Các nước trong khu vực và trên thế giới cũng đã phải đối mặt với những lập luận, cản trở tương tự Việt Nam khi đề xuất tăng thuế thuốc lá. Tuy nhiên, họ đã giải quyết những xung đột giữa lợi ích kinh tế và lợi ích sức khỏe ra sao để đạt được một mức tăng hợp lý, được các bên chấp thuận, được người tiêu dùng ủng hộ?
Kinh nghiệm Thái Lan
Có thể lấy trường hợp tăng thuế thuốc lá tại Thái Lan làm “bài học kinh nghiệm”. Theo đó, từ năm 1994 đến 2012, chính phủ Thái Lan thực hiện 10 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá (mức thuế 85% của Thái Lan tương đương 567% thuế theo giá xuất xưởng của VN).
Việc tăng thuế thuốc lá ở Thái Lan khiến giá thuốc lá tại quốc gia này tăng từ 15 Bath/bao lên 65 Bath/bao, làm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới giảm từ 59,33% năm 1991 xuống còn 41,69% vào năm 2011.
Với nữ giới, tỉ lệ hút thuốc sau tăng thuế thuốc lá giảm từ 4,95% năm 1991 xuống còn 2,14% năm 2011; số thanh thiếu niên bắt đầu hút thuốc giảm đáng kể.
Việc tăng thuế đã giúp nguồn thu ngân sách từ thuế tăng đáng kể (từ 20 tỷ Bath – gần 616 triệu USD - năm 1994 lên 60 tỷ Baht năm 2012 – tức 1.843.170 triệu USD), tiêu dùng thuốc lá giữ nguyên (khoảng 2 tỷ bao/năm do dân số tăng), hàng trăm ngàn người tránh được tử vong sớm, không làm gia tăng buôn lậu thuốc lá.
Bài học kinh nghiệm của Thái Lan là tăng thuế thuốc lá thường xuyên được chứng minh là chính sách cùng thắng (Win-Win) và không ảnh hưởng tới ngành công nghiệp thuốc lá.
Kinh nghiệm của Brazil
Tại Brazil, từ năm 2006 tới năm 2013, thuế tiêu thụ đặc biệt cho mỗi bao thuốc lá tăng 116%, giá thuốc lá thực trung bình tăng 74%. Trong giai đoạn này, doanh số bán thuốc lá trong nước giảm 32%, tuy nhiên doanh thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt tăng 48%, và doanh thu của Chính phủ từ các loại thuế thuốc lá tăng từ 3,5 tỷ Reais lên 5,1 tỷ Reais.
Năm 2006, Brazil có 15,7% dân số người trưởng thành hút thuốc lá. Sau khi tăng thuế, đến năm 2013 với mức 116% như trên thì tỉ lệ người trưởng thành hút thuốc chỉ còn 11,3% - giảm hơn ¼ tỷ lệ hút thuốc.
Khi đề xuất tăng giá, Brazil cũng vấp phải sự phản đối của ngành công nghiệp thuốc lá bằng cách viện dẫn tỉ lệ buôn lậu cao (27-30%) là lý do để không tăng thuế thuốc lá, cho rằng thuế tăng sẽ làm tăng sự chênh lệch giá giữa thuốc lá hợp pháp và thuốc lá lậu, làm tăng buôn lậu.
Tuy nhiên, chiến lược giá của ngành công nghiệp thuốc lá ở Brazil lại không nhất quán với viện dẫn này, bởi vào những năm 2.000, khi thuế tiêu thụ đặc biệt giảm, ngành công nghiệp thuốc lá giữ nguyên giá bán thuốc lá. Đến 2009, khi tăng thuế thuốc lá lần 2, ngành công nghiệp thuốc lá tăng giá thuốc lá cao hơn mức tăng thuế, cho thấy công nghiệp thuốc lá ít lo ngại về tăng chênh lệch giá giữa thuốc lá hợp pháp và thuốc lá lậu.
Kinh nghiệm của Thổ Nhĩ Kì
Từ năm 2005 tới 2011, thuế thuốc lá tính theo tỷ lệ phần trăm giá bán lẻ tăng từ 58% giá thuốc lá ở Thổ Nhĩ Kỳ tăng 195%. Trong cùng thời gian trên, doanh số bán thuốc lá giảm 15,5% và doanh thu của Chính phủ tăng 124% (từ 7,1 tỷ Lira Thổ Nhĩ Kì năm 2005 lên 15,9 tỷ Lira Thổ Nhĩ Kì năm 2011).
Việc tăng thuế thuốc lá làm giảm hơn nửa triệu người hút thuốc và cứu sống được khoảng 340.000 người.
Ngành công nghiệp thuốc lá của Thổ Nhĩ Kỳ cũng phản ứng trước việc tăng thuế với cáo buộc rằng việc tăng thuế đã làm tổn hại đáng kể tới doanh thu của thuốc lá do giá tăng và buôn lậu.. Tuy nhiên, nhờ hệ thống giám sát sản xuất, Chính phủ Thổ Nhĩ đã xác định ngành công nghiệp thuốc lá đã sản xuất dư thừa vào năm trước tăng thuế và giảm sản xuất trong quý đầu của năm tăng thuế, và bác bỏ những lập luận liên quan đến việc tăng thuế làm giảm sản xuất.
Kinh nghiệm Việt Nam trong những lần tăng thuế thuốc lá trước đây
Năm 2006, mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá tại Việt Nam từ các mức 25%, 45% và 65% được thông nhất lại thành một mức là 55%. Năm 2008, mức này tăng lên 65%, tương đương với 43% nếu nếu tính trên giá bán lẻ.
Với mức tăng thuế như trên, giá danh nghĩa thuốc lá (chưa tính đến lạm phát) tăng nhưng giá thực (đã tính yếu tố lạm phát) thì chỉ tăng nhẹ trong lần tăng thuế 2006 và giảm trong lần tăng thuế 2008. Tiêu dùng thuốc lá chỉ giảm nhẹ vào năm tăng thuế rồi tăng ngay trở lại vào các năm sau đó và đang có xu hướng tiếp tục gia tăng.
Kết quả 2 lần tăng thuế trên cho Việt Nam thấy bài học kinh nghiệm: Mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt 10% vào năm 2008 không làm giảm tiêu dùng thuốc lá trong dài hạn. Để giảm tiêu dùng thuốc lá trong dài hạn, cần tăng thuế để giá tăng nhanh hơn thu nhập và phải tăng đều đặn qua các năm để đảm bảo theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế và lạm phát.
Nếu chỉ tăng thuế thêm 5% vào năm 2016 và tăng thêm 5% vào năm 2019 như đề xuất của Chính phủ hiện nay thì các tác động tới việc tăng giá, giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá sẽ còn kém hơn kịch bản của đợt tăng thuế năm 2006-2008 và tỷ lệ giảm hút thuốc theo mục tiêu quốc gia sẽ không đạt được.
Một bài học khác Việt Nam rút ra từ đợt tăng thuế năm 2006-2008 là tăng thuế thuốc lá làm tăng thu ngân sách Nhà nước và không phải là nguyên nhân làm gia tăng buôn lậu. Tình trạng buôn lậu ở Việt Nam vẫn tăng qua các năm ngay cả khi thuế thuốc lá không tăng.