Ông Huỳnh Uy Dũng.
Trước tuyên bố khu du lịch Đại Nam sẽ đóng cửa, PV Lao Động đã có cuộc phỏng vấn ông Huỳnh Uy Dũng qua điện thoại, khi ông đang nghĩ dưỡng ở Australia, sau thời gian dài căng thẳng đấu tranh, khiếu nại, tố cáo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.
Ngay sau khi báo Lao Động thông tin ông Huỳnh Uy Dũng – Tổng GĐ Cty cổ phần Đại Nam – tuyên bố sẽ đóng cửa Khu du lịch Đại Nam ở tỉnh Bình Dương (BD), rất nhiều bạn đọc đã thắc mắc, vì đâu mà ông chủ Khu du lịch Đại Nam lại có hành động phản kháng như vậy?
<?>Xin ông cho biết đâu là lý do sâu xa buộc ông ra tuyên bố đóng cửa Khu du lịch Đại Nam?
- Chính quyền tỉnh BD đã dựa trên Kết luận số 1549/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ, kết luận về nội dung đơn tố cáo của tôi đối với ông Lê Thanh Cung – Chủ tịch UBND tỉnh BD – để ra các biện pháp xử lý DN của tôi suốt thời gian qua. Chưa nói đến nội dung kết luận dày đặc dấu hiệu bao che cho ông Cung, thì việc TTCP đứng ra công bố và kết luận vụ việc này đã sai phạm nghiêm trọng luật pháp. Theo Luật Tố cáo qui định tại khoản 7, điều 13: Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Tại khoản 1, điều 22 quy định: "Người giải quyết tố cáo (là Thủ tướng) tiến hành xác minh hoặc giao cho cơ quan thanh tra nhà nước, cá nhân có trách nhiệm xác minh nội dung tố cáo”. Và, ở điểm a, khoản 2, điều 23 quy định: “Tổng TTCP chỉ có trách nhiệm xác minh nội dung tố cáo, kết luận nội dung xác minh và kiến nghị biện pháp xử lý để Thủ tướng ban hành văn bản kết luận nội dung tố cáo”. Để giải quyết đơn tố cáo, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 9329/VPCP-V.I nêu rõ Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ Tướng Chính phủ kết quả.
Với các căn cứ trên, Luật Tố cáo không qui định Tổng TTCP có quyền ban hành văn bản kết luận nội dung xác minh. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng không giao quyền cho TTCP trực tiếp trả lời hoặc kết luận nội dung tố cáo. Nhưng ở đây, TTCP đã ban hành Kết luận số 1549/KL-TTCP và tự cho mình cái quyền kết luận nội dung tố cáo thay Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh BD xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức vi phạm. Chính việc làm sai Luật Tố cáo này, dẫn đến ông Cung, UBND và cơ quan chức năng tỉnh BD đã liên tục dồn ép tôi và DN của tôi đến bước đường cùng trong suốt thời gian qua.
Tôi đã có đơn gửi Thủ tướng và Thủ tướng đã chỉ đạo Tổng TTCP phải xem xét, giải quyết lại Kết luận 1549 nêu trên. Tuy nhiên, bất chấp chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, họ đã không ngừng tấn công hòng “bức tử” Cty Đại Nam, với nhiều hành vi, qua 12 văn bản, trong 51 ngày, bình quân 4 ngày ra 1 văn bản yêu cầu Cty Đại Nam phải làm cái này, cung cấp cái kia...v.v…
Một góc Khu du lịch Đại Nam.
<?> Trả lời báo chí những ngày gần đây, một cán bộ của chính quyền tỉnh Bình Dương cho rằng, ông chỉ “dọa” vậy thôi, chứ không thể đóng cửa Khu du lịch Đại Nam, vì đóng cửa chỉ DN bị thiệt hại nặng, chứ chính quyền … không hề, cùng làm không thu được thuế. Ông có nhận định gì về ý kiến này?
- Tôi nói thật và sẽ làm thật, chứ không dọa dẫm gì. Bản tính con người tôi lâu nay, chưa bao giờ nói mà không làm. Tôi xin khẳng định một lần nữa, nếu chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh BD không thay đổi thái độ, cách hành xử với DN của tôi; chắc chắn tôi sẽ tính đến phương án đóng cửa Khu du lịch Đại Nam và một số hoạt động khác của Cty Đại Nam.
<?> Cụ thể đóng cửa Khu du lịch Đại Nam, ông sẽ làm gì? Liệu hệ lụy xảy ra từ việc đóng cửa này sẽ như thế nào, ông có tính trước được không?
