Việt Nam và Hoa Kỳ phối hợp trong đấu tranh phòng chống tội phạm an ninh mạng
Chiều 1/12, đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (KSNDTC) đã tiếp xã giao ông Bruce Swartz, Phó Tổng Chưởng lý và Cố vấn đối ngoại thuộc Bộ Tư pháp Hoa Kỳ dẫn đầu đoàn đại biểu đến thăm Việt Nam.
Hai bên đã trao đổi về các chương trình, dự án Hoa Kỳ hỗ trợ cho Viện KSNDTC và tăng cường quan hệ phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ và Viện KSNDTC. Đồng chí Nguyễn Hải Phong nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, Viện KSNDTC Việt Nam đã hợp tác với Bộ Tư pháp Hoa Kỳ trong một số lĩnh vực tư pháp và mong muốn trong thời gian tới sự hợp tác này càng phát triển và có hiệu quả hơn nữa.
Ông Bruce Swartz đánh giá cao sự hợp tác tốt đẹp giữa hai cơ quan và mong muốn trong thời gian tới hai cơ quan trở thành đối tác tốt của nhau. Phía Bộ Tư pháp Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho Việt Nam một số thông tin an ninh mạng, an ninh điện tử, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến chứng cứ điện tử. “Việt Nam và Hoa Kỳ đã có kinh nghiệm tốt trong hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm internet. Vừa qua chúng tôi đã nhận được 12 trường hợp liên quan đến an ninh mạng từ phía Việt Nam. Mong muốn trong thời gian tới sẽ thúc đẩy hợp tác tốt hơn nữa ”- ông Bruce Swart cho biết.
Theo đồng chí Nguyễn Hải Phong thì trong vài năm trở lại đây, tội phạm internet ở Việt Nam có chiều hướng gia tăng, với nhiều thủ đoạn phạm tội mới, mức độ tinh vi cao hơn. Do vậy, Viện KSND tối cao đề nghị phía Hoa Kỳ tăng cường hỗ trợ tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ cho cán bộ của ngành Kiểm sát Việt Nam, đặc biệt hợp tác trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống tội phạm internet.
Trên thực tế, các cơ quan thực thi pháp luật hai nước đã có sự phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt tội phạm xuyên quốc gia và đã hỗ trợ thực hiện một số yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại và đã đạt được một số kết quả bước đầu. Việt Nam rất mong có sự hợp tác với Hoa Kỳ trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm ma túy. Việc đàm phán, ký Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả hoạt động tương trợ tư pháp hình sự giữa hai nước.
-------------------------
Bắc Ninh mở rộng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp
Hiện nay, tại các khu công nghiệp (KCN) tập trung, tỉnh Bắc Ninh có 448 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 90 doanh nghiệp so với năm 2013. Từ đầu năm 2014 đến nay, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 96 dự án, với tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh đạt khoảng 1.525 triệu USD.
Dự kiến đến hết năm, tỉnh sẽ cấp Giấy chứng nhận đầu tư mới cho 105 dự án, đạt 210% kế hoạch năm 2014, với tổng vốn đầu tư 1.530 triệu USD, đạt 233% kế hoạch. Ðồng thời các KCN trong tỉnh sẽ có tổng số 449 dự án đi vào hoạt động, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 500.600 tỷ đồng; tổng doanh thu ước đạt 557.500 tỷ đồng; tổng giá trị nhập khẩu ước đạt 19,7 tỷ USD; tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 23,6 tỷ USD; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 6.500 tỷ đồng.
Các KCN tỉnh Bắc Ninh hiện có gần 166 nghìn lao động, tăng hơn 19 nghìn lao động so với năm 2013, vượt gần 127% so với kế hoạch năm 2014. Công tác quản lý môi trường, thanh tra, kiểm tra, giữ gìn an ninh trật tự tại các KCN được thực hiện nghiêm.
Tỉnh Bắc Ninh đang tiếp tục tập trung các chương trình nhằm mở rộng thu hút đầu tư, với mục tiêu năm 2015: Tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh chứng nhận đầu tư đạt khoảng 400 đến 450 triệu USD ; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 512 nghìn đến 600 nghìn tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 25 đến 26 tỷ USD; giá trị nhập khẩu là 22 đến 23 tỷ USD; lực lượng lao động tăng thêm 10 nghìn người.
-------------------------
Hà Nội tăng cường liên kết, hợp tác các tỉnh miền trung
Từ ngày 29-11 đến 1-12, Ðoàn đại biểu lãnh đạo thành phố Hà Nội do đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy dẫn đầu, đã thăm và làm việc tại ba tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, nhằm trao đổi kinh nghiệm công tác, tăng cường liên kết, hợp tác cùng phát triển các mặt kinh tế - xã hội giữa các địa phương.
