Thôn Ngọc Tứ (xã Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đón chúng tôi vào ngày cuối tháng 3 với cơn mưa phùn nhè nhẹ, trải mượt dài trên những cánh đồng lúa trù phú, tít tắp ra tận đến sát quốc lộ 1A. Dọc đường về thôn, chúng tôi còn được ông Trịnh Cát, cán bộ Tư pháp xã dí dỏm kể câu chuyện Tòa án phân xử vụ "kiện heo" độc nhất vô nhị và rất bi hài tại xã Điện An để "làm quà".
Đến tận bây giờ, nhắc đến trận lụt "lịch sử" năm 2011 ở miền Trung, không một ai không xót lòng bởi những hậu quả nặng nề mà nó để lại. Ấy vậy mà, vốn bản tính kiêng cường và không kém phần dí dỏm, người nông dân Quảng Nam lại tếu táo kể chuyện bi hài có thật năm đó: "Dân tui xứ lụt, có chi mô phải lạ. Chỉ độc nhất cái sự lạ của lụt năm 2011 là chuyện Tòa phải mất đến mấy phiên phân xử cho một vụ "kiện heo".
Ly kỳ đến nỗi, thôn - xã phân giải không xong, Tòa huyện cũng bất phân thắng bại, cuối cùng Tòa tỉnh phải căn cứ vào ngày heo "khai hoa nở nhụy" mới phân rõ được chủ nhân!…
Nguyên đơn thắng kiện - bà Đặng Thị Thơ cùng lứa heo giống thứ 8 của con heo nái trôi sông năm nào.
Mùa nước lụt, con heo nái và hai nhà cùng thôn
Thôn Ngọc Tứ (xã Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đón chúng tôi vào ngày cuối tháng 3 với cơn mưa phùn nhè nhẹ, trải mượt dài trên những cánh đồng lúa trù phú, tít tắp ra tận đến sát quốc lộ 1A. Dọc đường về thôn, chúng tôi còn được ông Trịnh Cát, cán bộ Tư pháp xã dí dỏm kể câu chuyện Tòa án phân xử vụ "kiện heo" độc nhất vô nhị và rất bi hài tại xã Điện An để "làm quà".
Chẳng là, tháng 11/2011 năm ấy, mùa nước lụt!... Đêm giữa tháng 11/2011, mưa như trút nước, nước từ thượng nguồn, nước các con sông ồ ạt dâng cao, đe dọa ngập chìm cả huyện Điện Bàn. Riêng xã Điện An là vùng trũng, nước lụt càng dâng cao, nước ngập đến tận nóc nhà, thôn, xóm trở thành "vùng trắng".
Cũng như bao gia đình khác trong thôn, vợ chồng ông Hà Phước Phùng và bà Đặng Thị Thơ (cùng 67 tuổi, trú thôn Ngọc Tứ, xã Điện An) đêm ấy chỉ kịp vơ vội túm quần áo, tất tả cùng đám con cháu đi "chạy lụt". Bấy giờ, nước dữ, đêm đen, mạng người là quan trọng nhất chứ có mấy ai còn tâm trí đâu mà lo giữ tài sản hay cứu đàn gia súc. Nhưng riêng bà Thơ, vợ ông Phùng, cảnh nghèo có mỗi con heo là "tài sản lớn", vì vậy bà và anh con trai xót của bèn liều lội nước, ra sau nhà cố đẩy con heo nái lên xuồng, rồi buộc chặt xuồng vào thân cau trước sân để "cứu của"… 3 ngày sau khi nước lụt đã rút, để lại những ngổn ngang xiêu vẹo và mất mát cho xóm làng, gia đình bà Thơ, ông Phùng lại dắt díu nhau về nhà.
Nào ngờ đâu, xuồng vẫn còn nhưng heo thì vắng bóng. Bà Thơ nước mắt ngắn dài, đau lòng than trách, tài sản có giá trị nhất của gia đình nông dân nghèo nay cũng đã theo nước lũ trôi sông mất rồi!… Nghe tiếng gia đình bà Thơ ai oán, bà Hai Mính (vợ ông Hà Minh) hàng xóm gần bên vội chạy sang hỏi han, chia sẻ.
Bà còn khoe: "Tối hôm nước dâng cao, ông chồng tui có vớt được một con heo nái, lưng dài, bụng thon rất đẹp. Không biết heo của nhà ai bị trôi, thôi thì vợ chồng tui cứ giữ heo lại đó rồi băm chuối, cho cám chăm cho nó khỏe đồng thời đánh tiếng tìm chủ heo".
Biết chuyện, ngay sáng ngày hôm sau thì bà Đoàn Thị Tuyết (69 tuổi, trú thôn Ngọc Liên, xã Điện An) hớt hải chạy sang nhà. Bà Tuyết khăng khăng: "Đích thị là heo của nhà tui bị trôi đây mà, bây chừ anh chị cho tui chuộc lại hỉ". “Nói dứt câu, bà Tuyết dúi vào tay ông Minh nhà tui 200 ngàn, rồi quầy quả hối mấy đứa con của bà ấy dắt heo về…”, bà Hai Mính nói.
Vợ chồng ông Hà Phước Phùng và bà Đặng Thị Thơ.
Nghe chuyện bà Hai Mính kể, bà Thơ cũng bất giác giật mình, bà thắc mắc: "Nhà tui cũng bị trôi con heo nái đêm hôm nớ. Mà nhà tui và nhà bà lại cùng thôn, cách nhau chỉ mấy chục mét, có khi mô con heo nái nớ là heo của nhà tui trôi qua không? Vả lại, nhà bà Tuyết ở thôn Ngọc Liên là thôn dưới, lại cách thôn Ngọc Tứ những cả hơn cây số, mà ở hướng ngược (ngược dòng nước chảy - PV), thì làm răng mà heo nhà bà ấy lại có thể trôi ngược dòng tới tận thôn Ngọc Tứ?". Bán tính bán nghi, bà Thơ tức tốc chạy sang thôn Ngọc Liên tìm nhà bà Tuyết để làm rõ chuyện heo này.
