Chất lượng bữa ăn kém khiến CN không có sức để làm việc.
Để giảm chi phí, nhiều chủ doanh nghiệp (DN) đã không ngại ngần cắt xén bữa ăn của công nhân (CN) khiến bữa ăn của CN vốn đã nghèo nàn nay lại càng thêm tệ hại.
Tiếc gì với công nhân một bữa ăn!
“Chúng tôi phải tăng ca liên tục 5 ngày/tuần, vào các ngày thứ 2, 4, 6 tăng ca đến 20h30 mới được Cty cho thêm suất ăn. Vậy mà bây giờ, để tiết kiệm suất ăn đó, từ thứ 2 - 6, Cty cho CN tăng ca đến 18h30, Cty cắt luôn suất ăn, chúng tôi lấy đâu ra sức để làm việc”, anh Tuấn - CN Cty C (Q.Bình Tân, TPHCM) - nói. Việc điều chỉnh thời gian tăng ca của Cty C đã bị CN phản đối, từ chối tăng ca. Để ép CN phải chấp thuận, Cty giữ lại lương của CN và yêu cầu khi nào CN đồng ý với phương án tăng ca mới thì Cty mới trả tiền.
“Từ trước tới giờ, bữa ăn giữa ca của chúng tôi đã không được ngon lành gì nhưng thà có cái gì cho vào bụng vẫn tốt hơn, còn có sức mà làm việc. Thường chúng tôi không ăn nổi bữa cơm trưa ở Cty vì thời tiết nóng và oi bức kinh khủng. Buổi tối tăng ca, trời dịu mát còn nuốt trôi, vậy mà Cty đòi cắt mất. Chúng tôi lấy sức ở đâu làm việc”, anh H - CN Cty - nói. “Cty muốn chúng tôi phải làm việc tốt, muốn CN phải có năng suất cao nhưng tại sao lại tiếc với chúng tôi một bữa ăn giữa ca tối như vậy. Việc Cty tăng ca thường xuyên, liên tục 5 ngày trong tuần đã vi phạm pháp luật về thời gian tăng ca nhưng chúng tôi vẫn cố gắng làm dù mệt. Chúng tôi đã cố gắng vì Cty thì Cty cũng phải hiểu và nghĩ cho CN chúng tôi chứ”, chị V - CN Cty - bức xúc.
Tranh chấp lao động vì những bữa ăn quá kém chất lượng
Theo thống kê của Sở LĐTBXH TPHCM, trong gần 70 cuộc ngừng việc tập thể từ đầu năm 2014 đến nay, có 28 cuộc nguyên nhân liên quan đến chất lượng bữa ăn, riêng trong tháng 10.2014, trên địa bàn thành phố đã có hai cuộc ngừng việc mà nguyên nhân vì chất lượng bữa ăn quá kém.
Ngày 27.10, gần 1.000 CN tại Cty TNHH T.O (quận Gò Vấp, TPHCM) đã ngừng việc, yêu cầu công ty cải thiện chất lượng bữa ăn. CN trình bày, mang tiếng là bữa ăn của CN có giá 15.000 đồng nhưng CN phải thường xuyên ăn cơm với cá thịt đã ôi thiu, rau dưa dập nát. Ăn uống kém chất lượng nhưng CN phải tăng ca liên tục 6 ngày trong tuần, ngày nào cũng tăng ca liên tục đến 21-22h, có khi hàng gấp phải làm thâu đêm suốt sáng. Như hôm diễn ra đình công, các CN đã mang khay thức ăn lên tận phòng hành chính của Cty để “hỏi cho ra nhẽ”. “Nếu nhà bếp không nói đây là đậu ve xào, gà kho, cá viên chiên thì đố mọi người biết là món gì. Ở đây, người ta cho ăn cái gì là ăn cái đó, ăn không được ráng chịu, ai “dư tiền” thì mua thức ăn bên ngoài mà cứu đói”, chị P - CN Cty T.O - nói.
“Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh nhưng vẫn không được giải quyết. Những bà bầu, CN nữ nuôi con bú cực khổ vô cùng. Ăn uống thiếu chất, cơm ăn không no, để chống đói, vào mỗi buổi trưa, người ăn củ khoai lang, người ăn trái bắp hoặc miếng dưa hấu rồi vào làm việc. Thử hỏi sức đâu mà làm, mà không chỉ mình khổ, con mình trong bụng cũng khổ, riết rồi chắc suy dinh dưỡng”, nữ CN tên L trình bày.
Trước đó, gần 4.000 CN Cty Vina Duke (huyện Củ Chi, TPHCM) cũng ngừng việc. Một trong những nguyên nhân chính khiến CN phản ứng là việc suất cơm (giá 13.000 đồng/suất) ăn không đủ no, thức ăn vừa ít vừa kém chất lượng lại không hợp vệ sinh. Sau hơn 1 tuần ngừng việc, khi công ty hứa hẹn sẽ phối hợp với công đoàn và người lao động kiểm tra chất lượng bữa ăn, nếu tình hình không cải thiện sẽ thay nhà cung cấp mới, CN mới đồng ý trở lại làm việc.
Lấy gì để đòi năng suất lao động cao?
“Có ăn mới có làm, đằng này, các chủ DN muốn CN làm mà không chịu đầu tư vào con người, cắt xén từng bữa ăn, từng ly nước. Điều này không chỉ làm cho sức khỏe CN giảm sút mà còn chứa nguy cơ tranh chấp lao động rất cao. Có lý gì anh đòi hỏi năng suất lao động cao trong khi một bữa cơm giúp người ta no bụng để làm việc anh cũng tiếc”, một cán bộ công đoàn LĐLĐ huyện Hóc Môn chia sẻ.