Giới khoa học Mỹ cảnh báo một siêu bão Mặt Trời đang trên đường hướng tới Trái Đất và có thể đổ bộ trong những ngày tới.
Nguồn: kosmix.co
Tuy nhiên, các số liệu phân tích và dự báo cho thấy siêu bão này sẽ chỉ lướt qua hành tinh của chúng ta và không gây nhiều thiệt hại.
Trong thông báo ngày 10/9, ông Tom Berger, Giám đốc Trung tâm Dự đoán thời tiết vũ trụ Mỹ, cho biết nếu xảy ra đúng như dự báo, đây sẽ là cơn bão Mặt Trời lớn thứ hai có quy mô lớn quét qua Trái Đất trong nhiều năm trở lại đây.
Cơn bão này có thể "đánh sập" một số lưới điện, hệ thống truyền tải vệ tinh và sóng phát thanh do tác động tới từ trường của Trái Đất.
Hiện con bão di chuyển với tốc độ trung bình ở mức 4,02 triệu km/h. Nếu tốc độ này không thay đổi, sớm nhất là ngày 12/9 siêu bão Mặt Trời sẽ tới Trái Đất.
Bão Mặt Trời được hình thành từ một vụ nổ trên bề mặt "hành tinh lửa," còn được gọi là lửa Mặt Trời. Vụ nổ này sẽ phóng ra các tia X và tia UV về phía Trái Đất với tốc độ ánh sáng.
Vì vậy, chỉ vài giờ sau khi vụ nổ xảy ra, các hạt mang điện tích (electron và proton) sẽ làm chập các vệ tinh và phá hủy các thiết bị điện tử trên đó.
Tiếp đó, các đám mây từ plasma được hình thành và thường mất hơn một ngày để di chuyển đến Trái Đất. Tất nhiên, các đám mây này thường bị lớp từ trường bao quanh Trái Đất làm chuyển hướng, nhưng trong trường hợp chúng đủ mạnh để xuyên ra "lớp áo giáp" này thì những hậu quả gây ra sẽ là một thảm họa thực sự.
Theo các chuyên gia, bão Mặt Trời có thể gây mất điện trên diện rộng, làm hỏng các vệ tinh, hệ thống thông tin liên lạc, các thiết bị kỹ thuật số như điện thoại thông minh, TV, radio...
Trung bình cứ 200 năm mới xảy ra một trận siêu bão Mặt Trời. Trong thời điểm hiện tại, Mặt Trời đang ở cuối chu kỳ và sở hữu năng lượng cực đại nên nhiều khả năng có thể tạo ra các cơn bão mới.
Phân tích các số liệu về bão Mặt Trời trong 50 năm qua, giới chuyên gia từng dự báo khả năng Trái Đất phải đón một siêu bão Mặt Trời trong một thập kỷ tới là 12%.
Trước tình hình này, các quốc gia đang đẩy mạnh chương trình cảnh báo sớm bão Mặt Trời bằng việc quan sát bề mặt hành tinh này và phân tích các thông số do vệ tinh cung cấp.
Hiện tượng cực quang - được sinh ra khi các hạt điện tích trong bão Mặt Trời tương tác với từ trường của các hành tinh và tạo nên các màu sắc đặc trưng trên bầu trời đêm - là một trong những dấu hiệu được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm để dự báo bão Mặt Trời./.
Theo Vietnam+