Sát ngày đi du lịch, nhiều vị khách không liên lạc được với Công ty tổ chức du lịch Anh Kiệt (quận 4, TP HCM), trụ sở công ty cũng bị niêm phong.
Mới chỉ xử lý phần lớn án tham nhũng tại các doanh nghiệp
- Cập nhật : 31/07/2014
Đây là ý kiến của ông Nguyễn Duy Giảng - Vụ trưởng vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án hình sự về kinh tế và chức vụ trong hội nghị giải quyết án tham nhũng do VKSND tối cao tổ chức tại TP.HCM ngày 30-7.
Ông Giảng cho rằng phần lớn án tham nhũng hiện nay mới tập trung vào doanh nghiệp. Tuy nhiên sau khi xử lý các vụ án liên quan đến doanh nghiệp thì hậu quả đối với việc khởi tố là rất nặng nề.
Ông Giảng nói có những vụ án chỉ là hành vi cố ý làm trái và hậu quả là thiệt hại một vài tỷ đồng nhưng khi khởi tố vụ án thì doanh nghiệp đó mất hàng ngàn tỷ đồng bởi doanh nghiệp mất hợp đồng, giá cổ phần cổ phiếu sụt giảm.
“Hiện nay doanh nghiệp hoạt động rất khó khăn và doanh nghiệp trực tiếp ảnh hưởng đến nền kinh tế, lao động tại địa phương. Bởi vậy, hậu quả phía sau những vụ án kinh tế là rất lớn” - ông Giảng nói.
Ông Giảng cũng kiến nghị các ban ngành trung ương nên đánh giá hậu quả và tác động của việc xử lý án tham nhũng, nhất là những vụ án điểm trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Văn Quảng (Viện trưởng VKS Hải Phòng) cho rằng trong việc xử lý án tham nhũng, nhiều cơ quan chức năng không phối hợp tốt với cơ quan tố tụng khiến việc xử lý gặp nhiều khó khăn.
Ông Quảng lấy ví dụ về việc hiện diện của các cơ quan chức năng tại tòa thường thiếu sự hợp tác hoặc các đơn vị này cử những người không đủ thẩm quyền để trả lời các câu hỏi của tòa.
Đây cũng là ý kiến của ông Nguyễn Quang Thành, VKSND TP.Hà Nội. Theo ông Thành thực tế có những vụ xét xử án tham nhũng đã có những cơ quan chức năng thiếu hợp tác khiến kiểm sát viên thực hành quyền công tố và xét xử trước tòa phải rất khó khăn khi bảo vệ cáo trạng cũng như tranh luận lại với luật sư bào chữa cho bị cáo.
Ngoài ra ông Quảng cũng nhấn mạnh đến sự thiếu chuyên nghiệp của các cơ quan giám định để ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình tố tụng.
Ông Quảng lấy ví dụ về việc có vụ án giám định viên phủ nhận luôn bản kết quả giám định mà mình đã thực hiện trước đó khi bị chất vấn tại tòa.
“Hải Phòng đã từng phải loại bỏ những bản kết luận giám định trong việc xét xử. Nhưng có rất nhiều vụ nếu không có bản giám định thì không thể nào kết án được, và kết quả giám định này còn ảnh hưởng đến tội danh và mức án của các bị can. Bởi vậy, chỉ cần sự thiếu chuyên nghiệp, thiếu sự phối hợp của các cơ quan chức năng thì ảnh hưởng rất lớn đến việc xét xử” - ông Quảng nói.
70 vụ án, vụ việc trên toàn quốc liên quan đến vấn đề tham ô, tham nhũng được các đại biểu là viện trưởng VKS 18 tỉnh thành, lãnh đạo của 13 đơn vị cấp vụ của VKSND tối cao mổ xẻ trong hội nghị giải quyết án tham nhũng tại TP.HCM.
HOÀNG ĐIỆP// Theo Tuổi Trẻ