Tòa sơ thẩm đã vận dụng quy định giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn để hủy hợp đồng tặng cho nhà giữa hai vợ chồng già và con trai của họ...
Mới đây, TAND quận 11 (TP.HCM) đã xử sơ thẩm vụ tranh chấp đòi hủy hợp đồng tặng cho một căn nhà giữa cha mẹ và con trai. Vụ án gây chú ý vì tòa đã chấp nhận yêu cầu của phía nguyên đơn bởi cho rằng con trai họ đã thiếu trung thực với cha mẹ mình.
Không rành pháp luật
Theo đơn kiện của vợ chồng ông H. (đều đã trên dưới 80 tuổi), ông bà tạo lập được một căn nhà trong con hẻm nhỏ để sống ở đó cùng một số người con của mình.
Năm 2008, ông bà H. làm thủ tục xin cấp giấy hồng. Vì là người Hoa, không rành tiếng Việt, không hiểu biết pháp luật nên ông bà nhờ một trong những người con của mình là ông D. thuê người làm dịch vụ hợp thức hóa chủ quyền.
Sau khi thực hiện xong, ông D. có nói với ông bà H. rằng để cho ông đứng tên trên giấy tờ nhà nhằm thuận tiện cho việc làm các thủ tục giấy tờ về sau; chừng nào ông bà H. mất thì ông D. sẽ giữ nhà để làm nơi thờ cúng và làm chỗ ở cho các anh chị em khác trong gia đình.
Tin tưởng ông D., ông bà H. đã ký hợp đồng tặng cho ông D. căn nhà. Tháng 12-2012, ông D. chở ông bà H. đến phòng công chứng để ký hợp đồng tặng cho nhà. Trước khi ký hợp đồng, ông bà H. có được công chứng viên giải thích về nội dung. Tuy nhiên, ông bà không hiểu hết ý nghĩa của hợp đồng, cứ nghĩ rằng nhà vẫn do mình ở, giấy tờ nhà vẫn do mình giữ thì chỉ khi nào chết thì ông D. mới có quyền định đoạt.
Đến đầu tháng 3-2014, khi có cán bộ nhà đất đến nhà làm việc, được nghe giải thích thì ông bà mới hiểu được rằng nhà đất đã sang tên cho ông D. nên họ không còn có quyền gì đối với căn nhà nữa. Ông bà bèn yêu cầu ông D. trả lại nhà nhưng ông D. không đồng ý.
Theo ông bà H., việc ký hợp đồng tặng cho căn nhà không thể hiện đúng ý chí của ông bà nên khởi kiện ra TAND quận 11 yêu cầu tòa tuyên bố hợp đồng tặng cho đất vô hiệu, hủy giấy hồng mà họ đã sang tên cho ông D.
Trong khi đó, ông D. không đồng ý trả nhà, nói không có căn cứ để cho rằng ông đã lừa dối cha mẹ trong giao dịch tặng cho nhà. Khi ký hợp đồng tặng cho, cha mẹ ông có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, nhận thức rõ được hành vi của mình; giao dịch có người làm chứng; trước khi ký hợp đồng, công chứng viên cũng có giải thích về nội dung hợp đồng cho cả hai bên biết...
Gây nhầm lẫn nên giao dịch vô hiệu
Theo tòa, người làm chứng khi ký hợp đồng tặng cho nhà khai trước khi ông bà H. ký hợp đồng tặng cho nhà, công chứng viên có giải thích về hợp đồng nhưng việc ông bà H. có hiểu rõ hậu quả pháp lý của việc tặng cho nhà hay không thì người này không biết.
Khi đối chất trực tiếp với ông D. tại tòa, ông bà H. cũng khẳng định chỉ có ý định nhờ ông D. đứng tên trên giấy tờ nhà và nghĩ rằng khi nào họ chết thì ông D. mới có toàn quyền đối với căn nhà. Sau khi ký hợp đồng tặng cho nhà và sang tên cho ông D., ông bà H. vẫn giữ giấy tờ nhà. Chi tiết này cho thấy những nội dung mà ông bà H. khai là đáng tin cậy. Họ không hiểu được hết ý nghĩa của việc ký hợp đồng tặng cho nhà, nghĩ rằng căn nhà vẫn là của mình nên đã giữ giấy tờ nhà mà không giao cho ông D.
Một chi tiết khác, ông D. biết rõ cha mẹ đang giữ giấy tờ nhà nhưng ông lại làm đơn yêu cầu UBND quận 11 cấp phó bản với lý do giấy tờ nhà bị mất.
Ngoài ra, trong quá trình tòa giải quyết án, ông D. còn cố tình gây trở ngại cho tòa bằng cách không ký nhận các văn bản tố tụng, không ký tên trong biên bản hòa giải nhưng lại khiếu nại cho rằng tòa chậm đưa vụ án ra xử.
Tòa cho rằng từ những sự việc này cho thấy ông D. là người thiếu trung thực. Việc ông D. khai cha mẹ thấy ông là người con có hiếu nên đã cho ông toàn quyền sở hữu nhà là không đáng tin cậy.
Từ các phân tích trên, tòa xác định hợp đồng tặng cho nhà ở, quyền sử dụng đất ở được xác lập tại phòng công chứng giữa hai bên không thể hiện đúng ý chí của ông bà H. Họ không hiểu hết ý nghĩa pháp lý của việc tặng cho nhà và đã có sự nhầm lẫn giữa việc tặng cho tài sản với lập di chúc. Nguyên nhân dẫn đến sự nhầm lẫn là do ông D. đã nói với cha mẹ rằng khi nào họ chết thì ông D. sẽ giữ nhà để thờ cúng và làm nơi ở cho các anh chị em trong nhà.
Tòa nhấn mạnh dù không có căn cứ để cho rằng ông D. đã cố ý làm cho cha mẹ hiểu lầm nội dung hợp đồng đã giao kết nhưng hành vi của ông đã làm cho ông bà H. bị nhầm lẫn giữa việc lập di chúc và việc tặng cho tài sản. Do vậy, lỗi của ông D. được xác định là vô ý.
Từ đó, tòa tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu của ông bà H.
Khi một bên có lỗi vô ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch dân sự mà xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu bên kia thay đổi nội dung của giao dịch đó, nếu bên kia không chấp nhận thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu.
(Trích Điều 131 BLDS 2005)