Theo phân tích của Thủ tướng, với dự báo giá dầu xuống 40 USD/thùng, ngân sách sẽ hụt thu khoảng 10.000 tỷ đồng và như vậy ngân sách hoàn toàn có khả năng cân đối mà không làm đảo lộn các nhiệm vụ thu chi.
Ngày 30/1/2015, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 năm 2015.
Theo thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ, tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội tháng đầu năm 2015 tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt kết quả khả quan.
Kinh tế vĩ mô tích cực hơn, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2015 giảm 0,2% so với tháng trước, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Sản xuất công nghiệp tăng cao; khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển. Xuất khẩu tăng khá, ước đạt 12,9 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ. Tiến độ thu NSNN ước đạt 9,8% dự toán năm, tăng 10,8% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn FDI ước đạt 505 triệu USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi ước đạt 120 triệu USD, tăng 10%...
Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, có những tác động, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của kinh tế Việt Nam, nổi lên là giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm mạnh xuống 44,41 USD/thùng (29/1/2015) và có thể xuống 42 USD/thùng trong quý I/2015.
Ảnh: Nhật Bắc
Bên cạnh đó, nền kinh tế còn đối diện nhiều khó khăn như tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn; ngành dầu khí và thu ngân sách có thể chịu ảnh hưởng do giá dầu thô thế giới giảm mạnh; tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng của doanh nghiệp…
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cũng thảo luận, phân tích, đánh giá về diễn biến, tác động của giá dầu thô thế giới đến nền kinh tế. Các ý kiến nhận định giá dầu giảm có thể ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác dầu thô của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Tuy nhiên, trên cơ sở tính toán, sản lượng khai thác dầu thô sẽ không giảm so với kế hoạch. Theo Bộ Tài chính, tác động của dầu thô tới nền kinh tế Việt Nam là tác động hai chiều, có cả khó khăn và thuận lợi, trong đó, mặt thuận lợi là nhiều hơn.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khẳng định, việc CPI tháng 1/2015 tiếp tục giảm tháng thứ 3 liên tiếp không phải là dấu hiệu của sự giảm phát bởi nguyên nhân chủ yếu do giá xăng, dầu, giá gas trong nước tiếp tục điều chỉnh giảm mạnh theo giá thế giới. Các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vẫn tiếp tục phát triển như chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 01/2015 tăng 17,5% so với cùng kỳ…
Phát biểu kết luận Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội đều đạt kết quả tích cực.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2015 nổi lên vấn đề là giá dầu thô thế giới giảm mạnh, thấp hơn so với mức dự báo khi tính toán các chỉ tiêu vĩ mô, cân đối thu chi ngân sách như đã trình Quốc hội. “Theo tính toán tổng hợp, giá dầu giảm có lợi nhiều hơn có hại, mục tiêu đạt tăng trưởng GDP 6,2% vẫn khả thi, ngân sách vẫn cân đối được” - Thủ tướng cho biết. Cũng theo phân tích của Thủ tướng, với dự báo giá dầu xuống 40 USD/thùng, ngân sách sẽ hụt thu khoảng 10.000 tỷ đồng và như vậy ngân sách hoàn toàn có khả năng cân đối mà không làm đảo lộn các nhiệm vụ thu chi.
Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục các giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp; kiên định và bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua, nhất là các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế (GDP), lạm phát và cân đối ngân sách nhà nước.
Thủ tướng yêu cầu, cần “kiên định giữ mục tiêu tăng trưởng 6,2%, không để đảo lộn cân đối ngân sách, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu 5%” .
Theo: Bích Diệp - Dân trí