Tạp chí Quốc phòng Jane’s của Anh mới đây đưa tin, Trung Quốc đang nghiên cứu xây dựng các ụ tàu nổi di động trên Biển Đông nhằm phục vụ cho hoạt động bồi đắp các đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa.
Đồ họa mô phỏng ụ tàu nổi của Trung Quốc.
Tại Triển lãm biển Quốc tế 2014 diễn ra tại Đại Liên, khi trả lời phỏng vấn phóng viên của Tạp chí Quốc phòng Jane’s, một quan chức của Trung tâm nghiên cứu khoa học tàu thuyền thuộc Tập đoàn đóng tàu Trung Quốc tiết lộ rằng, Trung Quốc đang nghiên cứu phát triển ụ tàu nổi di động đa năng, trong tương lai sẽ được bố trí tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung tấm nghiên cứu khoa học tàu thuyền này tại cuộc triển lãm đã công bố sơ đồ hình vẽ thiết kế của các ụ tàu mới này.
Theo đó, những ụ tàu sẽ được sản xuất ở đất liền và sau đó được vận chuyển ra các đảo rồi tiến hành lắp đặt. Hệ thống ụ tàu sau khi lắp đặt hoàn chỉnh có sàn hình chữ nhật và được nối với các đảo bởi một cây cầu. Được biết, Trung Quốc đầu tiên sẽ tiến hành lắp đặt thử nghiệm các ụ tàu kiểu này ở quần đảo Hoàng Sa. Sau khi hoàn thành thử nghiệm, các ụ tàu này sẽ được đưa tới bố trí tại quần đảo Trường Sa.
Theo quan chức của Trung tâm nghiên cứu khoa học tàu thuyền Trung Quốc, chiếc ụ tàu đa năng có thể làm chỗ neo đậu cho chiếc tầu cỡ 1.000 tấn. Ngoài ra, nó còn là nơi bảo dưỡng sửa chữa các tàu cá, làm nơi phát điện, dự trữ và cung cấp nước ngọt, khử độ mặn nước biển, là nơi tích trữ nước mưa hoặc cung cấp các trang thiết bị khác.
Ụ tàu mới được thiết kế như giàn khoan bán ngầm, có thể tự thân di động nhưng không thể cơ động ở cự ly xa. Loại ụ tàu này thích hợp cho việc xây dựng và bảo vệ các đảo nhỏ. Theo giới thiệu của Trung tâm nghiên cứu khoa học tàu thuyền Trung Quốc, loại ụ tàu này còn có thể làm nơi sinh hoạt tạm thời cho các nhân viên thi công và nơi để xử lý nước thải. Chiếc cầu nối giữa ụ tàu và các hòn đảo có thể chịu trọng lượng của xe tải loại 10 tấn.
Bài báo còn chỉ ra rằng, ụ tàu nổi di động này sẽ có khả năng làm nơi cư trú nhỏ tại các đảo xa, đảm bảo nhu cầu của người dân. Ngoài ra sau khi cải tạo, loại ụ tàu còn có thể mở rộng và cải thiện các đảo. Tuy nhiên, các ụ tàu này phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu bên ngoài, vì thế có thể làm giảm hiệu quả của chúng.
Để giải quyết vấn đề này, Trung tâm nghiên cứu khoa học tàu thuyền Trung Quốc đang nghiên cứu phát triển loại ụ tàu nổi di động có thể lợi dụng sức gió biến thành nguồn điện để thuận tiện cho việc vận hành các ụ tàu.
Nếu quả các thông tin trên sự thật thì đây là một hành động nguy hiểm của Trung Quốc. Bắc Kinh có thể sử dụng các ụ tàu di động này để phục vụ cho các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa, sửa chữa và tiếp tế nhiên liệu, vật tư cho các tàu cá hoạt động trên Biển Đông, với ý đồ thâu tóm toàn bộ khu vực Biển Đông.