Ngày 23.8, bà Nguyễn Thu Trang - nguyên Phó Tổng GĐ, Chủ tịch CĐCS Cty CP dịch vụ xuất nhập khẩu nông-lâm sản, phân bón Bà Rịa (Baria Serece) - cho biết, bà đã nộp đơn khởi kiện và đòi Cty này bồi thường cho bà hơn 2,13 tỉ đồng, vì lý do đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Đơn khởi kiện của bà Trang đã được TAND huyện Tân Thành, tỉnh BRVT - nơi Cty Baria Serece đóng trụ sở - thụ lý.
Vinaconex: Công nhân căng biểu ngữ đòi 10 tỷ tiền nợ lương, lãnh đạo trốn biệt tăm
- Cập nhật : 24/08/2014
Như Lao Động đã đưa, ngày 22.8, gần 30 CNLĐ thuộc Cty CP Vinaconex 15 (TCty Vinaconex) đã tới số 34 phố Láng Hạ (Hà Nội), trụ sở của TCty Vinaconex, căng biểu ngữ để đòi được trả lương. Theo những công nhân này, Cty Vinaconex 15 hiện đang nợ của họ gần 10 tỷ đồng tiền lương.
Công nhân Cty CP Vinaconex 15 vẫn chỉ nhận được những lời hứa hẹn chung chung về thời điểm được trả lương. Ảnh: Phạm Linh
Lãnh đạo Cty trốn biệt tăm
Trao đổi với PV Báo Lao Động trước cửa trụ sở TCty Vinaconex, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổ trưởng Tổ điện nước gồm gần 20 CNLĐ - cho biết, Cty CP Vinaconex 15 hiện đang nợ tổ của ông 1,02 tỷ đồng. Đó là số tiền lương của NLĐ tham gia thi công một số công trình mà Cty làm nhà thầu thi công, như công trình nhà máy xi măng Chinfon (Hải Phòng) từ năm 2007.
Một số công trình khác mà Cty trúng thầu, thi công xong và đã quyết toán với chủ đầu tư (như công trình Trung tâm thương mại dầu khí 18 Láng Hạ, Hà Nội; công trình Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội nhà báo VN...) nhưng tiền lương của NLĐ thì không hề được Cty thanh toán.
Bị nợ lương quá lâu, nhưng gần đây anh em CNLĐ không thể liên lạc được với giám đốc và phó giám đốc Cty, dù trước đó họ được hứa là sẽ nhận hết tiền trước ngày 30.4.2014. Anh Hoàng Văn Giang tỏ ra bức xúc: “Hiện chúng tôi không thể liên lạc được với giám đốc Trương Hải Triều và phó giám đốc Nguyễn Xuân Thao. Họ không có mặt tại trụ sở Cty ở Hải Phòng, cũng không có mặt ở Chi nhánh Cty tại Hà Nội. Chúng tôi còn đến nhà riêng nhiều lần mà vẫn không gặp được lãnh đạo Cty”.
Hiện trụ sở Cty ở Ngô Quyền, Hải Phòng đã bị một nhóm CN tới khóa cổng, không cho người ra vào làm việc và suốt gần 1 tháng qua, trụ sở này bị bỏ không. Anh Giang còn cho biết thêm, những người đến đây đòi được trả tiền lương đa số đều là tổ trưởng, phải chịu áp lực suốt nhiều năm qua từ anh em CN thuộc tổ mình quản lý. Nhiều người bị CN đến nhà ăn nằm vật vờ dài ngày để đòi tiền lương.
Vẫn chỉ là những lời hứa suông
Cuối giờ sáng 22.8, lãnh đạo TCty Vinaconex đã mời tất cả số CNLĐ tới căng biểu ngữ trước cổng lên phòng khách của TCty để nghe phản ánh từ phía CN và tìm cách giải quyết. Tiếp số CN này là ông Nguyễn Mạnh Cường - Chánh văn phòng TCty và ông Hoàng Trung Kiên - Ủy viên HĐQT Cty CP Vinaconex 15. Sau khi nghe ý kiến của đại diện CNLĐ và nhận đơn của họ, ông Cường và ông Kiên đều đưa ra lời hứa sẽ lưu ý chỉ đạo Cty sớm giải quyết việc trả lương cho NLĐ.
Tuy nhiên, điều mà CN đề nghị dứt khoát là phải chốt được thời điểm thanh toán tiền lương cho họ thì hai lãnh đạo được TCty ủy quyền không biết trả lời ra sao. Cuộc gặp giữa hai bên kết thúc bằng một biên bản, trong đó cả phía lãnh đạo TCty và đại diện CNLĐ đều thống nhất sẽ làm việc với nhau một lần nữa vào ngày 4.9, khi đó phía TCty phải mời được cả giám đốc Cty Vinaconex 15 Trương Hải Triều tới dự.
Trước đó, trả lời kiến nghị của nhóm CN bị nợ lương, ông Lê Doanh Yên – Phó TGĐ TCty Vinaconex, Chủ tịch HĐQT Cty Vinaconex 15 – khẳng định yêu cầu được thanh toán tiền công, tiền lương của NLĐ là đúng. Ông Yên còn cho rằng, Cty hiện vẫn còn nguồn kinh phí, nhưng do khâu tổ chức, quản lý có vấn đề nên một vài công trình chưa quyết toán được. Từ đó khiến DN bị đọng vốn, không có kinh phí trả ngân hàng (khoảng 20 tỷ đồng), thanh toán nợ BHXH và tiền lương cho CN.
PHẠM LINH - Theo Lao Động