Tại các buổi làm việc, Ðoàn công tác của thành phố Hà Nội và ba tỉnh đã trao đổi, nêu rõ tiềm năng, lợi thế của nhau. Trên cơ sở đó thống nhất các chương trình liên kết, hợp tác nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Ðoàn công tác Hà Nội ưu tiên tìm hiểu tình hình thị trường, khả năng cung ứng hàng hóa để đẩy mạnh hợp tác xúc tiến thương mại, xây dựng chuỗi cung cấp nông sản, thủy hải sản cho Thủ đô, đưa hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước về vùng nông thôn, thực hiện chủ trương "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Ngoài ra, các bên còn chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực xây dựng Ðảng, củng cố hệ thống chính quyền; đầu tư hạ tầng đô thị và giao thông; phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn và khai thác hiệu quả các di sản văn hóa và di sản thiên nhiên; hỗ trợ giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực quản lý, nhân lực kỹ thuật chất lượng cao cho mỗi địa phương... Trên cơ sở thống nhất chủ trưởng tăng cường liên kết, hợp tác, lãnh đạo TP Hà Nội và ba tỉnh giao các ngành chức năng sớm cụ thể hóa những nội dung hợp tác trong thời gian tới.
Nhân dịp này, TP Hà Nội trao tặng ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình mỗi tỉnh hai tỷ đồng phục vụ mục tiêu an sinh xã hội.
-------------------------
Siết chặt kỷ luật tài khóa
Trong khi thu ngân sách nhà nước (NSNN) liên tục vượt dự toán thu hằng năm và rất khó dự báo thì chi NSNN cũng thường xuyên vượt dự toán với mức vượt phụ thuộc vào thực tế và khả năng vượt thu. Khó có thể nói là chi NSNN bền vững được khi thu NSNN ít bền vững. Hơn nữa, ngay trong chi NSNN, cả quy mô chi lẫn cơ cấu chi cũng chứa đựng không ít yếu tố thiếu bền vững.
Trước hết, quy mô chi NSNN mặc dù tăng liên tục qua các năm và dao động quanh mốc tương đối cao khoảng 30-35% GDP hằng năm song vẫn còn khoảng cách quá lớn giữa nhu cầu chi NSNN, NST.Ư cũng như ngân sách địa phương, với khả năng đáp ứng. Gánh nặng chi NSNN "trĩu vai" các cấp chính quyền, vì chi đầu tư phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đang rất thiếu thốn và chắp vá, chi cho bộ máy quản lý hành chính và đơn vị sự nghiệp có tới hàng triệu người, chi xóa đói, giảm nghèo, chi an sinh xã hội, chi an ninh - quốc phòng, chi trả nợ,... và vô số các khoản chi "không tên" hay phát sinh khác nữa. Tất cả đều hầu như hoàn toàn trông chờ vào "bầu sữa" NSNN. Rốt cuộc là giống như một bà mẹ nghèo lại phải nuôi đàn con khát sữa nên chi NSNN buộc phải dàn trải, cào bằng, mỗi nơi một ít, không "quá đói" nhưng cũng không thể "no đủ" được. Cơ chế "xin cho", "co kéo" NSNN lại được dịp nảy nở và phát triển.
Cơ cấu chi NSNN ngày càng thiếu bền vững khi tỷ trọng dành dụm cho chi đầu tư phát triển mỗi ngày một eo hẹp hơn. Sau hàng chục năm chi đầu tư phát triển từ NSNN chiếm khoảng 25% tổng chi NSNN thì đến nay muốn giữ tỷ trọng này khoảng 20% cũng rất chật vật. Trong khi đó, chi trả nợ lại có xu hướng tăng nhanh và đã lên tới khoảng 20% tổng chi NSNN những năm gần đây. Tỷ trọng chi thường xuyên đã tăng từ dưới 65% lên hơn 70% tổng chi NSNN song vẫn còn xa mới đáp ứng được yêu cầu do mức lương thực tế còn quá thấp và đội ngũ hưởng lương từ NSNN không ngừng "lớn mạnh". Mấy năm gần đây, tiến độ điều chỉnh tiền lương không thực hiện được do không bố trí được vài chục nghìn tỷ đồng để cải cách tiền lương.
Không chỉ vậy, hiệu quả chi NSNN, cả chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên tuy được quan tâm và nâng cao chất lượng hơn nhưng tốc độ tăng hiệu quả chi còn rất chậm. Tình trạng lãng phí, thất thoát, tham nhũng trong chi đầu tư phát triển vẫn tiếp diễn, từ khâu quy hoạch lập dự án đầu tư đến triển khai thực hiện đầu tư và đưa công trình hoàn thành vào khai thác sử dụng.
Hàng loạt dự án đầu tư chậm tiến độ, đội vốn vài chục phần trăm, thậm chí vài lần so với dự toán ban đầu càng khiến cho chi NSNN trở nên bấp bênh hơn. Bên cạnh đó, bất chấp những lời kêu gọi tiết kiệm chi tiêu NSNN, đẩy mạnh cải cách hành chính và tinh giản biên chế, tăng cường kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước,... một phần không nhỏ các khoản chi thường xuyên tiếp tục bị phung phí, thiếu hiệu quả. Chi trả nợ cũng thiếu bền vững do quản lý vay, sử dụng và trả nợ chưa chặt chẽ.
Rõ ràng, tính bền vững của chi NSNN cần được bảo đảm và tăng cường nhiều hơn nữa trong tiến trình lành mạnh hóa NSNN, siết chặt kỷ luật tài khóa.
-------------------------