“Trong vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn, nếu người giải quyết khiếu nại mà kết luận oan ngay từ lần đầu thì đâu phải đến tận 10 năm sau mới giải oan cho người ta”, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội Đỗ Văn Đương, nói.
Chiều 7/10, Thường vụ Quốc hội nghe các cơ quan Thanh tra Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao báo cáo về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong năm. Theo Thanh tra Chính phủ, số vụ khiếu nại, tố cáo giảm so với năm 2013 nhưng tình trạng khiếu nại đông người lại tăng.
Một trong những nguyên nhân cũng như hạn chế còn tồn tại mà các cơ quan chỉ ra là số lượng, năng lực cán bộ giải quyết khiếu nại, tố cáo còn thiếu và yếu. Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội Đỗ Văn Đương thẳng thắn đặt vấn đề: “Tại sao trong các ngành tòa án, viện kiểm sát, những cán bộ có năng lực lại không làm công tác giải quyết khiếu nại, hay ở khâu này không có tiền?”.
Theo ông Đương, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế là lỗi chủ quan của các cơ quan chứ không phải lỗi khách quan của cơ chế pháp lý. Ông Đương đề xuất phải đưa ra và giải quyết dứt điểm những trường hợp khiếu nại lòng vòng. Phải xử lý trách nhiệm cụ thể người giải quyết sai đơn thư khiếu nại.
“Có những vụ như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn chẳng hạn. Nếu người giải quyết khiếu nại mà kết luận oan ngay từ lần đầu thì đâu phải đến tận 10 năm sau mới giải oan cho người ta. Phải xử lý trách nhiệm cả người giải quyết đơn thư khiếu nại trong vụ này”, ủy viên Đương nói và cho rằng kháng nghị giám đốc thẩm chủ yếu xảy ra ở những vụ án mới còn những vụ án xảy ra nhiều năm thì rất hiếm.
Tuy nhiên, ông Đương cũng chỉ ra một thực tế, người giải quyết đơn thư khiếu nại lại không có quyền. "Vì không có quyền nên vị trí này được bố trí những cán bộ yếu kém về năng lực", ông Đương cho hay.
Chủ trì buổi họp, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhận định công tác tiếp công dân năm nay đã có nhiều tiến bộ nhưng cũng vẫn còn nhiều mặt hạn chế, báo cáo của ngành tòa án và viện kiểm sát còn chung chung. Những nguyên nhân gây nên sự hạn chế, trách nhiệm của người đứng đầu còn chưa truy đến cùng.
Đối với báo cáo của ngành tòa án và viện kiểm sát, bà Phóng băn khoăn: "Tại sao trong nhiều năm liền hai cơ quan này đều báo cáo là năng lực cán bộ tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo còn hạn chế, còn yếu kém mà không khắc phục. Phải chăng như ủy viên Đương nói, do lãnh đạo cơ quan bố trí cán bộ yếu kém về năng lực vào vị trí này?”.
Ngoài ra, Phó chủ tịch Quốc hội cũng đưa ra nhiều vấn đề cần phải làm rõ như: tại sao số vụ khiếu nại giảm mà số người khiếu nại tăng? Tại sao không giải quyết dứt điểm được những vụ khiếu nại kéo dài nhiều năm? Trách nhiệm này thuộc về các cơ quan ở Trung ương hay các cấp chính quyền địa phương? Có hay không trách nhiệm của cán bộ giải quyết khiếu nại tố cáo?
Cùng quan điểm với Phó chủ tịch Quốc hội và ủy viên Đương, ông Ksor Phước, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Việt Nam cũng cho rằng cần nâng cao hơn nữa năng lực của cán bộ làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Từ đó, ông Phước kiến nghị cần làm rõ trong tổng số những vụ khiếu nại, tố cáo trong ngành toà án và kiểm sát có bao nhiêu vụ kéo dài nhiều năm bao nhiêu vụ mới. "Nếu hai ngành gộp chung những vụ này lại chắc con số tổng sẽ khiến Quốc hội giật mình", ông Phước nói.
Tương tự, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cũng đề nghị hai ngành này đánh giá cụ thể, sâu sắc hơn trách nhiệm người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương trong công tác này.
Thường vụ Quốc hội chiều nay đã thống nhất thông qua những báo cáo trên để đưa ra trước Quốc hội ở phiên họp tới. Sáng 8/10, Thường vụ tiếp tục phiên làm việc. Chính phủ sẽ báo cáo (bổ sung) về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Sau đó, Thường vụ cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.
Theo báo cáo của đại diện TAND Tối cao tại phiên họp, tình hình khiếu nại về tư pháp nhìn chung vẫn còn phức tạp; đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án gia tăng hơn so với cùng kỳ năm 2013, đặc biệt là đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm (tăng 652 đơn/vụ). Tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà TAND các cấp phải giải quyết trong năm nay lên tới hơn 10.000 đơn, tính cả số đơn cũ.
Phần lớn số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đó thuộc lĩnh vực dân sự, hình sự (chiếm tới 66%) và hầu hết tập trung ở TAND Tối cao (87%). Các khiếu nại về quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán cũng tăng hơn cùng kỳ năm trước tới 1.240 đơn. Các tòa nhận được 75 đơn khiếu nại, tố cáo đối với cán bộ, công chức