Chiến đấu cơ Nhật xuất kích 533 lần để chặn máy bay nước ngoài
Theo Kyodo, Hội đồng tham mưu liên quân thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 15/10 thông báo các chiến đấu cơ của Lực lượng Phòng vệ trên không nước này đã phải xuất kích 533 lần để ngăn chặn máy bay nước ngoài trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 9 năm nay, cao hơn so với 225 lần so với cùng kỳ năm trước.
Đây là con số đầu tiên trong nửa đầu tài khóa 2014 và là con số cao nhất trong bất kỳ nửa tài khóa nào kể từ khi Nhật Bản bắt đầu công bố số liệu tương tự hồi năm 2013.
Theo bộ trên, chiến đấu cơ Nhật Bản đã xuất kích 340 lần từ tháng 4 đến tháng 6 và 193 lần từ tháng 7 đến tháng 9, trong đó các máy bay chiến đấu đã xuất kích 324 lần để ngăn chặn máy bay Nga, chủ yếu là máy bay do thám, và 207 lần để ngăn chặn máy bay Trung Quốc, chủ yếu là các chiến đấu cơ.
-------------------------
Mỹ: Trung Quốc đã triển khai 2 lữ đoàn “sát thủ diệt tàu sân bay”
Một báo cáo mới của Mỹ cho thấy 2 lữ đoàn tên lửa đạn đạo Đông Phong- 21D (DF-21D), được mệnh danh là “sát thủ diệt tàu sân bay” của Trung Quốc đã được triển khai.
Thông tin được tờ Washington Free Beacon hé lộ trong bài báo ngày 13/10, trích dẫn một báo cáo dự kiến sẽ công bố vào tháng 11 tới của Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung.
Lấy dẫn chứng về việc Trung Quốc phát triển 2 mẫu chiến đấu cơ tàng hình và lần đầu tiên triển khai một nhóm thám hiểm lưỡng cư của hải quân tới Ấn Độ Dương cùng các cuộc tập trận ném bom ở Kazakhstan, báo cáo của Mỹ đã phác họa một bức tranh đáng báo động về sự hiếu chiến ngày một lớn của Trung Quốc cũng như sức mạnh đang lớn dần của Trung Quốc, có thể đủ sức chống lại Mỹ và các đồng minh trong khu vực.
Bất chấp mối liên hệ về thương mại và tái chính rất chặt chẽ giữa Bắc Kinh và Washington, báo cáo chỉ ra rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn coi Mỹ là kẻ thù chính. Báo cáo cũng nhận định việc Trung Quốc đẩy mạnh tăng cường quân sự đang thay đổi cán cân quyền lực ở tây Thái Bình Dương, có thể đưa đến sự cạnh tranh an ninh đầy bất ổn giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, làm trầm trọng thêm các điểm nóng như ở Đài Loan, bán đảo Triều Tiên, Biển Đông và Hoa Đông.
Báo cáo cũng tuyên bố Trung Quốc có thể đã bắt đầu triển khai phương tiện tấn công chiến lược siêu tốc độ mới, tên lửa Wu-14, vào năm 2020. Tên lửa này có thể hướng tới mục tiêu với tốc độ gần 8.000 dặm/h (gần 13.000km/h). “Tên lửa bay với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh này có thể khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa lửa hiện tại của Mỹ trở nên kém hiệu quả và lỗi thời”, báo cáo cho biết.
Trong khi đó báo cáo cũng miêu tả việc củng cố quy mô cả tên lửa thông thường và hạt nhân của Trung Quốc cũng là một mối đe dọa nghiêm trọng.
Trung Quốc đã triển khai tên lửa DF-21C với tầm xa khoảng 2.000km, có khả năng vươn tới các mục tiêu tại Nhật, Hàn Quốc. Ngoài ra, nước này có vẻ như đang triển khai tên lửa được gọi là DF-16. Một hệ thống tên lửa tầm trung tiên tiến hơn khác dự kiến sẽ được triển khai trong vòng 5 năm tới, có thể nhắm trúng các lực lượng Mỹ ở Guam, lãnh thổ phía bắc của Úc, Trung Đông và Ấn Độ Dương.
Hai lữ đoàn tên lửa chống hạm DF-21D đã được đưa vào phục vụ ở đông nam và đông bắc Trung Quốc.
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc không công bố đánh giá về lực lượng hạt nhân của Trung Quốc kể từ năm 2006. Thời điểm đó, quân đội Trung Quốc được ước tính sở hữu hơn 100 đầu đạn hạt nhân. Ước tính hiện đại của các nhà phân tích phi chính phủ cho rằng số đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc vào khoảng 250-3.000.
Báo cáo cũng cho rằng tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41, có khả năng mang tới 10 đầu đạn nhắm tới các mục tiêu khác nhau, sẽ được sớm triển khai vào đầu năm tới.
-------------------------
Tổng thống Putin: “Nga-Trung là đồng minh tự nhiên”
Phát biểu trong buổi tiếp thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hết lời ngợi khen mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai “đồng minh một cách tự nhiên”. Hai bên cũng đã ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 24,5 tỷ USD.
Ông Lý hiện đang có chuyến thăm chính thức Nga kéo dài 3 ngày, trong bối cảnh điện Kremin đang phải đương đầu với các lệnh trừng phạt của phương Tây do liên quân tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
“Chúng ta là những đối tác một cách tự nhiên, đồng minh một cách tự nhiên. Chúng ta là láng giềng”, ông Putin khẳng định trong cuộc hội đàm. “Chúng ta đang đề ra những mục tiêu lớn hoàn toàn khả thi cho chính mình, và không nghi ngờ gì việc nó sẽ phục vụ tốt cho nhân dân hai nước”.
