Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Có bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu
Ngày 28.11, tại Hà Nội, Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam phối hợp với Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tổ chức lễ kỷ niệm Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái, 29.11 hàng năm. Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) dự và phát biểu tại buổi lễ.
Ngày chống hàng giả, hàng nhái được tổ chức trong bối cảnh tình hình tiêu thụ hàng giả, hàng nhái diễn biến khá phức tạp, nghiêm trọng, từ thành thị tới nông thôn. Các mặt hàng bị làm giả cũng đa dạng từ thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc tăng trọng, các loại phân bón giả kém chất lượng, đến hàng điện tử, điện lạnh, may mặc, mỹ phẩm. Đặc biệt đối tượng làm giả còn sử dụng công nghệ cao, làm nhái như thật, chiếm tới 60% là hàng giả từ nước ngoài đưa vào, gắn mác “Made in Vietnam”. Để chống hàng giả và gian lận thương mại, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, có tình trạng trên là do quy định pháp luật chưa nghiêm, việc xử lý của các cơ quan chức năng chưa đến nơi đến chốn, còn có hiện tượng bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại hoành hành. Về phía người tiêu dùng, do chưa nhận thức được hết các tác hại tiêu cực nên còn có biểu hiện tiếp tay, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái.
Phó Thủ tướng theo đó yêu cầu, tới đây nơi nào để xảy ra buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, người đứng đầu nơi đó phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. “Phải dựa vào dân để chống hàng giả, hàng nhái, tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, không bao che, tiếp tay, sử dụng hàng giả. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, dựa vào dân và có cách làm phù hợp mới có hiệu quả”- Phó Thủ tướng nói.
-------------------------
Bí thư Thành ủy chỉ cho giám đốc sở còn bao nhiêu điểm ngập
Thành phố còn bao nhiêu điểm ngập là câu hỏi mà ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đặt ra cho Giám đốc Sở Xây dựng Phạm Việt Hùng tại Hội nghị Thành ủy Đà Nẵng mở rộng lần thứ 18 diễn ra vào hôm qua (28.11).
Trước câu hỏi “bất ngờ” của ông Trần Thọ, ông Hùng vòng vo, không biết tại Đà Nẵng còn bao nhiều điểm ngập úng cần xử lý và thậm chí ông Hùng cũng không biết kế hoạch năm 2015 phải giải quyết bao nhiêu điểm ngập.
Ông Trần Thọ đề nghị ông Phạm Việt Hùng mở sổ ghi chép để nhớ: “TP.Đà Nẵng có 67 điểm ngập úng, mới xử lý được 9 điểm, còn 58 điểm chưa làm, trong đó có 6 điểm ngập nặng. Lẽ ra anh (Giám đốc Sở Xây dựng - PV) phải tham mưu cho Thành ủy, UBND TP giải quyết vấn đề ngập úng ảnh hưởng đến cuộc sống người dân nhưng ngược lại hỏi anh chẳng biết, để Thành ủy phải chỉ rõ ngập ở đâu, ngập bao nhiêu mét. Anh trả lời kiểu đó thì sẽ còn ngập tiếp. Báo chí, dân la làng quá mà mình không thấy là không được”.
Ông Trần Thọ cũng yêu cầu lãnh đạo các cấp, các ngành ở địa phương phải tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc, yếu kém ở TP, tránh bệnh hình thức, nói mà không làm. “Phải thực sự lấy chất lượng cuộc sống người dân làm thước đo đánh giá, tránh bệnh hình thức. Như xã miền núi Hòa Phú (H.Hòa Vang) nói đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới là cần phải xem xét, không phải cứ có con đường bê tông đi qua là đạt nông thôn mới”, ông Trần Thọ yêu cầu...
Tại hội nghị, Thành ủy Đà Nẵng đề ra các giải pháp trọng tâm nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng; tăng cường đầu tư văn hóa, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân...
-------------------------
Hà Nội được tăng cơ chế tài chính đặc thù?
Bộ Tài chính vừa đưa ra Dự thảo Nghị định trình Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung cơ chế tài chính ngân sách đặc thù với Hà Nội.
Theo đó, tổng dư nợ các nguồn vốn huy động cho đầu tư các dự án, công trình (thuộc nhiệm vụ đầu tư từ ngân sách thành phố) không vượt quá 150% tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách thành phố. Nghị định 123 ban hành năm 2004 quy định con số này không được vượt quá 100%.
Dự thảo, các khoản vay đầu tư vào dự án có khả năng hoàn vốn, các khoản vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ được quản lý, sử dụng theo quy định về quản lý nợ công. Cơ chế ngân sách đặc thù mới sẽ được thực hiện từ năm 2015 đến năm 2016 khi Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) có hiệu lực.
