Trong khi bắt, giữ kẻ phạm tội thì người dân không được đánh đập, hành hạ, gây thiệt hại sức khỏe, tính mạng họ.
Liên quan đến vụ bắt quả tang tên trộm đang trốn trong tiệm của mình, anh Nguyễn Văn Trình (ở ấp Phú Bình, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, Bến Tre) gọi điện thoại báo cho trưởng ấp ba lần không được nên đã trói tên này, đánh vài cái… Cuối cùng anh bị khởi tố hai tội bắt, giữ người trái pháp luật.
Nhiều ý kiến của bạn đọc cho rằng việc khởi tố anh Trình là không cần thiết. Cạnh đó, một số chuyên gia trong ngành đã hướng dẫn cách thức làm sao bắt người quả tang mà không vi phạm pháp luật.
Phải tôn trọng kẻ bị bắt
Người dân được quyền bắt và giữ kẻ phạm tội trong một thời gian ngắn để chờ cơ quan có thẩm quyền đến giải quyết. Có thể hỏi nghi can để xác định sơ bộ nhưng phải trên tinh thần tôn trọng, không được có hành động xúc phạm đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm họ.
Phải xác định có ai làm chứng việc bắt quả tang hay không, người ta trộm cắp cái gì, tài sản đã bị lấy chưa, thu giữ tài sản có đang trong tay, trong người của người bị bắt không, tài sản đã bị dịch chuyển khỏi nơi người có tài sản quản lý chưa. Nhớ là tài sản xác định bị trộm cắp phải được bàn giao luôn cho công an. Nhiều trường hợp tài sản của mình, mình giữ nên không có vật chứng, chứng cứ xác định hành vi trộm. Công an sẽ lập biên bản thu giữ tài sản, xác định chủ sở hữu, đưa đi giám định để xác định giá trị, làm thủ tục giao trả tài sản… Có hành vi phạm tội thì sẽ bị xử theo luật. VKS sẽ không phê chuẩn nếu không đủ căn cứ vừa nêu.
Kiểm sát viên TRẦN MINH SƠN, VKSND quận Gò Vấp, TP.HCM
Anh Nguyễn Văn Trình diễn tả lại vụ việc.
Báo ngay cho cơ quan công an
Khi phát hiện tội phạm trong trường hợp phạm tội quả tang, truy nã thì người dân có quyền bắt, khống chế (trói, giữ). Liền ngay đó, phải báo cho cơ quan công an đến bắt hoặc áp giải đến cơ quan công an gần nhất. Lưu ý là người dân cần phải giao ngay cho cơ quan công an, trừ trường hợp có trở ngại khách quan khiến thời gian có thể chậm hơn một chút.
Trong khi bắt, giữ kẻ phạm tội thì người dân không được đánh đập, hành hạ, gây thiệt hại sức khỏe, tính mạng họ. Có nhiều trường hợp thủ phạm bị bắt bao giờ cũng bị đánh đập do người dân bức xúc, nóng nảy. Nhưng nếu gây thương tích cho họ thì tùy mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự tương ứng.
Thượng tá NGUYỄN XUÂN THỦY, Phó Trưởng Công an quận 11, TP.HCM
Công an sai thì phải chịu trách nhiệm
Cách tốt nhất là người dân nên gọi đến công an, cũng không nên chở đi vì trong quá trình di chuyển như vậy sẽ có những phát sinh không lường hết. Chẳng hạn người bị bắt quả tang bỏ chạy, đập đầu hoặc lỡ có gì ảnh hưởng đến sức khỏe hay tính mạng thì người chở đi cũng liên đới, phiền phức. Công an với nghiệp vụ và phương tiện xe cộ phục vụ việc bắt tội phạm sẽ làm tốt hơn người dân.
Không nên bắt giữ người quá lâu. Trong quá trình bắt giữ, các cá nhân không được có hành động gây thương tích hay xâm hại danh dự, nhân phẩm người bị bắt. Không ai có quyền tước đoạt quyền tự do thân thể của người khác một cách trái pháp luật. Nếu đã báo công an mà công an không đến thì những hậu quả xảy ra sau đó công an phải chịu trách nhiệm.
Có trường hợp hai tên chở nhau đi trộm. Một người ngồi trên xe chờ, người còn lại nhảy xuống chạy vào hẻm định trộm xe thì bị phát hiện nên bỏ chạy ra. Bị bắt lại, người này khai là đang ngồi trên xe chờ bạn vào hẻm đi tè, sau đó người bạn lao ra xô anh ta ngã khỏi xe rồi chạy đi nên anh ta rớt lại. Lai lịch người đó anh ta không biết. Trường hợp như vậy, dù người dân tận mắt chứng kiến cũng không thể truy cứu được vì vật chứng thì không có, người bị phát hiện lại chối…
Một cảnh sát khu vực
Không được đánh đập, hành hạ
Trong trường hợp người dân bắt người phạm tội trộm cắp quả tang cần liên lạc ngay với công an địa phương yêu cầu công an tới giải nghi can đi hoặc người dân có thể trực tiếp dẫn giải nghi can tới trụ sở công an gần nhất. Ngoài ra, người dân không được đánh đập, giữ nghi can lại để khai thác các thông tin về việc bị mất trộm.
Nếu người dân chỉ nghi vấn người đó là trộm mà bắt trói, sau đó không chứng minh được hành vi phạm tội của nghi can này thì người bắt trói đã có hành vi bắt giữ người trái pháp luật.
Về việc chỉ nghi vấn người trộm cắp mà bắt giữ rồi bị xử lý đã từng có ví dụ cụ thể trong hội nghị tổng kết phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Cụ thể tại địa bàn một quận, có trường hợp bảo vệ của một công ty bảo vệ khu dân cư, qua theo dõi camera đã phát hiện có kẻ nghi vấn trộm cắp ở khu dân cư. Sau đó các bảo vệ này đã bắt trói nghi can giải đến giao cho công an. Theo vị phó trưởng công an của quận, hành vi của các bảo vệ đã sai pháp luật, đúng ra là các bảo vệ chỉ được đem các hình ảnh, đoạn phim ghi được cảnh kẻ tình nghi ăn trộm rồi đem đến bàn giao cho công an để công an có hướng điều tra, xử lý chứ các bảo vệ không được trực tiếp bắt giữ người.
Đại úy Nguyễn Hải Nam, Đội phó Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự xã hội - Công an huyện Bình Chánh, TP.HCM