Ngày 4-11, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã tuyên hủy án sơ thẩm vụ tham ô gần 10 tỉ đồng tại Điện lực Biên Hòa (thuộc Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai) để điều tra, xét xử lại.
Trước đó, TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên phạt bị cáo Vũ Hoàng Đang (nhân viên phòng thu ngân) 20 năm tù và Hồ Thanh Trúc (nhân viên Ngân hàng TMCP An Bình Chi nhánh Đồng Nai) 18 năm tù về tội tham ô tài sản. Các bị cáo Trương Thị Ngọc Thảo (tổ trưởng thu ngân quầy) năm năm tù và Đồng Ngọc Thanh (tổ trưởng thu ngân quầy) hai năm án treo về tội cố ý làm trái... Hai bị cáo Đào Ngọc Phước (trưởng phòng thu ngân) và Lại Bá Cường (trưởng phòng kế toán) cùng chịu mức án ba năm án treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo hồ sơ, từ tháng 9-2009 đến 10-2011, Đang và Trúc đã lợi dụng sự quản lý sơ hở của Điện lực TP Biên Hòa để cấu kết, thực hiện việc thu tiền của khách hàng nhưng giữ lại một phần để tiêu xài. Bốn bị cáo còn lại được giao nhiệm vụ kiểm soát hồ sơ, hóa đơn và hạch toán vào tài khoản nhưng đã không đối chiếu, kiểm tra chi tiết các chứng từ, hóa đơn, tạo điều kiện cho Đang, Trúc tham ô gần 10 tỉ đồng.
Đối với ông Phạm Đình Thanh (nguyên giám đốc Điện lực Biên Hòa), Lê Chí Hoàng Trung, Trịnh Công Túy (Phó Giám đốc Điện lực Biên Hòa) là những người có trách nhiệm quản lý điều hành nhưng để thất thoát, VKS cho rằng cần có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc. Không đồng tình, TAND tỉnh từng trả hồ sơ để xem xét trách nhiệm hình sự các vị này. Tuy nhiên, sau đó VKS vẫn giữ nguyên quan điểm như cũ.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Đang và Thanh kháng cáo yêu cầu hủy án và tuyên không phạm tội. VKS đề nghị bác kháng cáo của hai bị cáo vì không có cơ sở để chấp nhận. Điện lực Biên Hòa và Ngân hàng An Bình thì cãi nhau về trách nhiệm bồi thường.
HĐXX nhận định hai bên Điện lực Biên Hòa và Ngân hàng TMCP An Bình ký kết ba dịch vụ hợp đồng nhờ ngân hàng thu hộ tiền điện không trái luật. Tuy nhiên, quá trình thực hiện hợp đồng không bình thường và là nguyên nhân dẫn đến việc phạm tội của các bị cáo. Cụ thể, nếu là hợp đồng cho dịch vụ thu hộ tiền điện sao nhân viên điện lực lại là người trực tiếp đi thu tiền rồi đem nộp lại ngân hàng, sau đó ngân hàng trả lại cho điện lực? Phải chăng đây là hợp đồng cho vay lấy lãi được “núp bóng” hợp đồng dịch vụ. Ở đây có dấu hiệu làm trái nên cần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với các lãnh đạo Điện lực TP Biên Hòa.
Cạnh đó, một số nội dung vụ án chưa làm rõ, quá trình thu thập chứng cứ vi phạm tố tụng. Điện lực TP Biên Hòa hằng năm có báo cáo thuế nhưng lại không phát hiện việc bị chiếm đoạt số tiền lớn vậy cũng như không rõ các bị cáo chiếm đoạt cụ thể bao nhiêu, trong khi đây là yếu tố để định khung và xác định trách nhiệm của từng bị cáo. Về hành vi cố ý làm trái cáo trạng cũng như án sơ thẩm không xác định là trái quy định nào chỉ ghi chung chung nên cần phải làm rõ và xem xét lại tội danh cho đúng. Vì vậy dù vụ án chỉ có hai người bị cáo kháng cáo nhưng HĐXX thấy cần thiết phải hủy toàn bộ án để điều tra, xét xử lại.