Quốc hội Anh cáo buộc ông Putin hối lộ để có World Cup
Lại thêm những tình tiết ly kì mới đang được báo chí Anh tiết lộ trong nghi án tham những lớn nhất từ trước tới nay của FIFA.
Một ủy ban độc lập được chọn bỏi Đoàn thể Văn hóa Truyền thông và Thể thao đã công bố một tài liệu mới thông qua tờ Sunday Times, trong đó có những tin không thể sốc hơn về nghi án tham nhũng phiếu bầu của FIFA.
Theo điều tra từ hàng loạt cơ quan như tập thể vận động giành quyền đăng cai World Cup 2018 của Anh, các công ty tư nhân và đặc biệt là đại sứ quán Anh tại các nước thì tổng thống Nga - ông Vladimir Putin đã có một vai trò lớn trong quá trình "mua chuộc" quyền đăng cai về cho Nga.
Theo đó, Sepp Blatter đã giúp đỡ Nga giành các phiếu bầu, dưới sự "điều động" của Putin. Ngoài ra, chủ tịch UEFA Michel Platini được cho là đã nhận một bức tranh của danh họa vĩ đại Pablo Picasso từ Putin để bỏ phiếu cho Nga.
Đây là những tình tiết không thể giật gân hơn, đặc biệt khi phần lớn thời gian qua, những tranh cãi và điều tra hầu hết đều nhắm sự nghi ngờ vào quyền đăng cai World Cup 2022 của Qatar.
Hiện tại, Ủy ban Đạo đức FIFA vẫn từ chối công bố toàn bộ tài liệu điều tra độc lập của ông Michael Garcia, người chịu trách nhiệm chính trong việc điều tra về nghi án nói trên.
-------------------------
Bê bối tham nhũng ở Thái Lan lan rộng
Gia đình bên vợ của thái tử Thái Lan Vajiralongkorn được cho là dính líu đến vụ bê bối tham nhũng rúng động giới cảnh sát nước này.
Mối liên hệ giữa gia đình vương phi Srirasmi Akharaphongpreecha và vụ bê bối tham nhũng liên quan đến nguyên Cục trưởng Cục Điều tra trung ương (CIB) Thái Lan Pongpat Chayapan chỉ được truyền thông nước ngoài nhắc đến ngày 29.11 sau khi thái tử Vajiralongkorn yêu cầu tước bỏ họ hoàng gia của gia đình vợ ông, vương phi Srirasmi Akharaphongpreecha.
Tờ Bangkok Post ngày 30.11 chỉ đưa tin thái tử Vajiralongkorn yêu cầu những người mang họ Akharaphongpreecha phải quay trở lại sử dụng họ cũ là Kerdampang. Tuy nhiên, tờ báo này nói thêm rằng đó cũng là họ của ba nghi can bị bắt trong vụ bê bối tham nhũng nói trên.
Trong khi đó, BBC cho biết có 7 nghi can trong vụ điều tra là người thân của vương phi Srirasmi. Nhân vật chóp bu: thượng tướng cảnh sát Pongpat là cậu của vương phi. Ông bị bắt vì tình nghi liên quan đến khối tài sản khổng lồ tích cóp qua việc buôn lậu và tổ chức bài bạc.
Ngoài ra, bốn anh chị em ruột cùng hai người bà con gần của vương phi cũng chung số phận. Họ bị cáo buộc dùng danh tiếng hoàng gia để hưởng lợi, thu nợ, bắt giam người trái phép và tống tiền.
Theo BBC, yêu cầu nói trên của thái tử Vajiralongkorn được xem như bước đầu tiên của việc ly hôn. Dù chưa chính thức chia tay nhưng trước đó, mối quan hệ của hai người vốn đã lạnh nhạt từ lâu. Vương phi Srirasmi là vợ thứ ba của thái tử Vajiralongkorn.
Họ cưới nhau năm 2001 và có một con trai 9 tuổi. Khi thái tử kế vị ngôi vương của vua cha, bà dự kiến sẽ trở thành hoàng hậu Thái Lan. Vụ bê bối của gia đình vương phi Srirasmi diễn ra trong một thời điểm khá nhạy cảm, khi sức khỏe của vua Bhumibol Adulyadej, 86 tuổi, đang trong tình trạng xấu.
Vụ điều tra tham nhũng liên quan đến ông Pongpat đã được báo chí Thái Lan đưa tin rộng rãi trong 10 ngày qua. Tuy nhiên, do sự khắt khe của luật khi quân ở Thái Lan, không tổ chức truyền thông nào ở nước này nhắc đến mối liên hệ với gia đình vương phi.
