Để đưa hàng lậu vào nội địa, giới buôn lậu có “chiêu” hóa phép hàng lậu khá hiệu quả mỗi khi bị lực lượng chống buôn lậu và gian lận thương mại chặn bắt. Đó là chủ hàng đưa ra cả nắm hóa đơn chứng từ chứng minh lô hàng là hợp pháp. Nhưng nếu để vạch mặt hàng nhập lậu, có phải không có cách?
Hợp thức hóa cho hàng lậu
Trong đêm 11.10, trong lúc quan sát hành vi khuân vác hàng lậu qua biên giới trên địa bàn Tân Thanh và áp sát địa điểm tập kết hàng lậu tại đường mòn khe suối Nà Han (Tân Thanh, Lạng Sơn), chúng tôi được chứng kiến cơ quan chức năng kiểm tra hàng của “xe ôm” Trần Tuấn Anh (27 tuổi, quê Huống Thượng, Đồng Hỷ, Thái Nguyên). Lô hàng gồm 8 thùng, bên trong là những nồi cơm điện mang nhãn hiệu Panasonic, bao bì sản phẩm ghi rõ “Chất lượng số 1 Việt Nam”. Theo lời Tuấn Anh, đây là hàng được cửu vạn vác từ trên núi xuống bãi tập kết, chủ gọi điện vào chở, và mới được chuyến thứ 3 thì bị giữ.
Lần theo dấu vết xe chở hàng, chúng tôi men theo đường mòn vào trong rừng tối đen như mực. Trên khoảnh đất trống, hàng chục xe máy cùng khoảng gần 30 thùng hàng đủ kích cỡ nằm lăn lóc bên khe suối mà đám cửu vạn bỏ lại khi lực lượng kiểm tra xuất hiện. Mở các thùng hàng, bên trong rất nhiều loại như: Nồi cơm điện, bếp từ, đồ thờ có giá trị, lịch vạn niên, tranh ảnh...
Nhiều thùng bên ngoài bao bì ghi rõ chữ Trung Quốc, nhưng sản phẩm bên trong lại ghi “Made in Vietnam”, có giấy bảo hành dài hạn như: loại “Nồi lẩu bếp từ” của hãng BESUTO “Made in Vietnam”, bảo hành 1 năm, tại địa chỉ bảo hành SN 26 - TT8 KĐT Văn Phú - Hà Đông - Hà Nội; Nồi cơm điện có in tem quy chuẩn, hợp quy rõ ràng.
Tiến hành khảo sát chợ Tân Thanh và chợ Đồng Đăng (ngày 12.10), chúng tôi thấy có nhiều mặt hàng bày bán trong các chợ này giống như loại hàng đêm trước thu giữ được. Nhưng các mặt hàng lúc này đã có hóa đơn chứng từ, và còn có cả… phiếu bảo hành(?).
Chị Nguyễn Thị Bảy - một chủ hàng ở chợ Đồng Đăng - cho biết: “Những hàng này do những người dân thuộc cư dân biên giới qua cửa khẩu mua về đem đến bán. Mình chỉ biết ngồi đây, ai bán gì thì mua cái đấy. Mình viết hóa đơn cho người ta, rồi khi mình bán thì xuất trình hóa đơn. Những người kinh doanh trong chợ này đều làm như vậy”. Khi chúng tôi hỏi chị Bảy mua của người dân những mặt hàng này giá bao nhiêu, thì không nhận được câu trả lời. Khi được yêu cầu chị cho xem sổ “đầu vào” thì chị Bảy viện cớ để ở nhà không mang đi, chỉ nháp ra đâu đấy rồi về ghi lại.
Lý giải về hiện tượng nêu trên, ông Nguyễn Tiến Mạnh - Phó đội trưởng Chi cục Thuế Đồng Đăng - cho biết, trên địa bàn có tổng 400 hộ dân, trong đó, khoảng 40 hộ dân được sử dụng hóa đơn kinh doanh các mặt hàng được chính phủ quy định. Đến thời điểm này doanh thu (qua hóa đơn) của chợ là 97 tỉ đồng và nộp thuế được… 1,1 tỷ đồng.
Nói về việc các chủ hàng có dấu hiệu hợp thức hóa đơn cho hàng nhập lậu, ông Nông Ngọc Đàm - Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Lạng Sơn cho biết, rất khó phát hiện đâu là hàng vượt biên, hàng không vượt biên… vì khi hàng hóa về được nội địa và chuyển đến hộ kinh doanh thì họ tự làm hóa đơn. Các chủ hàng tự khai tự nộp, tự chịu trách nhiệm với pháp luật. Đến nay, chưa có quy định rõ về các mặt hàng nhập khẩu.
