Xin hỏi luật sư cảnh sát giao thông có quyền dừng xe người giao thông vì lỗi xe không gương không? (Hải Yến - Đống Đa, Hà Nội).
Trả lời:
Câu hỏi của bạn liên quan đến hai vấn đề như sau:
Thứ nhất: Về hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông không có gương
Khoản 2 Điều 53, điểm e khoản 1 Điều 53 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định: khi tham gia giao thông, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải: "e) Có đủ gương chiếu hậu và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển".
Điểm a khoản 2 Điều 16; Điểm a khoản 1 Điều 17, mục 3 Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định mức xử phạt
- Phạt tiền từ 300.000 đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô khi có hành vi “a) Điều khiển xe không có đủ đèn chiếu sáng, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu, cần gạt nước, gương chiếu hậu, dụng cụ thoát hiểm, thiết bị chữa cháy, đồng hồ báo áp lực hơi, đồng hồ báo tốc độ của xe hoặc có những thiết bị đó nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn thiết kế (đối với loại xe được quy định phải có những thiết bị đó)”
- Phạt tiền 80.000 đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô vi phạm “a) Điều khiển xe không có còi; đèn soi biển số; đèn báo hãm; gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng”.
Như vậy, theo quy định của Luật giao thông đường bộ và nghị định 171/2013/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì hành vi điều khiển xe tham gia giao thông không có gương chiếu hậu là hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ và sẽ bị xử phạt khi không có gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc gương có nhưng không có tác dụng (đối với xe mô tô), và không có gương chiếu hậu bất kỳ bên nào đối với xe ô tô.
Thứ hai: Về thẩm quyền dừng xe xử phạt của các chiến sĩ cảnh sát giao thông
Điều 87 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định:
“Cảnh sát giao thông đường bộ thực hiện việc tuần tra, kiểm soát để kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ đối với người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình; phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định bảo vệ công trình đường bộ và hành lang an toàn đường bộ”.
Thông tư 45/2012/TT-BCA ngày 27/7/2012 quy định: cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông phải đeo biển hiệu khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trong lĩnh vực giao thông đường bộ và có giá trị thay thế số hiệu công an nhân dân.
Điều 14 Thông tư 65/2012/TT-BCA quy định các trường hợp được dừng phương tiện:
a) Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;
…………..
đ) Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Với các quy định tại 87 Luật giao thông đường bộ 2008, Thông tư 45/2012/TT-BCA ngày 27/7/2012 , Điều 14 Thông tư 65/2012/TT-BCA cho thấy, khi Cảnh sát giao thông phát hiện có hành vi vi phạm về giao thông đường bộ thì Cảnh sát giao thông được quyền yêu cầu người tham gia giao thông dừng phương tiện để kiểm tra. Tuy nhiên, khi cho dừng phương tiện, Các chiến sĩ Cảnh sát giao thông phải xuất trình biển hiệu khi làm nhiệm vụ. Biển hiệu này hình chữ nhật, có màu xanh da trời, có hình công an hiệu in chìm và phần ghi các thông tin cá nhân, chữ màu đen.
Với những căn cứ trên, đối chiếu với trường hợp bạn đưa ra cho thấy: Các chiến sĩ cảnh sát giao thông có quyền dừng xe người tham gia giao thông khi phương tiện được sử dụng tham gia giao thông không có gương chiếu hậu. Khi cho dừng xe, cảnh sát giao thông phải xuất trình cho người dân biển hiệu khi làm nhiệm vụ.
Luật sư Nguyễn Hồng Bách
Công ty luật hợp danh Hồng Bách và cộng sự