Theo Bangkok Post, trong các hầm bí mật tại 11 căn nhà của Pongpat, cảnh sát phát hiện 1 tỉ baht tiền mặt (700 tỉ đồng) cùng khối tài sản khổng lồ trị giá 10 tỉ baht (khoảng 7.000 tỉ đồng) gồm 24 thỏi vàng, 114 giấy tờ sở hữu nhà đất, hàng trăm tượng Phật hiếm, tranh quý, ngà voi...
Tại nhà nguyên Phó cục trưởng CIB Kowit Wongrungroj, hàng loạt mô tô, xe hơi hạng sang, lá bùa bằng vàng... cũng bị phơi bày. Theo cáo trạng, trong 4 năm từ 2010 đến 2014, Kowit và Akkharawut, cựu quan chức Cơ quan Chống tội phạm Thái Lan, đã nhận hối lộ để chạy chức với giá từ 3 - 5 triệu baht/vị trí (khoảng 2 - 3,5 tỉ đồng). Ngoài ra, theo cảnh sát, Pongpat cùng những người tình nghi thừa nhận tội phỉ báng hoàng gia và nhận hối lộ từ đường dây buôn lậu dầu.
Trung tướng Boonsueb, cựu chỉ huy cảnh sát biển Thái Lan, khai đã nhận 2 - 3 triệu baht/tháng (khoảng 1,5 - 2 tỉ đồng), các thành viên khác nhận từ 12 - 13 triệu baht/tháng (khoảng 8 - 9 tỉ đồng) từ đường dây buôn lậu dầu ở miền nam Thái Lan. Để Cục trưởng và Cục phó CIB là Pongpat và Kowit “ngó lơ”, Boonseub “biếu” hai ông 153 triệu baht (khoảng 100 tỉ đồng).
Một nguồn tin của Bangkok Post ngày 30.11 cho biết, những kẻ buôn lậu dầu hiện đang bị nghi là hỗ trợ tài chính cho những nhóm ly khai tại miền nam Thái Lan và có hơn 30 quan chức cao cấp ở địa phương dính líu đến vụ này, một số đã lên Bangkok để tìm cách “chạy thuốc”.
-------------------------
Tàu Hàn Quốc chìm ngoài khơi bờ biển Nga, 54 người mất tích
Ít nhất 54 người mất tích sau khi một tàu đánh cá Hàn Quốc bị chìm ngoài khơi bờ biển bán đảo Chukotka ở miền viễn đông Nga.
Trên tàu có 62 người. Một người được khẳng định đã chết, 7 người khác được cứu sống.
Trong số những người được cứu có một người Nga, và những người khác là công dân Indonesia, Philippines, Hàn Quốc.
Tàu cá Orion 501 không gửi tín hiệu cấp cứu trước khi xảy ra tai nạn.
-------------------------
Indonesia chuyển hướng ưu tiên quốc phòng ra biển
Mặc dù ông Joko “Jokowi” Widodo trở thành tổng thống mới của Indonesia với rất ít kinh nghiệm về đối ngoại, song ông đã nỗ lực đưa ra một học thuyết chính sách đối ngoại mới, trong đó một phần khá lớn tập trung vào chiến lược biển – trang The Diplomat nhận xét.
Hướng đi táo bạo
Theo trang phân tích đối ngoại này, các tổng thống Indonesia gần đây đã nỗ lực xây dựng lại dấu ấn của Indonesia trong các vấn đề quốc tế và khu vực vốn đã giảm mạnh trong thời kỳ hậu Suharto. Cựu tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono, mặc dù không thành công lắm với các cải cách trong nước, song đã khôi phục được vị thế lãnh đạo của Indonesia ở ASEAN và đóng vai trò trung gian đáng kể trong các cuộc xung đột khu vực.
Tuy nhiên, không tổng thống nào từ thời ông Suharto đưa ra được một học thuyết đối ngoại mạnh mẽ như tân tổng thống Jokowi Widodo đã làm tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN vừa qua. Học thuyết của ông Jokowi tập trung vào thương mại biển, cơ sở hạ tầng và an ninh của Indonesia, thể hiện ý định mở rộng sức mạnh biển của nước này. Song liệu Indonesia có nguồn lực và ý chí chính trị để biến tầm nhìn xa của ông Jokowi thành hành động lại vẫn là câu hỏi nghiêm túc.
Ông Jokowi cùng các cố vấn của ông đã phát triển học thuyết đối ngoại này từ chiến dịch tranh cử. Học thuyết khẳng định rằng Indonesia là một "điểm tựa" trên biển giữa các cường quốc ở Ấn Độ Dương (cụ thể là Ấn Độ) và các cường quốc ở Thái Bình Dương như Trung Quốc và Mỹ. Học thuyết cũng đề xuất rằng cả hai đại dương cần phải là các khu vực hòa bình và tự do thương mại, và rằng Indonesia sẽ giúp bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên của biển. Học thuyết Jokowi cũng cam kết Indonesia sẽ mở rộng sức mạnh hải quân để bảo đảm tự do hàng hải và thương mại trên các vùng biển này.