Rồi ngay chiều đó, hàng xóm nhà bà Tuyết phải chứng kiện một cuộc tranh cãi âm ỉ. Bà Thơ mới chỉ nhìn thấy con heo nái bà Tuyết mới bắt đem về từ nhà ông Hà Minh đã nhận ngay: "Thôi rồi, heo nhà tui chớ còn chi nữa. Tui chăm nó từ khi mới là con "ỉn" bé xíu đến khi nó lớn cả tạ, động đực tui cũng dắt đi thú y xã mần răng mà tui có thể lầm heo với ai".
Bà Tuyết cũng chẳng kém chi, bà bực bội: "Heo tui bị trôi, tui rước về, bà Thơ lấy cơ sở mô là nói heo của bà?". Cuộc tranh chấp bất phân thắng bại này khiến hai vị tổ trưởng của hai thôn đau đầu vì không biết phải phân xử sao cho đúng, do bởi đã là heo nái Móng Cái thì con nào cũng giống con nào.
Quyết giành phần thắng, cả hai bà Thơ và Tuyết dắt nhau lên Tư pháp xã với những lý lẽ của riêng mình để đòi quyền lợi. Nhưng với bằng chứng duy nhất là giấy chứng nhận "ngày heo thụ tinh" thì đến chính quyền xã cũng đành bó tay. Cả bà Tuyết và vợ chồng ông Phùng, bà Thơ đều đồng loạt làm đơn khiếu kiện, thế là vụ việc phải cậy đến Tòa phân giải.
Phiên Tòa "kiện heo" độc nhất vô nhị
Tháng 12/2011, TAND huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) nhận được đơn của ông Hà Phước Phùng kiện bà Đoàn Thị Tuyết về hành vi chiếm đoạt tài sản. Nhiều lần cán bộ Tòa án xuống tận nơi xác minh, vận động hòa giải bất thành.
Nguyên đơn, bị đơn ai cũng có lý lẽ "chặt chẽ" của mình, đưa heo đi xét nghiệm ADN lại là chuyện không tưởng. Bấy giờ chủ trì phiên tòa là ông Lê Minh Tân (hiện là Chánh án Tòa án nhân dân huyện Điện Bàn) sau nhiều đắn đo phân tích đã nghĩ ra một "kế sách".
Theo đó, phiên sơ thẩm tạm dừng, lùi lại cho tới khi nào heo "khai hoa nở nhụy" xong mới mở phúc thẩm để phân giải. Về phần mỗi gia đình, phải xác định chính xác thời điểm con heo nái trên sẽ sinh con, sai số không quá 3 - 5 ngày. Việc này hai bên tiến hành độc lập và cán bộ thú y địa phương chịu trách nhiệm giám sát…
Ông Trinh Cát, cán bộ Tư pháp xã Điện An kể lại câu chuyện tòa 3 lần xử vụ "kiện heo" ở xã.
Nghe Tòa phán, bà Tuyết trả lời ngay, heo tui sẽ sinh vào từ khoảng ngày 10-15 tháng Giêng (âm lịch). Còn vợ chồng ông Phùng, bà Thơ lại chắc nịch: "Con heo ở nhà bà Tuyết chắc chắn đẻ vào 20-25 tháng Giêng. Nếu heo không đẻ đúng ngày đó, không những Tuyết được heo, mà vợ chồng tui sẽ trực tiếp sang xin lỗi bà ấy ngay lập tức". Phần bà Tuyết, đang giữ heo phải có trách nhiệm nuôi và chăm heo cho đến khi heo đẻ để tiếp tục "hầu tòa" với vợ chồng tui.
Ngày 3/2/2012, TAND huyện Điện Bàn tiếp tục mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ tranh chấp heo nái trôi sông giữa vợ chồng ông Phùng và bà Tuyết. Căn cứ vào mốc "giấy khai sinh" của bầy heo con, TAND huyện Điện Bàn đã quyết định cho ông Hà Phước Phùng thắng kiện trong vụ án này và buộc bà Đoàn Thị Tuyết phải trả lại con heo ngay lập tức. Bên cạnh đó, vợ chồng ông Phùng cũng phải có trách nhiệm hoàn trả 350 ngàn đồng tiền công chăm sóc của bà Tuyết (tương đương 14.000 đồng/ngày) và số tiền 200 ngàn đồng tiền bà Tuyết bỏ ra để chuộc heo về từ nhà ông Hà Minh.
Án đã tuyên, nhưng xem ra bị đơn là bà Tuyết không chấp thuận phán quyết của TAND huyện Điện Bàn, bà quyết làm đơn kháng cáo lên Tòa cấp tỉnh.
Ngày 6/4/2012, tại phiên xét xử phúc thẩm, TAND tỉnh Quảng Nam đã y án sơ thẩm, buộc bà Tuyết trả lại con heo cho vợ chồng ông Phùng. Tòa cũng ghi nhận thiện chí của ông Phùng muốn tặng bà Tuyết 8 con heo con (3 con bị chết) để gây giống và trả công nuôi dưỡng. Nhờ sự phân xử công minh, hợp tình hợp lý của những cán bộ Tòa án có tầm, nên một vụ án "xưa nay hiếm" ở Quảng Nam đã được hóa giải. Câu chuyện "kiện heo" đến bây giờ vẫn luôn là đề tài hút dư luận, ly kì "mùa nước lụt" của người xứ Quảng.
Theo: Hoài Thu - CAND