Các cuộc tuần hành, biểu tình tại Hồng Kông không phải hiếm gặp, nhưng làn sóng “Chiếm đóng trung tâm” đang diễn ra lại không hề giống những cuộc tuần hành trước đó, khi nó đặt giới lãnh đạo Bắc Kinh trước những lựa chọn khó khăn, đối nghịch.
Suốt từ cuối tuần qua và kéo dài đến tận hôm nay, những người biểu tình gồm chủ yếu là học sinh đã đối đầu với cảnh sát và làm tê liệt các hoạt động kinh doanh tại nhiều khu vực ở Hồng Kông. Số người xuống đường dường như đã tăng thêm trong sáng 1/10, đúng ngày Quốc khánh Trung Quốc.
Cảnh sát Hồng Kông đã mạnh tay trấn áp biểu tình trong ngày Chủ nhật
Cảnh sát từng sử dụng hơi cay và dùi cui để giải tán đám đông hàng nghìn học sinh tụ tập bên ngoài các tòa nhà chính phủ Chủ nhật vừa qua. Tuy nhiên người biểu tình đã nhanh chóng tụ họp lại và còn đông đảo hơn, khiến các tuyến đường qua trung tâm thành phố tê liệt.
Các cuộc biểu tình, vốn nhằm phản đối đề xuất giới hạn cách thức bầu cử chọn lãnh đạo thành phố này, đang đặt ra những vấn đề nhạy cảm với chính phủ Trung Quốc. Họ luôn lo ngại rằng, nếu biểu tình được tự do diễn ra tại một khu vực nào đó, có thể nó sẽ khuyến khích người dân các khu vực khác nổi dậy.
Do đó, Hồng Kông có thể được xem như minh chứng cho khả năng quản lý một trung tâm đô thị thương mại của Bắc Kinh với sự can thiệp tối thiếu.
Hiện tại chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình đang đứng trước những lựa chọn khó khăn: tỏ ra nhân nhượng và điều chỉnh những kế hoạch đã đề ra cho cải cách bầu cử, hay dùng vũ lực để giải tán đám đông biểu tình, và chấp nhận nguy cơ gợi nhớ lại cuộc trấn áp đẫm máu cuộc biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Chiến dịch bất phục tùng dân sự tại Hồng Kông hiện đang thu hút sự chú ý rất lớn từ Đài Loan, một hòn đảo mà Bắc Kinh từ lâu luôn tuyên bố chủ quyền. Trong một cuộc họp hồi tuần trước với phái đoàn của hòn đảo này, ông Tập từng khẳng định mô hình bán tự trị của Hồng Kông có thể là hình mẫu cho quá trình tái sáp nhập Đài Loan.
Tuy vậy, nhiều người đã bày tỏ sự cảm thông với người biểu tình Hồng Kông, khi những hình ảnh học sinh bị hơi cay bao phủ, còn trung tâm thành phố chìm trong khói trắng đã được chiếu đi chiếu lại trên truyền hình Đài Loan.
Tại Đài Bắc, du học sinh Hồng Kông cùng những người khác đã tuần hành để ủng hộ phong trào dân chủ tại quê nhà.
“Nếu Bắc Kinh có bất kỳ ý định nào trong việc tạo ra một hình ảnh thân thiện hoặc tốt đẹp trong tim người Đài Loan, những gì xảy ra tại Hồng Kông cuối tuần qua là cực kỳ phản tác dụng”, Alex Huang, giảng viên khoa học chính trị tại đại học Tamkang nhận xét.
Bắc Kinh hiện đang cảnh giác cao về khả năng những hiện tượng tương tự có thể diễn ra tại đại lục, ví dụ như ở Tây Tạng hay Tân Cương. Tin tức về biểu tình tại Hồng Kông bị kiểm duyệt ngặt nghèo, kể cả trên các mạng xã hội. Phần mềm chia sẻ ảnh Instagram trong ngày thứ Hai tại Trung Quốc đã không thể truy cập.
Bất chấp trấn áp, người biểu tình Hồng Kông vẫn đang xuống đường đông đảo
Theo phó giáo sư Dingding Chen, khoa chính phủ và quản lý công của đại học Macau, giới chức Trung Quốc đang lo ngại những “hiệu ứng lan tỏa” từ cuộc biểu tình, có thể khuyến khích cư dân các khu vực khác gia tăng sức ép đòi quyền lớn hơn, hoặc những hành động cho thấy chủ quyền quốc gia bị gây tổn hại bởi “các lực lượng thù địch nước ngoài”.
Một vấn đề nữa, theo ông Chen, đó là sự nhân nhượng sẽ càng trở nên khó khăn hơn một khi biểu tình tại Hồng Kông thách thức chủ quyền quốc gia, hoặc bị xem là hình mẫu cho những phong trào khác, thay vì chỉ là sự phản ánh vị thế duy nhất của thành phố này tại Trung Quốc.
Trong trường hợp biểu tình vượt ngoài tầm kiểm soát của cảnh sát Hồng Kông, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) với một đơn vị đóng tại Hồng Kông có thể được triển khai để trấn áp bạo loạn, như ý kiến của một vị quan chức về hưu hồi đầu năm. Hiện một đơn vị cảnh sát bán quân sự được huấn luyện về ngăn chặn bạo loạn dân sự, đã được triển khai tại tỉnh Quảng Đông, kế bên Hồng Kông.
Dù vậy, khó có khả năng một Thiên An Môn thứ hai sẽ diễn ra tại Hồng Kông. “Điều lớn nhất họ muốn tránh là một cuộc đụng độ đẫm máu”, ông Chen nói.
Người biểu tình Hồng Kông từng khiến giới lãnh đạo Trung Quốc thay đổi ý định năm 2003, khi một cuộc tuần hành của hàng trăm nghìn người đúng dịp kỷ niệm 6 năm thành phố này được trao trả về cho Trung Quốc, đã khiến Bắc Kinh bỏ ý định ban hành luật chống bạo động.
Và 18 tháng sau đó, vị trưởng đặc khu hành chính đầu tiên của Hồng Kông, ông Đổng Kiến Hoa đã từ chức vì lý do sức khỏe, dù vẫn giữ vai trò nhất định trong các vấn đề giữa thành phố này và chính quyền đại lục.
“Nó thực sự cho thấy Bắc Kinh có thể thay đổi quan điểm đối với một vấn đề nào đó”, Carole J. Petersen, một luật sư kiêm giảng viên đại học Hawaii tại Manoa, người từng tham gia vào các vấn đề pháp lý của Hồng Kông nhận định.
Chỉ có điều sự khác biệt lần này so với khi luật cấm bạo động bị bãi bỏ đó là người biểu tình đang muốn thay đổi luật bầu cử, mà điều này thì khó hơn, bà Petersen nói.