹ.
Và Mỹ cần thảo luận vấn đề an toàn hàng không với quan chức quân sự Trung Quốc, nhưng không quân Mỹ sẽ không thay đổi cách thực hiện các phi vụ tiến hành trong khu vực bất chấp Bắc Kinh đã thiết lập ADIZ tại biển Hoa Đông.
Ngày 29/1, tờ Thời báo Hoàn cầu khẳng định, Bắc Kinh sẽ không từ bỏ việc chống lại các nước có tranh chấp ở Biển Đông và coi Philippines là "kẻ gây rối hăng hái nhất khu vực". Ngày 30/1, Tân Hoa xã đã công kích Manila khi ví Philippines với một "đứa trẻ đang khóc nhè" vì muốn quốc tế ủng hộ để chống lại việc Bắc Kinh đảo hoá trái phép trên Biển Đông.
Và một lần nữa Trung Quốc tái khẳng định việc không muốn đa phương hóa, quốc tế hóa vấn đề tranh chấp khi nhấn mạnh “tranh chấp nên và có thể được xử lý thỏa đáng chỉ giữa các bên có liên quan trực tiếp". Tân Hoa xã lên tiếng sau khi các Ngoại trưởng ASEAN bày tỏ quan ngại về thực trạng cải tạo đất của Trung Quốc trên một số đảo ở Biển Đông.
Ngày 28/1, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng để Trung Quốc thấy rằng, những gì Bắc Kinh đang làm là sai trái, và họ phải dừng ngay các hoạt động cải tạo phi pháp./.