Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phản ánh việc CSGT không gửi văn bản chứng minh kết quả tiếp nhận, giải quyết việc thế chấp phương tiện giao thông, gây ảnh hưởng đến mục tiêu bảo đảm an toàn pháp lý trong hoạt động và làm chậm tiến độ giải ngân của các ngân hàng.
Thông tin từ Bộ Tư pháp cho biết, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) vừa tổ chức họp với đại diện các cơ quan liên quan để xử lý một số vướng mắc, khó khăn trong thủ tục thông báo về việc thế chấp phương tiện giao thông cơ giới trên cơ sở phản ánh của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB).
Việc cơ quan CSGT không gửi văn bản chứng minh kết quả tiếp nhận, giải quyết việc thế chấp phương tiện giao thông đang làm khó cho ngân hàng (Ảnh minh họa)
Tại cuộc họp, ông Hồ Quang Huy - Phó cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật - cho biết, Thông tư liên tịch số 15/2013/TTLT-BTP-BGTVT-BTNMT-BCA về hướng dẫn việc trao đổi, cung cấp thông tin về tài sản bảo đảm giữa cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm với tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền lưu hành tài sản đã quy định khá rõ: Khi người yêu cầu đăng ký đã có văn bản yêu cầu thông báo về việc thế chấp phương tiện giao thông và đã nộp phí yêu cầu cấp bản sao văn bản chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm thì được nhận lại văn bản thông báo kết quả tiếp nhận, giải quyết thông tin về tài sản bảo đảm.
Tuy nhiên, theo phản ánh của SHB và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thì tính đến thời điểm hiện nay, các ngân hàng thương mại không nhận được văn bản chứng minh kết quả tiếp nhận, giải quyết yêu cầu nêu trên của cơ quan cảnh sát giao thông - cơ quan có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu, quyền lưu hành phương tiện giao thông cơ giới. Việc đó đã ảnh hưởng đến mục tiêu bảo đảm an toàn pháp lý trong hoạt động ngân hàng, dẫn đến lo ngại khi nhận bảo đảm và làm chậm tiến độ giải ngân của các ngân hàng.
Đại diện Phòng CSGT Hà Nội lại cho rằng thông báo về việc thế chấp phương tiện giao thông do Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản gửi đến không đủ thông tin cần thiết; không chia theo từng phương tiện mà nhiều trường hợp đã lập danh sách chung…
Đại diện Phòng CSGT Hà Nội đề nghị thay đổi nội dung văn bản thông báo và có thể cho phép các bên được quyền trực tiếp gửi văn bản yêu cầu ngăn chặn. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, đổi mới quy trình, cách thức gửi và nhận văn bản thông báo; có giải pháp để hỗ trợ kinh phí phục vụ nhiệm vụ này tại các cơ quan CSGT.
Ông Đặng Thanh Sơn - Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, khẳng định việc ban hành Thông tư liên tịch số 15 là một bước tiến quan trọng, tiến bộ trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về tài sản bảo đảm giữa các cơ quan nhà nước; từ đó giúp người dân, doanh nghiệp không phải liên hệ với nhiều cơ quan khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Thông tư liên tịch số 15 đã phát sinh những vấn đề từ thực tiễn, ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện thông tư.
Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật đã đề nghị Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (V19) - Bộ Công an, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an để có văn bản chỉ đạo, yêu cầu thực hiện nghiêm Thông tư liên tịch số 15. Đồng thời, các trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản lưu ý để thể hiện rõ ràng nội dung thông báo, với các tiêu chí cần thiết để việc tiếp nhận, xử lý của cơ quan CSGT được thuận lợi, nhanh chóng.
Về đề xuất sửa Thông tư liên tịch số 15 cho phù hợp với thực tiễn, ông Đặng Thanh Sơn cho biết đơn vị này sẽ nghiên cứu, báo cáo cụ thể để lãnh đạo Bộ Tư pháp xem xét, quyết định nhằm chấm dứt tình trạng nêu trên và đáp ứng mục tiêu bảo đảm an toàn tín dụng, thúc đẩy nhanh tiến độ giải ngân theo tinh thần của Nghị quyết số 01/NQ-CP.