Tập trung phòng vệ biển
Indonesia sẽ gia tăng mạnh các tàu bảo vệ bờ biển và tàu hải quân. Ông Jokowi dự định tăng ngân sách quân sự lên khoảng 1,5% GDP của Indonesia so với mức chưa đầy 1% hiện nay. Song việc tăng ngân sách này sẽ không ngăn chính quyền cắt giảm ngân sách của quân đội và các lực lượng vũ trang khác, nếu khoản cắt giảm đó cần thiết để chuyển hướng nguồn lực sang cho hải quân và lực lượng tuần duyên.
Thêm nữa, ông Jokowi dự định nâng cấp đáng kể các cảng và cơ sở hạ tầng tàu biển khác của Indonesia để đất nước có thể hội nhập hơn vào thương mại giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giảm chi phí xử lý và vận chuyển hàng hóa ở Indonesia hiện đã cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn khu vực.
Về mặt lý thuyết, bài viết trên tờ The Diplomat cho rằng học thuyết của Tổng thống Jokowi nghe có vẻ thực tế, khôn ngoan. Song bài viết cũng cảnh báo, học thuyết này đối mặt với nhiều cản trở thực tế. Chẳng hạn, việc tăng chi tiêu quân sự của Indonesia có thể khiến nhiều người lo ngại về chạy đua vũ trang gia tăng trong khu vực, và có thể khiến Trung Quốc nghi ngại rằng Indonesia sẽ trở nên hiệu quả hơn trong việc đối phó với những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên các vùng Biển Đông xung quanh đảo Riau – nơi đang có nguy cơ trở thành điểm nóng giữa hai bên. Mặc dù các nước trong khu vực ít lo ngại về Indonesia hơn so với Trung Quốc, song Malaysia và Singapore cũng sẽ yêu cầu sự minh bạch trong việc mở rộng hải quân của Trung Quốc.
Ông Jokowi cũng sẽ gặp thách thức về thu hút đầu tư nước ngoài để nâng cấp cảng biển và các cơ sở hạ tầng biển khác của Indonesia, bởi nước này không có nguồn lực cho việc nâng cấp tới mức ông mong muốn. Các nhà đầu tư Nhật Bản đã cam kết giúp nâng cấp cơ sở hạ tầng biển của Indonesia, nhưng ông Jokowi muốn kêu gọi cả các nhà đầu tư Châu Âu, Mỹ, Singapore và Australia.
Nhà phân tích các vấn đề đối ngoại Rizal Sukma của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Mỹ (CSIS) cho rằng, học thuyết chính sách đối ngoại của tổng thống Jokowi phản ánh sự hiểu biết sâu sắc của ông về vị trí địa chính trị của Indonesia, về việc định danh Indonesia là một quốc gia biển cũng như các mục tiêu phát triển của nước này.
Bộ trưởng Nội các Andi Widjajanto nói rằng, dựa trên các trụ cột trong học thuyết mới, Indonesia sẽ phải chuyển ưu tiên quốc phòng của họ ra biển. “Phòng vệ biển sẽ là sự tổng hợp của lực lượng tuần duyên và hải quân, vì vậy là quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới, chúng ta sẽ phải tăng đáng kể số tàu tuần tra và tàu chiến”.
5 trụ cột trong chiến lược biển của Indonesia
- Xây dựng lại nền văn hóa biển. Với 17.000 hòn đảo, Indonesia phải nhận thức rằng tương lai của đất nước được quyết định chủ yếu bằng việc họ quản lý biển thế nào.
- Indonesia sẽ duy trì và quản lý các nguồn lực biển với việc tập trung vào thiết lập chủ quyền đối với sản phẩm thực phẩm trên biển.
- Ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối hàng hải bằng cách xây dựng lệ phí cầu đường biển, cảng biển nước sâu, trong khi cũng cải thiện ngành công nghiệp vận chuyển, hậu cần và du lịch biển.
- Thông qua ngoại giao hàng hải, Indonesia phải chấm dứt nguồn gây xung đột trên biển, như trộm cá, vi phạm chủ quyền, tranh chấp lãnh thổ, cướp biển và ô nhiễm.
- Là quốc gia cầu nối giữa hai đại dương, Indonesia có nghĩa vụ để xây dựng sức mạnh phòng thủ trên biển.
-------------------------