Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 Đảng Cộng sản Trung Quốc khoá 18 được đánh giá cao ở chỗ nó thừa nhận sức mạnh tối cao của Hiến pháp và đề nghị tăng cường thực thi Hiến pháp bằng một bộ máy giám sát thuộc quốc hội.
Báo chí Trung Quốc gọi hội nghị thường niên kéo dài 4 ngày diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh với sự tham dự của trên 350 ủy viên trung ương kết thúc ngày 23.10 là một “bước tiến lịch sử” về cải cách pháp lý và tư pháp của quốc gia đông dân nhất thế giới.
Cảnh sát vũ trang Trung Quốc bảo vệ an ninh tại thủ đô Bắc Kinh trong thời gian diễn ra Hội nghị Trung ương 4 của Đảng Cộng sản Trung Quốc - Ảnh: AFP
Giới quan sát trong và ngoài Trung Quốc ghi nhận đây là lần đầu tiên một hội nghị toàn thể của Ban Chấp hành trung ương lấy pháp quyền làm chủ đề trung tâm. Bản nghị quyết dài 5.386 chữ với chủ đề “tiến tới quản lý toàn diện đất nước bằng pháp luật”, theo báo The Straits Times (Singapore), chưa phải là văn bản cụ thể hóa các bước thực hiện “nền pháp quyền xã hội chủ nghĩa mang bản sắc Trung Quốc”, nhưng đã “làm nức lòng hầu hết công chúng”.
Tăng quyền hành của tòa án
Tân Hoa xã trong bài báo đăng ngay sau khi hội nghị kết thúc chiều 23.10 cho rằng bản nghị quyết với ngôn ngữ được cân nhắc kỹ lưỡng “hứa hẹn những cải cách pháp lý bằng việc trao quyền độc lập nhiều hơn cho các quan tòa, đồng thời giới hạn sự ảnh hưởng của các quan chức lên tòa án và các vụ án”.
Theo đó, một hệ thống giám sát hành vi của các quan chức sẽ được thiết lập. Quan chức nào bị phát hiện dùng quyền lực can thiệp vào công việc của ngành tư pháp sẽ bị buộc trách nhiệm, bị kiểm điểm, bêu xấu công khai, đồng thời lấy đó làm căn cứ để đề bạt hay cách chức.
Giáo sư Mã Hoài Đức từ Đại học Khoa học chính trị và luật pháp Trung Quốc ghi nhận đây là lần đầu tiên một văn kiện của Đảng Cộng sản công khai cấm các quan chức nhúng tay vào các vụ án và cảnh báo sẽ xử lý những ai vi phạm điều này.
Giới quan sát ghi nhận lần đầu tiên một hội nghị toàn thể của Ban Chấp hành trung ương lấy pháp quyền làm chủ đề trung tâm - Ảnh minh hoạ: Reuters
Và để cắt mối quan hệ giữa các lãnh đạo địa phương với bộ máy tư pháp tại chỗ, nghị quyết cho biết Tòa án Nhân dân tối cao sẽ thiết lập hệ thống tòa lưu động để giúp giải quyết các vụ kiện tụng của công chúng ở các địa phương, hoặc thậm chí bố trí chéo công tố viên và quan tòa ở địa phương này xử án của địa phương khác.
Bình luận trên tờ The Diplomat, chuyên gia về Trung Quốc Shannon Tiezzi cho rằng: “Dù tòa án vẫn nằm dưới sự chỉ đạo của đảng, nhưng các biện pháp trên sẽ khiến các quan chức cấp địa phương khó can thiệp hơn vào quy trình tư pháp để mưu lợi cá nhân”.
Chưa hết, nghị quyết cũng đề ra việc thành lập một hệ thống cho phép các công tố viên đứng ra khởi kiện các đối tượng xâm phạm quyền lợi của công chúng. Bắc Kinh gần đây cũng nới rộng phạm vi các vụ thuộc diện “xâm phạm lợi ích công cộng”, đặc biệt liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng hay gây ô nhiễm môi trường. Nếu được thực thi hiệu quả, những vụ này có thể giúp giảm thiểu sự câu kết của các tập đoàn kinh doanh lớn với quan chức địa phương, bà Tiezzi nhận định.
Chống tham nhũng sẽ không bao giờ kết thúc
Đó là phát biểu của Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) Vương Kỳ Sơn trong cuộc gặp với ban cố vấn của Trường Kinh tế và quản trị thuộc Đại học Thanh Hoa ngày 24.10, theo Tân Hoa xã. “Tất cả nỗ lực đó đã giành được sự ủng hộ của công chúng”, ông Vương nói. Tại phiên họp toàn thể của CCDI vào hôm qua, ủy viên thường vụ bộ chính trị này cũng cảnh báo rằng bất chấp những sáng kiến chống tham nhũng quyết liệt, vẫn còn một số quan chức không chịu từ bỏ hành vi sai trái và thậm chí còn lấn tới. “Chúng ta sẽ đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng, trị cây bệnh và nhổ cây thối”, ông Vương nói.
S.D
Trách nhiệm suốt đời
Một trong những điểm nổi bật khác từ Hội nghị Trung ương 4 này là việc quy định ràng buộc “trách nhiệm suốt đời” đối với các cá nhân được trao quyền lãnh đạo hay cầm giữ cán cân công lý.
