Muốn giảm thời gian thông quan, cần đẩy nhanh thời gian cấp giấy phép, đơn giản hóa thủ tục giao nhận tại cảng.
Vì sao doanh nghiệp (DN) phải tốn gần cả trăm triệu đồng để in báo cáo và phải dùng cả ô tô để chở báo cáo? Đó là do DN đang phải đối mặt với cả “rừng luật”. Quy định nhiều nhưng các cơ quan lại thiếu sự phối hợp khiến DN tốn không ít thời gian, tiền của để được thông quan một lô hàng.
Đó là câu trả lời được ông Âu Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Giám sát và quản lý hải quan, Tổng cục Hải quan (ảnh), cho biết tại hội thảo cải cách thủ tục hải quan do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Tổng cục Hải quan tổ chức vào ngày 14-10.
Không còn đòi hợp đồng, hóa đơn…
. Phóng viên: Để rút ngắn thời gian thông quan từ 21 ngày xuống 13 ngày, theo ông cần phải đơn giản những khâu nào, thủ tục nào?
+ Ông Âu Anh Tuấn: Trong bộ hồ sơ hải quan hiện nay, đối với hàng hóa xuất khẩu đã giảm rất nhiều chứng từ như hợp đồng hàng hóa, hóa đơn mua bán, giấy phép (đối với trường hợp có giấy phép). Còn đối với hàng hóa nhập khẩu chỉ yêu cầu xuất trình một số giấy tờ như tờ khai, hóa đơn thương mại, vận đơn, giấy phép, chứng nhận xuất xứ, còn một số giấy tờ dự kiến sẽ cắt giảm là hợp đồng, hóa đơn mua bán. Ngoài ra một số giấy tờ khác như mã số xuất xứ không yêu cầu nữa mà bắt buộc hải quan phải tra cứu trên cơ sở dữ liệu khi thực hiện thủ tục hải quan. Tuy nhiên, muốn giảm thời gian thông quan thì cần đẩy nhanh thời gian cấp giấy phép, đơn giản hóa thủ tục giao nhận tại cảng, giảm các chi phí cho DN, rút ngắn thời gian kiểm tra chuyên ngành…
. Nếu cắt giảm những giấy tờ nói trên thì thời gian làm thủ tục hải quan còn lại bao lâu?
+ Tổng cục Hải quan phấn đấu giảm thời gian kiểm tra hồ sơ còn hai giờ, thời gian kiểm tra hàng còn tám giờ, như vậy từ khi DN nộp tờ khai đến khi ra khỏi cảng còn 10-11 giờ thay vì 31 giờ như hiện nay.
. Như vậy liệu có quá tham vọng không, thưa ông?
+ Từ khi hải quan nhận hồ sơ đến lúc phản hồi với DN chỉ mất khoảng một đến ba giây, nhiều lắm cũng chỉ trong vòng một phút chứ không thể hơn. Việc thực hiện hải quan điện tử từ tháng 4 vừa qua cho thấy mức thời gian đó hoàn toàn có thể thực hiện được. Thực tế, những lô hàng số lượng lớn thì có thể kéo dài tối đa hai ngày làm việc, còn nếu lô hàng bình thường hoàn toàn có thể kiểm tra trong tám giờ. Đây là điều hải quan làm được và bắt buộc phải làm theo yêu cầu của Chính phủ.
Thực hiện thủ tục hải quan điện tử cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ảnh: Hoàng Hùng
Kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu
. Không ít DN đã phàn nàn hệ thống kết nối hải quan điện tử hiện nay hay gặp sự cố khiến DN bị “ngâm” hàng một cách vô lý?
+ Phản ánh của DN là đúng. Có tình trạng DN nộp thuế rồi mà hải quan không nhận được do mạng và phần mềm. Vấn đề ở đây là phần mềm kết nối giữa hải quan - kho bạc - ngân hàng. Hoặc mạng có thể thông nhưng phần mềm tắc ở khâu nào đó thì hải quan cũng không nhận được dữ liệu. Bộ Tài chính đã chỉ đạo rà soát toàn bộ hệ thống công nghệ thông tin về tài chính để thông tin thông suốt giữa kho bạc - ngân hàng - hải quan, tránh chuyển qua các bộ phận trung gian gây trễ việc thực hiện nghĩa vụ thuế của DN.
Song cũng có nhiều ý kiến khen hải quan điện tử vì tiết kiệm được nhiều thời gian cho DN. Một DN ở Hải Dương cho hay họ tiết kiệm được 10.000 USD/tháng thông qua việc thực hiện hải quan điện tử.
. Phần việc của hải quan chỉ chiếm 28%, 72% còn lại là phần việc của những khâu khác trong đó có khâu kiểm tra chuyên ngành. Vậy nếu chỉ mỗi hải quan nỗ lực cải cách thì liệu có đạt được kết quả như kỳ vọng?
+ Các cơ quan quản lý chuyên ngành bao gồm kiểm dịch động vật, cấp giấy phép, kiểm tra chất lượng… Hiện có tám bộ, ngành liên quan đến hoạt động kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu với 11 bộ luật quy định liên quan và 200 văn bản liên quan. Vì vậy muốn giảm thời gian thông quan hàng hóa đòi hỏi các bộ, ngành rà soát hồ sơ thủ tục và thời gian kiểm tra hàng hóa.
Bộ Tài chính đang dự thảo nghị định và thông tư hướng dẫn Luật Hải quan trong đó có một số quy định các cơ quan kiểm tra chuyên ngành phải có mặt ngay tại cửa khẩu để kiểm tra. Tránh tình trạng hàng hóa đã kiểm tra rồi, các cơ quan chuyên ngành khác nhau lại yêu cầu kiểm tra lại gây tốn chi phí và thời gian cho DN. Chúng tôi cũng trình Chính phủ quy chế kiểm tra liên ngành ngay tại cửa khẩu, nhất là các cửa khẩu quốc tế và các sân bay quốc tế.
Ngoài ra hải quan sẽ tăng cường hậu kiểm thay vì tiền kiểm như trước đây. Tức là nhiều loại hàng hóa sẽ được kiểm tra sau thông quan tại trụ sở hải quan hoặc tại trụ sở người khai hải quan.
. Xin cám ơn ông.
Giảm một ngày thông quan tiết kiệm 1,6 tỉ USD
Theo tính toán của các chuyên gia, nếu mỗi năm Việt Nam giảm một ngày thời gian thông quan thì sẽ tiết kiệm 1,6 tỉ USD. Nghị quyết 19 của Chính phủ có đưa ra chỉ tiêu giảm thời gian thông quan từ 21 ngày như hiện nay xuống còn 13 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu và 14 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu.
Ông PHAN VINH QUANG, chuyên gia dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID/GIG)
Vấn đề khó nhất trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu hiện nay chính là sự phối hợp giữa các đối tác liên quan như hải quan với các cơ quan quản lý chuyên ngành và hải quan với DN.
Ông NGUYỄN TOÀN, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Hải quan