Pháp luật về lao động quy định, chủ doanh nghiệp (DN) được sử dụng người lao động (NLĐ) làm thêm giờ khi được NLĐ đồng ý và tổng số giờ làm thêm không được quá 200 giờ/năm. Tuy nhiên, thực tế, nhiều chủ DN ép NLĐ phải tăng ca ngày đêm nhưng thu nhập, chế độ không được trả tương xứng.
CN Cty Top One (quận Gò Vấp, TPHCM) ngừng việc phản đối cách tính lương mới.
Mang áo quần vào cơ quan thay
Cách đây không lâu, gần 20 công nhân (CN) Cty Ngọc Minh Tâm (huyện Hóc Môn, TP.HCM) đã ngừng việc nhiều ngày yêu cầu Cty trả lương “tương xứng” với công sức họ bỏ ra để tăng ca ngày đêm cho Cty. Theo phản ánh của CN, họ bị buộc phải tăng ca vì giám đốc Cty yêu cầu CN phải tăng năng suất để Cty kịp xuất hàng. Vì hưởng lương theo sản phẩm nên khi tăng năng suất, CN cũng tăng thu nhập, dù vất vả nhưng CN rất tích cực làm việc. “Đầu tháng, khâu của tôi thiếu người, hàng làm không kịp, Cty ép tôi phải tăng ca thường xuyên, có ngày làm đến đến 2-3h sáng. Không có thời gian về nhà, tôi phải mang theo quần áo để thay và ngủ tại Cty và tiếp tục làm việc vào sáng hôm sau. Cứ nghĩ chịu cực nhưng sẽ được lương cao nên tôi cố gắng”, anh Phẩm - CN Cty - cho hay.
Các Cty yêu cầu CN tăng ca quá giờ quy định, không được sự đồng ý của CN, là thực tế xảy ra thường xuyên tại TPHCM. Cuối tháng 10 vừa qua, gần 1.000 CN Cty Top One (quận Gò Vấp, TPHCM) đã đồng loạt ngừng việc, phản đối cách tính lương mới của Cty. Họ cho biết, gần 1 năm qua, Cty bắt CN tăng ca quá nhiều (từ 90 - 130 giờ/tháng), chất lượng bữa ăn quá kém, đặc biệt là cách hành xử khiếm nhã của một số cán bộ quản lý gây bức xúc trong CN. “Cty bắt đầu làm việc đúng 7h, 12h được nghỉ đi ăn, 13h vào làm việc. Theo HĐLĐ, 16h CN được về (ngày làm 8 tiếng), nhưng trên thực tế không bao giờ CN làm việc đúng giờ đó.
Trước đây, Cty thông báo, vào các ngày thứ 2, 4, 7, CN làm việc từ 7h-18h, các ngày thứ 3, 5, 6 làm việc từ 7h-21h (hoặc 22h). Thế nhưng, gần 1 năm, từ thứ 2 đến thứ 7, CN phải làm việc liên tục từ 7h - 21h (hoặc 22h) mới được về. Có đợt cao điểm như Tết Nguyên đán vừa rồi, CN phải làm từ 7h sáng hôm trước đến 6h sáng hôm sau, CN chỉ được nghỉ 1 tiếng đồng hồ rồi lại vào làm tiếp”, chị P, CN Cty trình bày.
Đáng nói, nhiều CN không chịu nổi việc tăng ca thường xuyên xin giảm giờ tăng ca thì bị Cty đe dọa “một là nghỉ việc, hai là tăng ca”. “Trước lời “đe dọa” của Cty, nhiều CN dù sức khỏe suy giảm vẫn không dám nghỉ”, anh H - CN Cty A.W (KCX Tân Thuận, TP.HCM) bức xúc - kể.
“Làm để sống chứ đâu phải làm để chết”
Với mặt bằng lương như hiện nay, hầu hết CN đều có nguyện vọng tăng ca để cải thiện thu nhập, thế nhưng, thu nhập và chế độ khi tăng ca không được trả tương xứng. Đơn cử, tại vụ việc của gần 20 CN Cty Ngọc Minh Tâm, khi “dốc hết sức, thức thâu đêm, trắng mắt” để hoàn đạt sản lượng như Cty đặt ra thì đến khi trả lương, Cty lại tìm mọi cách cắt xén.
Khi 20 CN tập trung về Cty yêu cầu được trả lương thì giám đốc lệnh cho bảo vệ “cấm cửa” không cho CN vào làm việc, nếu ai muốn vào làm việc thì phải thỏa thuận riêng với giám đốc và ký vào bản cam kết đồng ý với cách trả lương của giám đốc và nhiều điều khoản trái quy định pháp luật khác như thời gian làm việc bình quân 260 giờ/tháng, nghỉ không phép bị phạt tiền từ 50.000- 300.000 đồng/ ngày, nghỉ từ 3 ngày trở lên sẽ bị sa thải… Ai không đồng ý ký thỏa thuận thì tiếp tục bị “cấm cửa” và giam lương.
Theo trình bày của CN Cty TNHH T.V (huyện Hóc Môn, TP HCM). Khi tuyển CN, Cty thỏa thuận thời gian làm việc mỗi ngày từ 7h30 đến 16h30 (tăng ca 4 buổi/tuần), hưởng lương thời gian (từ 2,9 - 3,2 triệu đồng/người/tháng, tùy tay nghề). Nếu tăng ca, CN được 1 suất ăn chiều và được trả phụ trội. Thế nhưng khi làm việc, Cty đã đề ra định mức và liên tục nâng lên khiến CN làm không kịp, buộc phải ở lại làm thêm mà không được tính tiền tăng ca. Chị Ngân - một CN - bức xúc: “Chúng tôi phải làm việc cật lực, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, chuyện CN bị ngất xỉu xảy ra như cơm bữa. Thực tình vì cuộc sống quá khó khăn, lương cơ bản ít ỏi, chúng tôi muốn tăng ca để kiếm thêm nhưng làm để mà sống, để mà ăn chứ đâu phải làm để mà chết”.