Tân Hoa xã trích bản nghị quyết cho hay: “Các quan tòa và công tố viên sẽ phải chịu trách nhiệm suốt đời đối với các vụ án mà họ từng tham gia giải quyết”.
Tương tự, các quan chức nhà nước, kể cả đã thôi nhiệm, cũng không tránh khỏi bị truy tố vì những chính sách và quyết định sai trái của mình trong thời gian đương chức.
Bản nghị quyết của hội nghị hứa hẹn sẽ nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của chính quyền bằng cách “thiết lập một cơ chế giám định tính chính đáng trong các quyết định quan trọng” của chính quyền trung ương cũng như các địa phương.
Bình luận về quy định này, tờ Hoàn Cầu thời báo viết: “Buộc trách nhiệm suốt đời đối với những quyết định quan trọng sẽ giúp loại trừ thói vô trách nhiệm”. “Có rất nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn chả mang lại lợi ích gì, như các thị trấn không người ở. Đó là một sự lãng phí tài nguyên công cộng xuất phát từ các quy trình phản khoa học và thiếu dân chủ”, tờ báo viết thêm.
Bản sắc Trung Quốc
Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 với nhiều giải pháp nữa nhằm tiến tới một nền pháp quyền, theo các nhà quan sát, là nỗ lực giảm thiểu sự bất mãn của công chúng trước những bất công trong xã hội và hỗ trợ công cuộc chống tham nhũng mà Chủ tịch kiêm Tổng bí thư Tập Cận Bình đang tiến hành.
Theo các nhà quan sát, Chủ tịch kiêm Tổng bí thư Tập Cận Bình đang nỗ lực giảm thiểu sự bất mãn của công chúng trước những bất công trong xã hội và hỗ trợ công cuộc chống tham nhũng - Ảnh: Reuters
Bản nghị quyết cũng được đánh giá cao ở chỗ nó thừa nhận sức mạnh tối cao của Hiến pháp: “Để thực hành pháp quyền, đất nước phải được lãnh đạo dựa theo Hiến pháp”, và đề nghị tăng cường thực thi Hiến pháp bằng một bộ máy giám sát thuộc quốc hội. Điều này cũng phù hợp với quan điểm ngay khi mới nhậm chức của ông Tập: “Không tổ chức hay cá nhân nào có quyền lực đặc biệt giẫm trên Hiến pháp và pháp luật”.
Trong khi đó, bản nghị quyết cũng nêu rõ: “Hiến pháp Trung Quốc xác định Đảng Cộng sản là lãnh đạo của đất nước”, và “bảo đảm sự lãnh đạo của đảng là yêu cầu tự nhiên của nền pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. Tân Hoa xã trích nhận định của Giáo sư Mã cho rằng nền pháp quyền “mang bản sắc Trung Quốc” trên thực tế làm tăng cường sự lãnh đạo của đảng chứ không làm nó yếu đi.
Vượt qua nỗi ám ảnh GDP
Trong lúc Hội nghị Trung ương 4 đang diễn ra, Cục Thống kê nhà nước Trung Quốc cho hay tăng trưởng GDP của nước này trong quý 3/2014 đạt 7,3%, cao hơn các quý trước. Một số tờ báo quốc tế cho rằng đây là tin vui cho hội nghị. Cùng thời gian đó, Quỹ tiền tệ quốc tế IMF công bố GDP tính theo sức mua của Trung Quốc trong năm nay đạt 17.600 tỉ USD đã vượt Mỹ khoảng 200 tỉ USD.
Tuy nhiên, theo Giáo sư John Wong của Viện Nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, Bắc Kinh đón nhận thông tin này một cách khá “lạnh nhạt”. Ông giải thích, thái độ của Trung Quốc xuất phát từ việc nhìn nhận lại ý nghĩa thực tiễn của chỉ tiêu này.
Sự tăng trưởng kinh tế quá nóng, với mức tăng GDP 2 chữ số mỗi năm và kéo dài trong nhiều thập niên kể từ chính sách tăng trưởng bằng mọi giá để “cả Trung Quốc là một xã hội khá giả” của Đặng Tiểu Bình hồi cuối thập niên 1970, đã gây ra nhiều hệ lụy xã hội, môi trường và tạo ra bong bóng kinh tế chực bục vỡ nhiều lần.
Chưa hết, GDP được lấy làm chỉ tiêu đánh giá năng lực của các lãnh đạo khiến nhiều địa phương ở Trung Quốc chạy đua dự án một cách mù quáng, gây ra lãng phí và phá vỡ cân bằng môi trường, xã hội, Giáo sư Wong cho biết.
Vì vậy, việc chính quyền Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường gần đây hạ thấp tầm quan trọng của GDP trong đường lối phát triển kinh tế của mình là “một động thái khôn ngoan”. “Điều đó đảm bảo nền kinh tế Trung Quốc trong dài hạn tăng trưởng bền vững, bảo vệ được môi trường, không chỉ tốt cho nước này mà cho cả khu vực”, Giáo sư Wong viết trong bài bình luận trên báo The Straits Times ngày 25.10.