Một DN niêm yết mấy tuần qua đã chạy đôn chạy đáo đề nghị các cơ quan truyền thông đừng xới việc DN thông báo mở bán dự án. Tại sao lại có sự việc lạ đời này, khi nhiều DN phải chi tiền quảng cáo mở bán các dự án BĐS?
Câu trả lời đơn giản là dự án chưa đủ điều kiện bán hàng. Nếu vụ việc này ầm ĩ, cơ quan điều tra vào cuộc, “cái sảy sẽ nảy cái ung”, không khéo còn phát hiện nhiều vi phạm khác nữa của DN!
Lâu nay, chuyện DN đưa thông tin tô hồng ra thị trường không ít. Với TTCK, việc DN vẽ ra lợi nhuận kế hoạch càng không hiếm, chẳng hạn việc bán nhà ước đem lại doanh thu, lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng, hay việc cho thuê đất trong tương lai sẽ đem lại hàng triệu USD… Song những con số trên giấy này có biến thành tiền thật chảy vào túi DN hay không lại không hề đơn giản.
Ngay cả khi DN bán được toàn bộ số lượng căn hộ của một dự án chung cư chẳng hạn, họ cũng mới chỉ thu được tiền đợt đầu (thông thường là 20%) và sẽ treo doanh thu theo tiến độ thu tiền của dự án. Phải đến khi dự án bàn giao nhà, DN mới có thể hạch toán lợi nhuận. Trong khi đó, thực tế thị trường nhiều khi không vận động đúng theo kịch bản đã vẽ sẵn của DN, nào thì giấy tờ thủ tục pháp lý của dự án bị vướng mắc, dẫn đến dự án chậm tiến độ, khách hàng chậm đóng tiền, khiếu kiện…
Với DN kinh doanh khu công nghiệp, cũng có không ít trường hợp hai bên đã ký bản ghi nhớ hợp tác thuê đất, nhưng vì nhiều lý do khách quan, chủ quan, nhà đầu tư không thể đầu tư vào Việt Nam theo dự kiến. Khoản doanh thu và lợi nhuận mà DN dự tính khi đó sẽ trở thành “bánh vẽ”.
Đã có những DN tô hồng tương lai của mình ở trình độ bậc thầy. Đơn cử, CTCP Xây lắp Dầu khí Nghệ An trước đây vẽ ra con số lợi nhuận dự tính hàng trăm tỷ đồng từ việc cho thuê đất khu công nghiệp, bán nhà xưởng cho đối tác Nhật, đầu tư BĐS… Trong nhiều cuộc gặp mặt với nhà đầu tư trên thị trường do một số CTCK tổ chức, lãnh đạo DN này đã đưa ra hàng loạt thông tin “đánh bóng”…
Trên thị trường có những trường hợp cổ phiếu của DN thuộc nhóm thanh khoản tốt, được hỗ trợ bởi DN liên tục đưa ra thông tin mới về các hoạt động đầu tư, kinh doanh… Nhưng cũng chính DN này sau đó lại đính chính nhiều thông tin, khiến giới đầu tư rối loạn, nhiều người bỏ vốn vào cổ phiếu này, lãi đâu không thấy, chỉ thấy kêu trời vì lỗ.
“Lợi bất cập hại” như trường hợp DN “xin” giới truyền thông nêu trên là một dạng. Một dạng khác là đến lúc nhà đầu tư không còn tin vào DN. Như cái nhà xây trên một nền móng ọp ẹp, có thể đến một ngày, nhà đổ, DN thua lỗ, phá sản, mắc vòng lao lý…
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ đầu năm 2010 đã bổ sung 3 tội danh trong lĩnh vực chứng khoán gồm: công bố thông tin sai lệch, giao dịch nội gián và tội thao túng giá chứng khoán, nhưng trên thị trường mới có 1 trường hợp bị xử lý hình sự là vụ Lê Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Dược Viễn Đông cùng đồng bọn thao túng giá chứng khoán.
Từ đầu tháng 1 tới nay, UBCK liên tiếp xử phạt các nhà đầu tư cá nhân vì vi phạm quy định giao dịch chứng khoán. Nhưng hành vi vi phạm cụ thể và diễn ra với mã chứng khoán của DN nào lại không được nêu cụ thể nên tính răn đe, theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư, chỉ ở mức độ thấp.
Theo Người quan sát
Đầu tư Chứng khoán