Theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ năm 1995 tới nay cả nước có gần 4.000 cuộc đình công, trong đó 100% là tự phát và bất hợp pháp, 72% xảy ra tại các doanh nghiệp FDI.
Tranh chấp lao động: Hiểu luật để không “bắt chẹt” nhau
- Cập nhật : 01/06/2014
Ngày 20-10, báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp với Công ty AnhGroup tổ chức hội thảo với chuyên đề: “Tranh chấp lao động” nhằm trang bị cho doanh nghiệp (DN) và người lao động những kỹ năng trong giải quyết tranh chấp lao động cũng như các biện pháp để hài hòa lợi ích giữa hai bên.
Ba tranh chấp chủ yếu
Luật sư Phan Thông Anh, Trưởng cơ quan đại diện của Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại TP.HCM, cho biết qua theo dõi thấy nổi lên ba tranh chấp khá phổ biến là tranh chấp về tiền lương, việc nộp tiền bảo hiểm xã hội và tranh chấp về thời gian làm việc. Do tình hình kinh doanh sản xuất khó khăn và lạm phát tăng cao nên tranh chấp tiền lương giữa DN và người lao động hiện đang tăng cao. Trong khi đó, nhiều DN chia thu nhập của người lao động thành hai khoản khác nhau, là lương “cứng” dùng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội và thu nhập thực tế cao hơn lương “cứng”. Do vậy, tuy người lao động thu nhập cao nhưng tiền đóng bảo hiểm xã hội lại thấp nên cũng xảy ra tranh chấp. Tuy pháp luật lao động quy định giờ làm thêm trong một năm không quá 200 đến 300 giờ nhưng hầu hết các DN đều vi phạm. Điều này cũng làm phát sinh tranh chấp lao động.
Bổ sung thêm, luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Trưởng hãng luật Giải Phóng, cho rằng có ba trường hợp tranh chấp lao động khác cũng khá phổ biến hiện nay. Do tình hình sản xuất kinh doanh hoặc vì nhiều lý do khác mà người sử dụng lao động phải chuyển người lao động sang làm công việc khác, trái với chuyên môn, gây ra tranh chấp lao động. Hoặc, việc đơn phương chấm dứt lao động trái pháp luật của một bên cũng gây tranh chấp và một tranh chấp khác mà lỗi thuộc về người sử dụng lao động đó là khấu trừ lương trái pháp luật.
Các vụ đình công xuất phát từ việc doanh nghiệp trả lương thấp hơn quy định, chất lượng bữa ăn không đảm bảo, làm quá giờ quy định… Ảnh: P.ĐIỀN
Người lao động phải biết luật
Một đại biểu đến từ DN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đặt câu hỏi, việc hiểu biết pháp luật lao động có phải là nghĩa vụ của người lao động không và đưa ra thực tế: “Tranh chấp lao động tăng lên sau khi người lao động hiểu biết pháp luật” (!).
TS Hồ Xuân Dũng, Phó Trưởng phòng Lao động-Tiền công-Tiền lương - Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, khẳng định việc hiểu biết pháp luật vừa là quyền và vừa là nghĩa vụ của công dân. Người lao động phải biết các quy định của pháp luật về lao động để có xử sự phù hợp và tự bảo vệ mình.
Luật sư Kiều Hưng cho rằng để hạn chế tranh chấp, các DN cần giải thích cặn kẽ về quyền và nghĩa vụ của người lao động cùng với chế độ làm việc, chế độ ưu đãi… khi hai bên ký hợp đồng lao động.
Bổ sung thêm, luật sư Thông Anh cho biết các DN nhất là các DN nước ngoài hiện đang rất quan tâm đến việc phổ biến pháp luật lao động cho người lao động. Nhiều DN còn tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, cho người lao động nghỉ việc để đi học. Người lao động hiểu biết pháp luật thì sẽ có sự chấp hành kỷ luật lao động tốt hơn, biết được quyền của mình đến đâu để hành xử phù hợp. Như vậy, tranh chấp lao động sẽ giảm.
Theo quy định, người lao động theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn muốn đơn phương chấm dứt phải thông báo trước 45 ngày. Thực tế, nhiều DN không muốn giữ lại người lao động nên làm thủ tục cho họ nghỉ luôn ngay tại thời điểm thông báo. Làm như vậy, DN đã tự đưa mình vào thế khó bởi theo quy định như vậy đây thuộc trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật kéo theo những hệ quả của nó. Muốn cho người lao động nghỉ luôn tại thời điểm họ thông báo trước 45 ngày, DN cần phải có sự đồng ý bằng văn bản của người lao động. Khi đó, trường hợp này sẽ chuyển thành thỏa thuận chấm dứt công việc. Doanh nghiệp sẽ tránh được những rủi ro đáng tiếc. TS HỒ XUÂN DŨNG, Phó Trưởng phòng Lao động -Tiền công-Tiền lương - Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Hiện nay, một số tổ chức công đoàn trong các DN hiểu sai chức năng, nhiệm vụ của mình nên hoặc thỏa hiệp với DN hoặc thường mang nặng tư tưởng đấu tranh cho lợi ích của người lao động. Công đoàn phải là cầu nối, là tổ chức tạo sự hài hòa mối quan hệ giữa người sử dụng lao động với người lao động. Nếu công đoàn làm tốt vai trò của mình thì tranh chấp lao động tại DN đó sẽ được hạn chế rất nhiều. TSLÊ THỊ THÚY HƯƠNG,Trưởng bộ môn Luật lao động - khoa Luật dân sự - ĐH Luật TP.HCM Tranh chấp lao động tập thể có hai dạng: Tranh chấp về quyền là tranh chấp về một vấn đề mà các bên đã có sự ghi nhận, thỏa thuận (trong luật, quy ước, thỏa ước lao động, nội quy) mà một trong các bên đã vi phạm. Tranh chấp lao động tập thể về quyền sẽ được giải quyết ban đầu bằng thủ tục hòa giải. Nếu một trong các bên không đồng ý thì có thể chọn một trong hai cách, khởi kiện ra tòa hoặc đình công. TAND có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền. Tranh chấp về lợi ích là tranh chấp phát sinh trong quá trình hoạt động của DN. Thường nó xuất phát từ yêu cầu, yêu sách của một bên về những vấn đề mà các bên đã thỏa thuận trước đó như yêu cầu tăng lương, giảm giờ làm… Tranh chấp dạng này thuộc thẩm quyền giải quyết của hội đồng trọng tài lao động. Nếu giải quyết của hội đồng trọng tài không được chấp nhận thì người lao động có quyền đình công. |
Theo HỒNG TÚ// PLO