-------------------------
Khó thành lập cảnh sát du lịch
Nhiều doanh nghiệp du lịch tha thiết kiến nghị thành lập cảnh sát du lịch để bảo vệ du khách tại Hội nghị: “Doanh nghiệp du lịch năm 2014” ngày 28/11.
Tuy nhiên theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục du lịch,đề nghị trên khó khả thi bởi liên quan đến ngành công an. “Đảm bảo môi trường an toàn cho du lịch là nhiệm vụ của chính quyền. Tổng cục du lịch, Hiệp hội du lịch chỉ là phối hợp chứ làm sao đuổi được chặt chém, hàng rong” - ông Siêu khẳng định.
-------------------------
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu yêu cầu “làm tiếp” vụ ông Truyền
Đánh giá tốt về việc UB Kiểm tra TƯ kết luận thẳng thắn những sai phạm của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền trong lĩnh vực đất đai nhưng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nêu thêm yêu cầu xem xét việc bổ nhiệm cán bộ đầy “nhạy cảm” của ông Truyền…
Bên hành lang phiên bế mạc kỳ họp thứ 8 của Quốc hội chiều 28.11, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu bày tỏ bất bình về việc bổ nhiệm hàng loạt cán bộ ngay trước khi nghỉ hưu của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. “Có những đơn vị chỉ cần 1 Vụ trưởng và 2 Vụ Phó thôi nhưng ông Truyền lại đưa một loạt cán bộ lên với hàm cấp tương đương như Vụ trưởng cả. Có đến 8, 9, 10 người như thế” – nguyên Tổng Bí thư bức xúc.
Người từng đảm nhiệm vị trí lãnh đạo Đảng cho biết, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trong trao đổi với ông mới đây đã báo cáo, con số cán bộ được ông Truyền bổ nhiệm ở thời điểm “nhập nhèm” lên tới gần 80 người, đã đề bạt lên cả. Việc này rõ ràng để lại hệ quả đối với người kế nhiệm khi rất nhiều cán bộ “đã ngồi đấy rồi” và lại vẫn còn tuổi, không dễ có hướng giải quyết.
Đánh giá về kết luận rất cụ thể, thẳng thắn đối với những sai phạm của nguyên Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền cũng như các cơ quan liên quan trong việc phân đất, bán nhà cho ông Truyền vừa qua của UB Kiểm tra Trung ương, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhận định: “Việc làm đó rất tốt, tạo lòng tin trong dư luận quần chúng. Tuy nhiên còn chuyện ông Truyền trước khi về hưu tranh thủ làm thế (bổ nhiệm hàng loạt cán bộ - PV) phải làm tiếp. UB Kiểm tra mới nói chuyện mua nhà đất thôi. Còn phải làm tiếp việc đưa cán bộ lên như thế nữa”.
Cũng trong chiều 28.11, Uỷ viên Bộ Chính trị - Chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương Ngô Văn Dụ khẳng định, vấn đề xem xét trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị trong vụ nhà đất của ông Trần Văn Truyền đã được đề cập cụ thể trong bản thông báo kết luận về vụ việc. Theo đó, UB Kiểm tra Trung ương đã ghi rõ việc giao cho từng đơn vị cụ thể triển khai sau khi công bố kết luận kiểm tra. Việc này đã nằm trong kế hoạch, có quy trình triển khai cụ thể.
“Việc đó thể hiện là anh buông quá. Làm như thế chứng tỏ anh rất hư, anh tranh thủ sắp về hưu để anh làm ẩu” – nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu bức xúc.
Người từng giữ cương vị đứng đầu Đảng “gật đầu” với ý kiến cho rằng cơ quan kiểm tra của Đảng cần tiếp tục làm thêm một cuộc kiểm tra nữa về vấn đề này – một cuộc kiểm tra tương tự cuộc kiểm tra về lĩnh vực sử dụng đất đai vừa qua.
“Làm kỹ một vụ để rút ra các vấn đề, để đúc rút kinh nghiệm chung cho toàn quốc thì hay hơn. Tất nhiên, kết luận như vừa qua cũng được rồi, nhưng cần nói kỹ hơn nữa. Để một con người làm như thế, khiến cả bộ máy đơn vị thành ra như thế thì không được. Cần xem lại đến nơi đến chốn, phân tích cho kỹ” – nguyên Tổng Bí thư nói.
Nguyên Tổng Bí thư cũng bày tỏ băn khoăn về các cơ chế giám sát các cấp khi các cơ quan gần như “tê liệt” với việc một cán bộ cấp cao khi sắp về hưu lại đề bạt, bổ nhiệm cán bộ “vô tội vạ” như vậy.
-------------------------