Chiều 15-10, ông Nguyễn Đồng Thông - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước chủ trì buổi họp báo để thông tin vụ việc dược sĩ Trần Thị Kiều Oanh, công tác tại phòng Giám định y khoa (GĐYK) - Sở Y tế tỉnh Bình Phước bị sa thải.
Tại cuộc họp báo, ông Thông khẳng định: Việc ông Đoàn Đức Loát - Trưởng phòng GĐYK ra quyết định sa thải bà Oanh là đúng thẩm quyền.
Với khẳng định này, các báo “truy”: “Ủy ban Kiểm tra kết luận ông Loát là người bị tố cáo lại chủ trì cuộc họp để xử lý người tố cáo là sai. Sở Y tế lý giải điều này thế nào?”. Trả lời câu hỏi này, ông Thông nói: BS Loát chủ trì họp kỷ luật và ra quyết định kỷ luật dược sĩ Oanh là nhân danh thủ trưởng đơn vị, đại diện cho tập thể phòng GĐYK chứ không mang tính cá nhân ông Loát!
Về nội dung dược sĩ Oanh tố cáo ông Loát nhũng nhiễu, tham nhũng, nhận tiền của người đến giám định, ông Thông nói: Có vài người sau khi giám định mua trái cây, nước uống đến biếu cho nhân viên giám định chứ không có dấu hiệu vòi vĩnh nên chưa đủ cơ sở để kết luận ông Loát và một số nhân viên có hành vi tham nhũng…
Về việc ông Loát ký công văn xin tiền các công ty cao su trên địa bàn được 54 triệu đồng, ông Thông nói: Không có cơ sở kết luận ông Loát tư lợi (trước đó Bình Phước chỉ đạo các đơn vị không được xin tiền doanh nghiệp).
Về việc Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra chỉ đạo thu hồi quyết định sa thải dược sĩ Oanh, kỷ luật các cá nhân liên quan đến sai phạm vẫn chưa được Sở chấp hành, ông Thông nói: “Sở không phớt lờ chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra. Sở chỉ thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh mà việc này UBND tỉnh đã có chỉ đạo rồi. Sở không làm gì sai cả. Các cán bộ không có tư lợi nên chỉ phê bình, rút kinh nghiệm”.
Cuộc họp gần một giờ đồng hồ và báo chí đặt hàng loạt câu hỏi nhưng ông Thông đề nghị dừng cuộc họp, đề nghị các báo gửi câu hỏi, Sở Y tế sẽ tiếp tục trả lời.
Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, con số bội chi ngân sách rất nghiêm trọng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chia sẻ như thế với cử tri quận 4 (TP.HCM) tại buổi tiếp xúc trước thềm kỳ họp thứ 8 (Quốc hội khóa XIII) sáng 15-10.
“Một bộ phận không nhỏ” nằm ở đâu?
Trao đổi với cử tri về tình hình đội ngũ cán bộ, công chức, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết hiện nay cán bộ, công chức từ cấp quận-huyện đến trung ương là gần 500.000 người. Cán bộ phường, xã, thị trấn khoảng 1,2 triệu (trong đó kể cả cán bộ định biên theo diện cán bộ công chức cơ sở và anh em hưởng phụ cấp); khối sự nghiệp công trên 2,5 triệu người; diện chính sách trên 2 triệu người. Quy chung lại trên 6 triệu người hưởng lương và các chính sách liên quan đến ngân sách.
Chủ tịch nước cho biết việc quan trọng lúc này là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên. “Tinh thần trách nhiệm phải cao, chết sống với công việc với đất nước. Tôi nghĩ rằng đa số anh em là như vậy nhưng có một bộ phận mà Đảng mình nói là không nhỏ… bây giờ không biết nằm ở đâu, mà dân hỏi mãi, Đảng hỏi mãi không trả lời được, từ trung ương đến cơ sở cứ lúng túng chỗ này” - Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước cho rằng đi tìm “một bộ phận không nhỏ” không phải là để làm một cái gì đó ghê gớm mà để sửa bản thân bộ máy công quyền phục vụ dân tốt hơn như Bác Hồ nói là công bộc của dân.
