Thời gian qua, số người phẫu thuật chuyển giới (từ nam thành nữ) ngày càng có xu hướng gia tăng. Kéo theo đó là một loạt vướng mắc về pháp lý đối với những cá nhân này. Những phức tạp nảy sinh từ vụ việc một nhóm thanh niên hãm hiếp một nam thanh niên chuyển giới xảy ra tại Quảng Bình là một ví dụ điển hình…
Hoa mắt vì “gái đẹp”
Vào tối 7-4-2010, tại TP Đồng Hới, Quảng Bình xảy ra một vụ việc nghiêm trọng. Sau khi uống rượu say, trên đường về, thấy một cô gái duyên dáng đi một mình giữa đêm tối, Nguyễn Văn Tình và 2 người bạn đã trêu ghẹo, tán tỉnh. Thấy xung quanh vắng vẻ, các đối tượng này đã khống chế cô gái lên xe rồi chở đến một khu đất trống, rồi hãm hiếp. Sau đó, nạn nhân đã tìm đến CATP Đồng Hới trình báo sự việc với vật chứng là chiếc ví tiền mà Nguyễn Văn Tình đã đánh rơi. Ngay sau khi tiếp nhận đơn tố cáo của nạn nhân, CATP Đồng Hới đã nhanh chóng xác minh, bắt giữ các đối tượng. Mặc dù 3 thanh niên trên đã khai nhận hành vi phạm tội, song bất ngờ đã xảy ra khi cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện giấy tờ tùy thân của cô gái - nạn nhân của vụ hiếp dâm là của nam giới.
Quá trình xác minh cho thấy, trước đó, nạn nhân đã sang nước ngoài phẫu thuật chuyển đổi giới tính, nhưng chưa cải chính hộ tịch nên trên giấy tờ vẫn thể hiện là nam giới. Quanh vụ việc này có nhiều quan điểm trái chiều. Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, do về mặt pháp lý, nạn nhân vẫn là nam giới, mà theo quy định, nạn nhân trong một vụ hiếp dâm chỉ có thể là nữ giới. Các đối tượng trên đã không xâm phạm đến khách thể của tội hiếp dâm nên không đủ cơ sở để buộc họ phạm tội. Bên cạnh đó, mặc dù nạn nhân dù đã thực hiện chuyển đổi giới tính ở một nước khác nhưng chưa được pháp luật Việt Nam công nhận thì không thể xem là phụ nữ.
Điều 111 Bộ luật Hình sự quy định, hiếp dâm là hành vi “dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác, giao cấu trái với ý muốn của họ”. Trong trường hợp trên, về mặt pháp lý, nạn nhân vẫn là nam giới, mà giữa nam giới với nhau thì không thể thực hiện hành vi “giao cấu”, nên không thể khởi tố vụ án hiếp dâm, dù các đối tượng đã thực hiện ý đồ đến cùng để đạt mục đích và đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Cần sớm bổ sung quy định
Đối lập với quan điểm nêu trên, một số luật sư và chuyên gia trong lĩnh vực luật hình sự lại khẳng định, để xác định hành vi hiếp dâm người chuyển đổi giới tính có tội hay không phải căn cứ vào hành vi và các dấu hiệu cấu thành tội hiếp dâm quy định tại Điều 111 BLHS. Nếu nạn nhân đã chuyển đổi giới tính nhưng chưa chuyển đổi hoàn toàn (chưa có bộ phận sinh dục của phụ nữ), các đối tượng không thực hiện được việc giao hợp thì hành vi phạm tội hiếp dâm của họ ở giai đoạn phạm tội chưa đạt. Còn nếu nạn nhân đã có bộ phận sinh dục của phụ nữ và các đối tượng đã thực hiện được việc giao hợp thì tội phạm hiếp dâm đã hoàn thành.
Việc “nhầm” đối tượng tác động không có ý nghĩa định tội. Về chủ thể, cả 3 đều là những người đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, là nam giới. Cả 3 thực hiện hành vi cưỡng bức giao cấu trái ý muốn với nạn nhân nên hành vi của các đối tượng đã thỏa mãn dấu hiệu của tội hiếp dâm. Ngoài ra, nạn nhân trong vụ án hiếp dâm có thể là nam hoặc nữ giới chứ không nhất thiết phải là nữ giới. Mặt khác, Điều 111 BLHS cũng không quy định là “trái với ý muốn của phụ nữ”.
Nghị định 88/2008/NĐ-CP về xác định lại giới tính quy định, khi một người thấy mình bị khuyết tật bẩm sinh về giới tính, hoặc giới tính chưa được định hình chính xác là nam hay nữ phải làm hồ sơ đề nghị gửi đến cơ sở khám, chữa bệnh (được cấp phép) để xác định lại giới tính. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã thực hiện việc can thiệp y tế xác định lại giới tính cấp giấy chứng nhận y tế sau khi đã xác định lại giới tính cho người đã được can thiệp y tế. Giấy chứng nhận này là căn cứ để đăng ký hộ tịch cho người đã được xác định lại giới tính. Các trường hợp đã xác định lại giới tính ở nước ngoài hoặc đã thực hiện ở Việt Nam trước ngày Nghị định này có hiệu lực, nếu muốn đăng ký lại hộ tịch thì phải có giấy xác nhận đã xác định lại giới tính của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trước đó và đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định để được khám kiểm tra và cấp giấy chứng nhận y tế.
Tuy vậy, thực tế cho thấy, phần lớn số người đã tự chuyển giới chưa đi làm xét nghiệm y khoa để biết mình có thuộc trường hợp được pháp luật cho phép xác định lại giới tính hay không nên không được pháp luật thừa nhận. Điều này đã làm phát sinh những vấn đề pháp lý phức tạp trong các vụ việc liên quan đến người chuyển giới. Để đảm bảo sự công bằng và nghiêm minh của pháp luật, các nhà làm luật cần sớm nghiên cứu, ban hành bổ sung các quy định đối với người chuyển giới.