Về phần mình, thủ tướng Trung Quốc khẳng định tiềm năng hợp tác giữa hai nước là “không thể cạn kiệt”, khi Trung Quốc là nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, còn Nga là một trong những nhà xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới.
“Chúng ta đang chứng kiến một xu hướng ngày càng lớn mạnh trong sự hợp tác giữa hai bên trên mọi lĩnh vực”, ông Lý nhận định.
Phát biểu trên được hai nhà lãnh đạo đưa ra sau khi chứng kiến lễ ký một loạt thỏa thuận hợp tác, từ năng lượng tới ngân hàng hay sản xuất ô tô. Bắc Kinh và Mátxcơva đã đồng ý thiết lập một hạt mức hoán đối tiền tệ giữa đồng nhân dân tệ và đồng rúp trị giá 150 tỷ nhân dân tệ (24,5 tỷ USD), nhằm giảm sự lệ thuộc vào USD và thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư song phương.
“Nhiều thỏa thuận đã được ký”, ông Putin nói. “Nhưng số lượng không phải vấn đề chính. Điều quan trọng ở đây đó là chúng giúp thúc đẩy quan hệ hợp tác thực sự trong những lĩnh vực rất khác nhau, cả về năng lượng và công nghệ cao”.
Từng có nhiều khúc mắc trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Bắc Kinh và Mátxcơva những năm gần đây ngày càng xích lại gần nhau, với mong muốn làm đối trọng với sự lấn lướt trên toàn cầu của Mỹ. Trung Quốc mới đây đã lên tiếng phản đối các lệnh cấm vận của phương Tây chống lại Nga, và kêu gọi các bên tìm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine.
-------------------------
Hai miền Triều Tiên hội đàm thất bại
10 giờ sáng 15-10 (giờ địa phương), hai miền Triều Tiên đã bất ngờ tổ chức hội đàm quân sự tại làng Bàn Môn Điếm ở biên giới liên Triều. Hội đàm kết thúc lúc 3 giờ 10 chiều cùng ngày.
Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin tại cuộc họp báo sau đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo cuộc hội đàm kín diễn ra theo đề nghị của CHDCND Triều Tiên. Mục đích nhằm thảo luận vấn đề dân Triều Tiên chạy sang Hàn Quốc thả bóng truyền đơn chống phá và vấn đề an ninh biên giới biển.
Đại diện phái đoàn Hàn Quốc có Cục trưởng Cục Chính sách Quốc phòng (Bộ Quốc phòng) Ryu Je-seung. Về phía phái đoàn CHDCND Triều Tiên có Giám đốc Tổng cục Tình báo Kim Yong-chol.
Đây là cuộc hội đàm quân sự cấp cao giữa hai miền Triều Tiên sau gần bốn năm (hội đàm lần trước vào tháng 2-2011) và là cuộc hội đàm quân sự cấp tướng đầu tiên sau bảy năm (hội đàm lần trước vào tháng 12-2007).
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết dù cùng mong muốn cải thiện quan hệ liên Triều nhưng hai bên không thể vượt qua bất đồng và không đạt được thỏa thuận nào.
Trong hội đàm, phái đoàn CHDCND Triều Tiên đã yêu cầu Hàn Quốc cấm mọi tàu thuyền Hàn Quốc đi vào khu vực Triều Tiên xem là biên giới biển liên Triều.
Triều Tiên cũng đề nghị Hàn Quốc có biện pháp ngăn chặn thả bóng truyền đơn chống phá sang Triều Tiên đồng thời kiềm chế nói xấu Triều Tiên, kể cả trên các phương tiện truyền thông.
Trong khi đó, phái đoàn Hàn Quốc yêu cầu CHDCND Triều Tiên tôn trọng vùng phi quân sự và khẳng định chính phủ không thể kiểm soát hoạt động của các tổ chức dân sự hay cơ quan truyền thông.
Hàn Quốc cũng yêu cầu Triều Tiên nhận trách nhiệm vụ đánh chìm tàu chiến Cheonan năm 2010 ở Hoàng Hải (46 thủy thủ thiệt mạng).
Cùng ngày 15-10, Bộ Thống nhất Hàn Quốc thông báo Hàn Quốc đã đề nghị hai miền tổ chức thêm một cuộc hội đàm cấp cao vào ngày 30-10 tới tại làng Bàn Môn Điếm. CHDCND Triều Tiên chưa trả lời.
Trong ngày, một nhóm công dân Hàn Quốc cư trú gần biên giới liên Triều đã biểu tình trước Bộ Thống nhất ở Seoul để kêu gọi chính phủ ngăn chặn thả bóng truyền đơn chống CHDCND Triều Tiên sang Triều Tiên.
Những người biểu tình cho rằng thả bóng truyền đơn gây nguy hiểm cho cuộc sống người dân hai miền dọc biên giới.
Hôm 10-10, các binh sĩ Triều Tiên đã nổ súng bắn hạ bóng truyền đơn thả từ Hàn Quốc. Nhiều viên đạn đã bay lạc sang bên kia Hàn Quốc.
Trong khi đó ngày 15-10, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã tuyên y án ba năm tù đối với một phụ nữ CHDCND Triều Tiên họ Lee đã giả vờ phản bội Triều Tiên để chạy sang Hàn Quốc làm gián điệp hồi tháng 12-2012.
Mọi công dân Triều Tiên khi sang Hàn Quốc đều bị cơ quan tình báo thẩm vấn gắt gao.
Ở phiên tòa sơ thẩm, bị cáo khai nhận đã uống một loại thuốc đặc biệt do an ninh Triều Tiên cung cấp để xóa trí nhớ để qua mặt máy dò nói dối nhưng sau đó lại khai bị ép cung.
-------------------------