Nợ công tăng, chất lượng công trình giảm?
Tại buổi tiếp xúc này, đề cập trực tiếp đến sự cố đường cao tốc tỉ đô Nội Bài - Lào Cai lún nứt mới đây, cử tri Nguyễn Vinh Ngọc (phường 4) bày tỏ thái độ bức xúc với Chủ tịch nước. “Lún, nứt là do trình độ chuyên môn hay do rút ruột công trình? Sắp tới những công trình lớn khác như tàu điện ngầm, sân bay Long Thành, đường cao tốc trên cao… có tạo được tin tưởng của nhân dân hay không? Tại sao nợ công ngày một tăng mà chất lượng công trình ngày càng giảm?” - ông Ngọc đặt câu hỏi.
Trả lời cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: Đây là một sự việc có thật. Cả tỉ đô để làm cao tốc như thế mới khánh thành bị nứt… Thế nào cũng có tiêu cực trong này thôi” - Chủ tịch nước nói.
Theo Chủ tịch nước, một nhu cầu có thật mà không thể không làm, đó là cần một số tiền rất lớn để giải quyết cơ sở hạ tầng. “Không vay thì làm sao làm đường sá. Từ TP.HCM đến Vũng Tàu còn 1 tiếng rưỡi đồng hồ, trước đây phải 3 tiếng, nếu sửa một số chỗ tốt hơn thì không quá 1 tiếng. Đất nước mà cứ 100 cây số đi 2-3 tiếng thì tụt hậu xa hơn nữa thôi” - Chủ tịch nước cho hay.
Phải vay để trả nợ
Trước nhiều ý kiến cử tri lo lắng cho vấn đề chi tiêu ngân sách, Chủ tịch nước cho biết cách đây mấy năm, tổng thu ngân sách có được bao nhiêu thì chi thường xuyên khoảng 50%, bây giờ chi thường xuyên đã lên tới 72%. “Với đà này còn lên nữa, phần còn lại không đủ trả nợ đến hạn, phải vay để trả nợ. Nguy cỡ đó không đơn giản đâu, không thể rủng rỉnh được, không thể thoải mái được lúc này. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, vốn là chuyên gia tài chính, mấy ngày nay ông cũng gắt gỏng họp ở QH, lo và sốt ruột, rất là nguy hiểm” - Chủ tịch nước nói.
Về bội chi ngân sách, Chủ tịch nước khẳng định năm nay con số bội chi chắc chắn không dưới 5,2%, đó là chưa kể phát hành trái phiếu và tính luôn nguồn này con số có thể lên 6%. Đây là con số rất nghiêm trọng (độ an toàn khoảng 4%-4,5%). Chính phủ chuẩn bị trình QH xin phép bội chi năm 2015 khoảng 5% nhưng tình hình này sẽ vượt con số đó.
Chủ tịch nước lo lắng bội chi sẽ làm tăng nợ công, mà hiện nay nợ công đã chạm đỉnh an toàn rồi. Không thể đi mãi mãi con đường này mà phải cải cách hành chính công song song với cải cách nợ công, cải cách về ngân sách chứ không thì không có lối thoát.
Do đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu các ngành, các cấp phải chi tiêu tiết kiệm, chi phải có hiệu quả vì nợ công đã chạm ngưỡng an toàn. Bên cạnh đó phải nhanh chóng có kế hoạch cải cách kiên quyết về nợ công, ngân sách để đưa đất nước đi lên phát triển bền vững.
------------------------
Giúp dân thoát nghèo phải bền vững
Năm 2011, xã Thạnh An (huyện Cần Giờ) có 322 hộ thoát nghèo do tính gộp tiền bồi thường của Vedan vào thu nhập thì đến năm 2012 đã có đến 231 hộ trong số đó tái nghèo.
Chiều 15-10, HĐND TP.HCM đã có buổi khảo sát về việc triển khai thực hiện các chính sách Chương trình giảm nghèo tăng hộ khá giai đoạn 4 (2014-2015) tại huyện Cần Giờ.
