Mặt trời vừa khuất sau rặng núi, người mẹ già hoảng hồn vì thấy một đám thanh niên hùng hổ cầm giáo mác, gậy gộc xông vào nhà đòi “xử” đứa con trai của mình.
Dù không biết đầu đuôi thế nào nhưng bà cụ cũng quỳ lạy van xin chúng tha mạng cho con bà nhưng không được...
Cuộc hỗn chiến đẫm máu
Theo bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bến Tre, vào ngày 29/9/2013, trong lúc xem đá gà ở ấp Bình Huề 1, xã Đại Hòa Lộc, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, Trần Văn Tuấn có xảy ra mâu thuẫn với Trần Thanh Hoàng (35 tuổi).
Thấy cháu mình bị đánh, hai người chú ruột của Hoàng là Trần Văn Chính 55 tuổi) và Trần Văn Theo (49 tuổi) xông vào can ngăn, đánh lại Tuấn. Được mọi người can ngăn nên cuộc ẩu đả dừng lại, ai về nhà nấy.
Khoảng 18h30' ngày hôm sau, Tuấn đến quán nhậu “Chí Phèo” cùng ấp và rủ thêm Trần Văn Phong, Trần Văn Dũng cùng nhiều người bạn khác đi tìm Hoàng để “phục thù”, cả nhóm đồng ý. Tuy nhiên khi đến nhà thì chúng không thấy Hoàng ở nhà mà chỉ có mẹ của Hoàng.
Các bị cáo tại tòa.
Bỗng dưng thấy có đám trai làng hùng hổ xông vào nhà, mẹ Hoàng biết có chuyện chẳng lành nên đã ra sức van xin chúng có chuyện gì từ từ nói, nhưng đám thanh niên bỏ ngoài tai những lời năn nỉ của bà và quyết tâm tìm Hoàng để “tính sổ”.
Sau một lúc tìm không thấy Hoàng, chúng bỏ ra ngoài đập phá tiệm sửa xe đạp của Trần Phi Hải (38 tuổi, anh trai của Hoàng). Đúng lúc này Hoàng đi làm về, thấy vậy Tuấn dùng dao chém vào tay Hoàng, Hoàng bỏ xe tháo chạy, cả nhóm Tuấn đuổi theo.
Trước tình thế nguy cấp, Hoàng chạy vào nhà của chú ruột là Trần Thanh Hùng ở cách đó khoảng 50 m để cầu cứu và trốn khỏi sự truy sát của nhóm Tuấn. Tuy nhiên, nhóm này không chịu buông tha, chúng xông vào nhà ông Hùng đập phá xe máy và dùng gạch đá ném vào nhà ông Hùng.
Thấy con trai bị nhóm thanh niên truy sát, mẹ của Hoàng gọi điện báo cho Trần Văn Theo và Trần Văn Chính (2 chú ruột của Hoàng) biết chuyện. Trong lúc đó, Trần Phi Hải uống rượu gần đó nghe tiếng đập phá đồ đạc nên cũng chạy về xem tình hình.
Một lúc sau thì cả 3 có mặt, cùng với Hoàng cầm cuốc, xẻng, gậy, dao tự chế “phản công” lại nhóm của Tuấn, Phong.
Khi Theo và Phong vật nhau dưới đất thì cả hai bên đều xông vào chém loạn xạ nhằm giải cứu cho “quân mình”. Kết quả là nhóm của Tuấn phải bỏ chạy tán loạn, nhóm của Hoàng thắng thế.
Lúc này Theo ngồi lên người Phong và dùng cuốc bổ nhiều nhát vào đầu, người của Phong, tiếp đó Hoàng dùng dao tự chế chém nhiều nhát, Chính sử dụng xẻng, Hải sử dụng cây tre đánh Phong… khiến thanh niên nay tử vong tại chỗ.
Kẻ kêu oan, người xin giảm án
Với cáo buộc đó, 4 bị cáo bị truy tố về tội Giết người. Tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo không thừa nhận mình có hành vi giết chết bị hại Trần Văn Phong. Bị cáo Hoàng khai lúc đó thấy Phong đang đè chú Theo nên Hoàng chạy lại giải cứu, nhưng chưa kịp tới nơi thì đã bị một người phía bên nhóm Phong đánh rơi con dao xuống đất.
