Đây được coi là phương pháp tuyên truyền mới nhằm cảnh báo đến người dân khi mà tội phạm công nghệ cao ngày càng phức tạp.
Một cái xúc xích 7 bộ quản lý!
- Cập nhật : 02/08/2014
“Một cái xúc xích của chúng tôi nhưng có đến bảy bộ quản lí, đó là các Bộ Y tế, bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, bộ Công thương, bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ Tài chính (cùng với Tổng cục thuế và Tổng cục Hải quan), bộ Khoa học Công nghệ và cả bộ Công an nữa”.
Ông T, Chủ tịch của một DN thực phẩm đã bức xúc chia sẻ như trên tại Hội thảo Dự báo tác động của Luật doanh nghiệp (DN) sửa đổi do VCCI tổ chức sáng 29 – 7.
Ông T dành trọn phần phát biểu của mình để chia sẻ những câu chuyện hết sức thực tế về câu chuyện quản lí doanh nghiệp hiện nay.
Moi móc, hành là chính
Theo ông T, công ty ông đã đầu tư rất nhiều tiền vào hệ thống hệ thống xử lí nước thải môi trường nên chất lượng rất tốt. Ông kể, gần đây cảnh sát môi trường đến kiểm tra công ty của ông, qua kiểm tra, các chỉ số đều tốt nhưng cuối cùng có một đồng chí công an phát hiện khu vực dự trữ chất thải của công ty có một thùng màu xanh tập kết rác thải mà không phải chứa trong thùng màu đỏ, đồng chí này mở ra và ghi vào trong văn bản là thùng chứa không đúng màu. “Sự moi móc, hành là chính của các cơ quan quản lí là vậy, bảy bộ quản lí một cái xúc xích là quá đáng! Ở các nước họ chỉ có một Cục quản lí thực phẩm mà thôi”, ông T bức xúc nói.
Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này sẽ tác động nhiều hơn đối với sự ra đời của các DN mới, nhưng cũng nên quan tâm đến nửa triệu DN đang hoạt động thì thở như thế nào: “Một trong những tác động của luật DN lần này là tạo sự thông thoáng dễ thở hơn cho DN nhưng theo tôi ngoài việc sửa luật DN còn phải sửa nhiều thứ khác liên quan đến môi trường kinh doanh thì DN mới thở được”, ông T nhấn mạnh.
“Chúng tôi là DN hàng ngày phải đối phó với rất nhiều vấn đề đau đầu và gần như nhiệt huyết để đầu tư phát triển của chúng tôi suy giảm nhiều. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển như thế nào nếu trong lòng người ta không còn nhiệt huyết đầu tư. Vì vậy nhà nước phải nghĩ đấy là cốt lõi của dân tộc, phát triển doanh nhân lành mạnh. Một khi đội ngũ doanh nhân không còn nhiệt huyết nữa thì nền kinh tế có còn tương lai không!”, ông T bức xúc.
Ngoài ra ông T nêu lên một bất cập liên quan đến ngành nghề kinh doanh. Công ty thứ hai của ông là tư vấn việc mua và chế biến cá tra bằng công nghệ Đức. “Khi tư vấn chúng tôi phát hiện có những cơ hội từ nguồn tài chính nước ngoài cho ngành cá tra Việt Nam nhưng tôi không thể tư vấn vì làm vậy là vi phạm pháp luật vì trong đăng kí kinh doanh tôi không được quyền tư vấn tài chính. Rất nhiều cơ hội chúng tôi nhìn thấy nhưng không dám làm vì luôn luôn bị đe dọa là kinh trái pháp luật, kinh doanh trái phép”, ông nói.
THU HẰNG/Theo PLO