X ôtô chở hàng lậu bị bắt giữ ngày 14.10 đang được lực lượng chống buôn lậu kiểm tra.
Mánh khóe che đậy hàng lậu
Ngày 14.10, Tổ kiểm tra liên ngành chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Trung ương (Tổ kiểm tra liên ngành 389) tiến hành bắt giữ 4 xe ô tô tải BKS 29C-020.25, 98K-9756, 98C-010.35 và 98C-020.36 chạy từ cửa khẩu về TP.Lạng Sơn. Lượng hàng chất trên xe cao ngất ngưởng, xe đi ì ạch làm rung cả mặt đường quốc lộ từ biên giới về, mà không thấy bị xử phạt về chở hàng quá tải. Các lái xe khai nhận số hàng này được chuyển từ biên giới thuộc huyện Đình Lập về nội địa cho nhiều chủ hàng.
Kiểm tra ban đầu, các ô tô nêu trên đều chở một lượng lớn các loại hàng, gồm quần áo, linh kiện phụ tùng ô tô, xe máy, máy tính bảng, máy vi tính, xe đạp điện, v.v… trong đó có 1 xe ô tô chở đầy ắp xe đạp điện nguyên chiếc, mới 100%.. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe xuất trình một số hóa đơn chứng từ cho lực lượng làm nhiệm vụ.
Tuy nhiên, những chứng từ nêu trên không trùng khớp với số hàng hóa tại hiện trường, và có dấu hiệu buôn lậu, gian lận thương mại. Cụ thể, hóa đơn bán hàng mà các lái xe xuất trình có giá rẻ đến… khó tin, như: Linh kiện, phụ tùng ô tô: 5.000 - 10.000 đồng/kg; Laptop: 50.000 đồng/chiếc; tủ lạnh - Điều hòa không khí: 200.000/cái; xe đạp điện: 400.000 đồng/xe... trong khi giá thị trường những mặt hàng này giá cao gấp 20-30 lần giá trị ghi trong hóa đơn.
Đặc biệt, trong số lượng hàng trên xe có nhiều hàng hóa không thuộc trong nhóm 35 mặt hàng được Thủ tướng chính phủ phê duyệt cho cư dân biên giới được mua, bán,… là hàng hóa của Trung Quốc sản xuất, nhưng lại có bao bì nhãn mác Việt Nam được chở trên những chiếc xe nêu trên, xuất phát từ biên giới đi qua khu vực thành phố Lạng Sơn để về Hà Nội.
Ông Nguyễn Đình Tươi - Đội trưởng Công an kinh tế tỉnh Lạng Sơn - cho biết, mỗi lô hàng lậu bị bắt thì phát hiện rất nhiều nhãn mác giả, nhiều sản phẩm được sản xuất ở Trung Quốc nhưng được gắn nhãn mác Việt Nam như: bột ngọt, dầu gội đầu, bóng đèn phích nước Rạng Đông, nồi cơm điện, chảo chống dính… Cũng có trường hợp, chủ hàng khai khống hóa đơn, kê khai giá trị sản phẩm không đúng với thực tế, do đó cũng có nhiều xe không xử lý được.
Ông Hoàng Khánh Hòa - Cục trưởng Hải quan Lạng Sơn - cho biết: Những hàng hóa đi qua cửa khẩu, họ đã kê khai ở biên giới, khi mình kiểm tra thì họ xuất trình đầy đủ. Hiện nay, đơn vị chưa biết mặt hàng nào giá trên 2 triệu đồng nên khó có thể kiểm tra, kiểm soát được, vì giá cả ghi trong hóa đơn rất thấp. Vậy là chỉ cần có được hóa đơn, hàng lậu sẽ thành hàng hợp pháp? Không lẽ các cơ quan chức năng “bó tay” với cách phù phép này của buôn lậu?
Cục trưởng Hải quan Lạng Sơn Hoàng Khánh Hòa:
“Lợi dụng chính sách hóa đơn chứng từ lưu thông trên đường theo Thông tư liên tịch số 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA, để vận chuyển cả một xe hàng lậu vào nội địa, các “đầu nậu” khai giá trị rất thấp, và thuê DN hoặc chủ cửa hàng viết hóa đơn là thành hàng hợp pháp. Trong đó, phải kể đến việc mua hóa đơn hàng hóa hiện nay tại các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh rất dễ. Để làm rõ được việc hợp thức hóa này chỉ có lực lượng Công an mới có thẩm quyền truy nguồn gốc nơi viết hóa đơn”