Bị cáo Hoàng còn khai không thấy ông Theo cầm gì và không thấy Hải và Chính ở hiện trường. Còn bản khai tại cơ quan điều tra là do bị điều tra viên đánh, ép phải nhận tội?
Tương tự, bị cáo Hải cho rằng mình không có mặt tại hiện trường, không hề biết gì vụ việc, vì lúc đó Hải đang đi nhậu, tới 10h tối mới về nhà thì được nghe kể lại. Bị cáo Chính thì cho rằng mình không có mặt ở hiện trường, nhưng do bị điều tra viên đánh, ép ký vào 4 miếng giấy trắng, còn nội dung ghi gì sau đó bị cáo không biết?
Riêng bị cáo Trần Văn Theo thì khẳng định mình không mang theo cuốc mà chỉ cầm đèn pin và bị đánh rơi ở hiện trường. Sở dĩ nhận tội tại cơ quan điều tra là do bị đánh đau. Còn thực tế Phong bị chém chết là do những nhát đánh, chém của Tuấn, Huy và một số người bên nhóm của Phong, vì lúc đó bị cáo và Phong ôm vật nhau dưới đất, lăn qua lăn lại thì nhóm của Phong xông vào giải cứu, chém vào người bị cáo để giải thoát cho Phong, nhưng do bị cáo nhỏ con hơn Phong nên trúng vào người Phong khiến Phong bị chết…
Bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Theo, luật sư cho rằng lời khai của các nhân chứng thiếu khách quan và thiếu thống nhất, bởi lẽ nhân chứng khai do trời tối nên không biết Theo cầm cuốc hay dụng cụ gì, nhưng cơ quan điều tra và VKS lại cho đó là cây cuốc. Một số nhân chứng khai không được chứng kiến ai đánh chết Phong.
Trong khi đó Tuấn khai có chém qua chém lại nhưng không biết trúng vào ai. Ngoài ra, vụ án cũng không được thực nghiệm hiện trường… Đặc biệt là bị cáo Theo có làm đơn xin được giám định tỷ lệ thương tật và sức khỏe tâm thần, vì bị cáo cũng bị thương, nhưng lại không được cơ quan tố tụng chấp nhận mà tách thành một vụ án khác…
Còn luật sư bảo vệ cho bị cáo Chính thì cho rằng cơ quan chức năng thu thập hàng chục vật chứng, nhưng chỉ giám định 3 vật chứng là chưa đúng trình tự thủ tục. Việc tiêu hủy vật chứng trong vụ án là không đảm bảo tính khách quan. Thương tích trên người bị hại Phong có thể do trong quá trình gải cứu, “quân ta đã chém chết quân mình”.
Điều cần làm rõ nữa đó là có người khai thấy nhiều người khác bên nhóm của Phong tham gia hỗn chiến nhưng cũng chưa được làm rõ đó là những người nào…
Từ những phân tích đó, các vị luật sư đề nghị HĐXX cấp sơ thẩm trả hồ sơ để điều tra làm rõ.
Tuy nhiên, không được HĐXX chấp nhận mà tuyên buộc các bị cáo phạm tội Giết người. Theo đó, bị cáo Trần Văn Theo bị tuyên phạt 11 năm tù, Trần Thanh Hoàng 8 năm tù, Trần Văn Chính và Trần Phi Hải mỗi người 7 năm tù.
Sau đó, 3 bị cáo kháng cáo, trong đó Hoàng xin giảm nhẹ hình phạt, còn Theo và Hải kháng cáo kêu oan. Riêng Trần Văn Chính không làm đơn kháng cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm vừa qua, HĐXX đã không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên án sơ thẩm vì cho rằng qua các lời khai có chứng kiến của luật sư, các bản đối chất giữa các bị cáo cho thấy các bị cáo đã phạm tội Giết người.
Ngoài ra, HĐXX cũng kiến nghị cơ quan chức năng làm rõ hành vi của những người kéo tới nhà các bị cáo để gây sự, bởi nguyên nhân chính của vụ án bắt đầu từ những người này. Nếu chưa điều tra, xử lý nhóm người này là chưa công bằng, khách quan.
Theo Hoàng Qúy/Pháp luật Việt Nam