Liên quan đến sự vụ nhiều hộ dân ở xã đảo Thạnh An bỗng dưng thoát nghèo vì tính gộp tiền bồi thường Vedan vào thu nhập mà báo Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh, bà Đoàn Thị Ngọc Cẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết sau khi báo phản ánh, huyện đã mời các đơn vị lên để yêu cầu báo cáo. Theo báo cáo, năm 2011, xã Thạnh An có 322 hộ thoát nghèo do tính gộp tiền bồi thường của Vedan vào thu nhập của năm. Tuy nhiên, đến năm 2012 sau khi rà soát lại thì có đến 231 hộ tái nghèo. Bà Cẩm cũng cho hay hiện UBND huyện đã chỉ đạo các xã kiểm tra những trường hợp nhận tiền bồi thường từ vụ Vedan nhưng đến nay không tái nghèo để xem cuộc sống của họ như thế nào.
Về vấn đề này, Trưởng ban VH-XH HĐND TP.HCM Huỳnh Công Hùng cho biết nếu như người dân nhận được tiền bồi thường nhưng không có phương án dùng tiền này để phát triển kinh tế thì việc đưa họ thoát nghèo sẽ không bền vững. Ông Hùng đề nghị lãnh đạo huyện cần yêu cầu ban giảm nghèo tăng hộ khá của xã rà soát lại để từ đó có biện pháp cụ thể để giúp hộ này sử dụng nguồn tiền mình có một cách hiệu quả để từ đó thoát nghèo bền vững.
Theo ông Hùng, các chính sách để giảm nghèo của UBND huyện Cần Giờ là chưa thật sự hiệu quả. Để giúp người dân thoát nghèo bền vững thì lãnh đạo huyện cần có những giải pháp, mô hình kinh tế hiệu quả để khuyến khích người dân tham gia. Ông Hùng cho rằng khi đánh giá một trường hợp thoát nghèo nếu không đúng thì sẽ làm mất uy tín của chính quyền địa phương. Vì vậy, lãnh đạo huyện cần dựa vào nhiều tiêu chí khác nhau như chất lượng cuộc sống, công việc làm, các vấn đề an sinh xã hội… để đánh giá cụ thể.
Theo bà Thi Thị Tuyết Nhung, Phó ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP, để giúp người dân thoát nghèo thì lãnh đạo huyện cần rà soát lại đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo hiện nay có đạt yêu cầu hay không. Đồng thời phải tiến hành rà soát nắm bắt nhu cầu của những hộ nghèo để có những hỗ trợ tương ứng.
-------------------------
Chỉ đạo làm rõ vụ ‘chết 9 năm vẫn được cấp giấy khám sức khỏe’
Liên quan việc Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Trạch (Quảng Bình) cấp giấy khám sức khỏe cho người đã chết cách đây chín năm.
Ngày 15-10, ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết: Tỉnh đã nắm thông tin và chỉ đạo Sở Y tế cùng UBND huyện Quảng Trạch xác minh, làm rõ.
Theo ông Dũng, sau khi kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm, tỉnh sẽ có chỉ đạo xử lý nghiêm các cá nhân liên quan. “Lâu nay ngành y tế Quảng Bình có rất nhiều bất cập. Một số bệnh viện vi phạm về quy trình nhập thuốc, giờ xảy ra chuyện bán giấy khám sức khỏe khiến ngành này càng phức tạp hơn” - ông Dũng nói.
Như chúng tôi đã thông tin, bực mình với chuyện Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Trạch bán tràn lan giấy khám sức khỏe, ông Mai Quý Khiêm, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, “chơi khăm” bằng cách mượn chứng minh nhân dân của người đã chết cách đây chín năm đi “khám”. Kết quả là người chết được trung tâm chứng nhận sức khỏe tốt! Từ đó, ông tố cáo đến cơ quan chức năng vì đã nhiều lần góp ý nhưng không chấn chỉnh.
------------------------