Tòa án Bắc Giang vẫn chưa xếp lịch cụ thể xét xử “sát thủ” trong vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn do có tình tiết mới phát sinh.
Ngày 10/10, một cán bộ của TAND tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện tòa vẫn chưa sắp xếp lịch xét xử vụ án Lý Nguyễn Chung (SN 1988, tại huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn)– kẻ giết người đích thực trong vụ án oan 10 năm ở Bắc Giang.
Theo vị cán bộ của tòa án Bắc Giang, do trong vụ án này xuất hiện một số tình tiết mới, chủ tọa cần thời gian nghiên cứu hồ sơ nên chưa thể sắp xếp lịch xét xử cụ thể.
Trao đổi với VOV.VN qua điện thoại chiều 10/10, bà Ngọc Thị Vui - chủ tọa phiên tòa xét xử bị cáo Lý Nguyễn Chung trong vụ án giết người, cướp tài sản ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang cho biết, không thể cung cấp thông tin cho báo chí đồng thời khẳng định: “Việc hoãn phiên tòa xét xử Lý Nguyễn Chung vào ngày 29/9 vừa qua là do đại diện gia đình bị hại xin vắng mặt”.
Cũng tại phiên tòa xét xử bị cáo Lý Nguyễn Chung vào ngày 29/9, Nguyễn Xuân Tiến (SN 1990) - con trai đầu của nạn nhân Nguyễn Thị Hoan (thôn mẹ, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) bất ngờ trình đơn đề nghị bồi thường lên HĐXX.
Toàn cảnh phiên tòa xét xử Lý Nguyễn Chung ngày 29/9
Theo trình bày trong đơn, Tiến đề nghị cơ quan tố tụng xem xét việc, tại thời điểm chị Hoan bị sát hại, Nguyễn Xuân Tiến mới được hơn 13 tuổi.
Do thời điểm đó, chị Hoan và chồng đã ly hôn, Tiến ở với bố. Chị Hoan vẫn thường xuyên qua lại thăm nom chăm sóc nuôi dưỡng. Từ ngày chị Hoan mất, Tiến không còn được sự chăm sóc của mẹ. Cho nên Nguyễn Xuân Tiến viết đơn đề nghị cơ quan tố tụng xem xét nghĩa vụ bồi thường về vật chất và tinh thần theo quy định của pháp luật.
Theo ý kiến của một số luật sư, việc Nguyễn Xuân Tiến trình đơn xem xét bồi thường đúng quy định của pháp luật. Đây là tình tiết mới phát sinh tại phiên tòa. Trước đó, trong hai phiên tòa xét xử ông Nguyễn Thanh Chấn trong vụ án oan 10 năm, phần bồi thường dân sự cũng không có Nguyễn Xuân Tiến.
Không hủy 2 bản án "tồn" của ông Nguyễn Thanh Chấn khó kết thúc vụ án oan
Một tình tiết liên quan đến vấn đề xét xử "sát thủ" trong vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn là việc đến nay, ông Nguyễn Thanh Chấn vẫn còn 2 bản án chưa được tuyên hủy.
Ngày 25/1/2014, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định đình chỉ bị can đối với ông Chấn. Tính đến thời điểm này, ông Chấn đã trở thành người vô tội.
Trước đó, TAND Tối cao cũng đã tổ chức phiên tòa tái thẩm tuyên hủy hai bản án cấp phúc thẩm và sơ thẩm đối với ông Nguyễn Thanh Chấn về tội Giết người.
Tuy nhiên việc cơ quan tố tụng tuyên hủy là về vấn đề hình sự, còn đối với người bị án oan ông Nguyễn Thanh Chấn vẫn còn 2 bản án hình sự về vấn đề bồi thường dân sự cụ thể là trách nhiệm cấp dưỡng đối với cháu Nguyễn Văn Đức – con trai thứ hai của nạn nhân Nguyễn Thị Hoan.
Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm ông Nguyễn Thanh Chấn bị truy tố oan về tội Giết người, do chưa xác định được ngày sinh, tháng đẻ của cháu Nguyễn Văn Đức – con trai thứ hai của nạn nhân Nguyễn Thị Hoan, nên chủ tọa phiên tòa ông Phạm Tuấn Chiêm tuyên, phần dân sự sẽ xem xét trong một phiên tòa khác.
Đến nay, 2 bản án hình sự sơ thẩm số 145/HSDS và bản án phúc thẩm số 166/HSPT về vấn đề bồi thường dân sự vẫn chưa được tuyên hủy và đang còn hiệu lực pháp luật.
Đối với vấn đề này, luật sư Vũ Ngọc Chi – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, cần phải mở phiên tòa tái thẩm để hủy 2 bản án này.
Theo ông Chi, do ông Chấn được minh oan nên không có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại đối với vụ án giết người ở thôn Me cách đây 10 năm.
Để tuyên hủy 2 bản án này cần phải tiến hành kháng nghị giám đốc thẩm và người có thẩm quyền kháng nghị là Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Chánh án TAND Tối cao.
Ngoài ra, ông Chấn hoặc người đại diện pháp luật của ông Chấn cũng có thể viết đơn lên cơ quan tố tụng đề nghị thực hiện kháng nghị giám đốc thẩm đối với 2 bản án oan còn sót lại.
Phân tích thêm, luật sư Vũ Ngọc Chi nêu quan điểm, việc tồn tại 2 bản án này sẽ ảnh hưởng đến việc xét xử vụ án Lý Nguyễn Chung.
Trong phần tuyên án, ngoài trách nhiệm hình sự, Chung phải chịu trách nhiệm dân sự, và bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần cho gia đình bị hại.
Nếu 2 bản án của ông Nguyễn Thanh Chấn về vấn đề bồi thường dân sự không được tuyên hủy trước khi phiên tòa xét xử Lý Nguyễn Chung diễn ra thì về mặt pháp luật sẽ có sự chồng chéo, khi tồn tại hiện tượng “một thiệt hại nhưng có 2 bản án bồi thường”./.