- Khoảng 10 ngày nữa tôi sẽ về VN và sẽ bàn phương án đóng cửa Khu du lịch Đại Nam từ bây giờ cho đến hết năm 2014, để chờ kết luận cuối cùng từ các cơ quan chức năng và sự thay đổi thái độ của chính quyền tỉnh BD. Tòan bộ gần 2.000 cán bộ, CNLĐ Cty Đại Nam sẽ được nghỉ chờ việc và hưởng nguyên lương cho đến khi có sự giải quyết của cơ quan chức năng, thì trở lại làm việc bình thường. Riêng khu vực đền thờ Đại Nam trong Khu du lịch Đại Nam được mở cửa miễn phí từ lâu nay, vẫn mở cửa, hoạt động bình thường cho khách vào tham quan, chiêm bái…
Tôi cũng cho thành lập một tổ, chuẩn bị đủ tiền mặt để chi trả đầy đủ vốn và lãi suất suốt thời gian qua cho các nhà đầu tư trước đây được Cty huy động vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng khu đất ở, nhưng vì lý do Chủ tịch tỉnh BD không giải quyết, nên bị động đến hôm nay. Tôi sẽ không để bất kỳ đối tác, khách hàng nào phải thua thiệt vì sự cố ngoài ý muốn này của Cty Đại Nam. Trái lại, tôi vô cùng cảm ơn họ đã tin tưởng, đồng hành cùng Cty Đại Nam suốt thời gian qua, dù gặp bao nhiêu khó khăn, trắc trở...v.v…
<?> Vào tháng 9.2014 vừa qua, ông đã công bố hiến tòan bộ lợi nhuận của Cty Đại Nam từ nay đến năm 2030, cho việc mổ tim miễn phí, thông qua Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM. Việc đóng cửa Khu du lịch Đại Nam có ảnh hưởng gì đến công tác từ thiện này hay không?
- Phải nói đến hôm nay, tôi đã vô cùng mỏi mệt trước những gì mà họ đã đối xử với tôi. Hơn 30 năm lăn lộn trên thương trường, những gì tôi có được hôm nay, tôi nguyện hiến dâng hết cho xã hội. Cụ thể là tài trợ miễn phí cho hàng ngàn trẻ em bị mắc bệnh tim bẩm sinh, không đủ điều kiện cứu chữa.
Thời gian qua, Cty Đại Nam đã cùng Bệnh việc Đại học Y dược TP HCM đã và đang thực hiện rất tốt công việc này. Mỗi tuần, chúng tôi lại mổ tim miễn phí cho 2 – 4 trẻ, giúp các em lấy lại được sự sống… Tuy nhiên, việc họ cố tình dồn ép, “bức tử” chúng tôi như mọi người thấy, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chương trình hỗ trợ mổ tim cho hàng ngàn trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh đang cần cứu chữa. Song, trong thời gian từ nay đến hết năm 2014, chúng tôi đã rót đủ tiền để mổ tim miễn phí cho các em, nên sẽ không ảnh hưởng gì.
<?> Trước tình hình DN ông bị chính quyền tỉnh BD đối xử như vậy, ông có nhận xét gì, với tư cách là một doanh nhân thành danh, nổi tiếng trên thương trường nhiếu năm qua?
- Tình cảnh của tôi, có lẽ ít nhiều phản ánh được phần nào nỗi khổ của một DN trong thời buổi này. Chính phủ, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, giúp đỡ DN vượt qua các khó khăn. Luật pháp cũng quy định rất cụ thể những gì DN được làm và không được làm; chính quyền phải thực hành đúng quy định luật pháp, phải khách quan.v.v… Tuy nhiên, thực tế lâu này, hiện tượng “cái lệ” ở các địa phương luôn đè lên trên “cái luật”.
Vì vậy, mà có không ít DN như DN của tôi phải khốn đốn, bị “cái lệ” địa phương đè nặng suốt nhiều năm., không thể phát triển nổi. May mắn, DN của tôi có tiềm lực, không nợ nần, có thương hiệu; nên vẫn vượt qua mọi khó khăn. Khu đầt ở 61,4 ha đang tranh cãi, tôi bỏ tiền ra mua giùm cho tỉnh BD, theo lời mời của chính quyền và giúp tỉnh BD có tiền trả nợ Bộ Tài chính. Vậy mà 10 năm nay, chính quyền dùng đủ cách không cho tôi làm gì để lấy lại vốn. Giờ, còn giở trò “thu hồi sổ đỏ”?
Thử hỏi, nếu tôi vay mượn mua đất trên thì chỉ trả tiền lãi thôi, DN cũng đã phá sản từ lâu rồi. Sao lại đối xử với DN tệ như vậy? Chúng tôi bỏ tiền mua đất, phải kinh doanh mới phát triển và nộp thuế được chứ. Không ai bỏ hàng trăm tỷ đồng mua đất của chính quyền, để chính quyền làm khó, không cho kinh doanh gì hết, ngồi ngó đất bỏ hoang hóa… Hành xử đó khác nào “bức tử” DN?
Xin cảm ơn ông!