Phiên thảo luận của Thường vụ Quốc hội (TVQH) về dự thảo: Luật Tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi và Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân sửa đổi... đã trở thành “phiên điều trần”, khi Chủ tịch QH liên tục đặt ra các câu hỏi sắc sảo trước tình trạng nhục hình, về sự độc lập của các thẩm phán, về “quyền im lặng”.
Tòa đã sai khi yêu cầu bốc mộ
- Cập nhật : 24/09/2014
Một bản án phúc thẩm vừa bị viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm vì yêu cầu bên bị đơn bốc mộ trả đất cho nguyên đơn.
Mới đây, viện trưởng VKSND Tối cao đã ra kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án dân sự phúc thẩm số 173 ngày 30-1-2013 của TAND TP.HCM theo hướng đề nghị Tòa Dân sự TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm, giao hồ cho cấp sơ thẩm xét xử lại theo thủ tục chung.
Đây là một vụ việc Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh, nêu lên những bất thường trong nhận định và phán quyết của tòa phúc thẩm vì không phù hợp thực tế khách quan, trái với hướng dẫn của TAND Tối cao…
Tòa yêu cầu bốc mộ...
Theo hồ sơ, bà Trương Thị Mai khởi kiện ông Trương Văn Mừng ra TAND quận Thủ Đức yêu cầu trả lại phần đất diện tích 225 m2 ở phường Linh Đông. Trong đơn kiện, bà Mai trình bày rằng mảnh đất này là của ông Đỗ Văn Thiên, đã được UBND quận Thủ Đức cấp giấy đỏ năm 2001. Năm 2006, bà và ông Thiên tranh chấp đất, sau đó hai bên thỏa thuận được là ông Thiên giao cho bà quyền sử dụng phần đất trên, ngược lại bà trả cho ông Thiên 10 triệu đồng tiền công sức. Nay bà khởi kiện yêu cầu ông Mừng (người đang quản lý, sử dụng đất trên thực tế trả đất cho bà).
Tại tòa, ông Mừng cho biết đây là đất mồ mả của gia tộc ông có từ hàng trăm năm nay, do ông đang quản lý, chăm sóc hương khói. Trên mảnh đất hiện có tổng cộng 28 ngôi mộ của gia tộc ông Mừng, trong đó có những ngôi mộ có từ đầu thế kỷ 20. Không hiểu sao UBND quận Thủ Đức lại cấp nhầm đất mồ mả của gia tộc ông cho ông Thiên. Do vậy ông Mừng yêu cầu tòa hủy một phần giấy đỏ mà UBND quận Thủ Đức đã cấp nhầm cho ông Thiên.
Tại phiên xử sơ thẩm hồi tháng 7-2012 của TAND quận Thủ Đức, đại diện UBND quận này thừa nhận việc cấp nhầm và trình bày: Trong quá trình xét và cấp giấy đỏ cho ông Thiên, cán bộ chỉ căn cứ vào lời khai của các đương sự mà không kiểm tra thực tế về loại đất. Do là đất mồ mả nên việc cấp giấy đỏ cho ông Thiên là không phù hợp với quy định.
Từ các căn cứ trên, TAND quận Thủ Đức đã tuyên bác yêu cầu của bà Mai, kiến nghị UBND quận Thủ Đức thu hồi và điều chỉnh lại phần đất cấp nhầm cho ông Thiên.
Bà Mai kháng cáo. Tháng 1-2013, TAND TP.HCM đã xử phúc thẩm và có những nhận định khác hẳn: Theo tòa, diện tích đất trên thuộc quyền sử dụng của bà Mai, ông Mừng “tự ý đem hài cốt vào đất chôn và rào lại để chiếm đất” nên bà Mai yêu cầu trả lại là có căn cứ. Mặt khác, giấy đỏ của ông Thiên được UBND quận Thủ Đức cấp đúng trình tự, thủ tục nên việc đại diện UBND quận Thủ Đức tại phiên tòa sơ thẩm có ý kiến là sẽ rút lại là không có căn cứ. Từ đó tòa tuyên sửa án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Mai, buộc ông Mừng có trách nhiệm bốc mộ, mang số hài cốt đang chôn trên đất đi nơi khác để trả lại đất cho bà Mai.
Vừa trái thực tế vừa sai luật
Phán quyết của tòa phúc thẩm đã làm ông Mừng vô cùng bức xúc. Bởi lẽ phần đất tranh chấp có chứng cứ không thể chối cãi là những ngôi mộ đá ong và mộ đất của gia tộc ông có từ hàng trăm năm trước. Mặt khác, việc tòa phúc thẩm buộc ông Mừng phải bốc mộ, di dời hài cốt mang đi nơi khác vừa không đúng thẩm quyền của tòa vừa trái đạo lý.
Trong văn bản kháng nghị giám đốc thẩm, viện trưởng VKSND Tối cao đã chỉ ra phần đất tranh chấp này là đất mồ mả đã có từ trước. Điều này cũng đã được đại diện UBND quận Thủ Đức thừa nhận là do không kiểm tra, đo đạc hiện trạng thực tế nên đã cấp phần đất mộ cho ông Thiên là không đúng.
Bên cạnh đó, về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất mà trên đất có mồ mả, hài cốt thì tòa án chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất, không có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến những ngôi mộ đang chôn cất trong phần đất tranh chấp. Do vậy việc tòa phúc thẩm buộc ông Mừng bốc mộ, mang số hài cốt đang chôn ra khỏi phần đất tranh chấp là không có căn cứ.
ĐỨC TRÍ - Theo:PLO
Đã cưỡng chế thi hành án xong
Tháng 11-2013, Chi cục Thi hành án dân sự quận Thủ Đức đã cưỡng chế buộc gia tộc ông Mừng đưa 22 ngôi mộ đã cải táng từ năm 1987 ra khỏi diện tích đất tranh chấp, riêng ba ngôi mộ đá ong và ba ngôi mộ đất có từ đầu thế kỷ 20 thì vẫn để lại.
Sau khi nhận được văn bản kháng nghị của VKSND Tối cao, ông Mừng cho biết: “Dù không đồng ý với bản án phúc thẩm nhưng tôi vẫn chấp hành quyết định của cơ quan thi hành án và mang số hài cốt trên về chôn chỗ khác. Nay được biết viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị, cả dòng họ tôi ai cũng vui mừng. Đất hương hỏa, làm con cháu mà không bảo vệ được sự an nghỉ cho ông bà thì đau đớn lắm”.