Thí điểm đổi giấy phép lái xe trong vòng 2 giờ
Thay vì phải mất 5 ngày ngày như hiện tại, trong tháng 12 tới, Tổng Cục đường bộ sẽ thí điểm để người dân khai báo thông tin qua mạng, rút ngắn thời gian đổi giấy phép lái xe xuống còn 2 tiếng.
Trao đổi với VnExpress chiều 28/11, ông Nguyễn Thắng Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục đường bộ) cho biết, đầu tháng 12 tới, Tổng cục sẽ bắt đầu thí điểm đổi giấy phép lái xe (GPLX) trong vòng 2 tiếng cho người dân.
"Việc này sẽ giảm thiểu rất nhiều thời gian, công sức và chi phí cho người dân vì hiện nay phải mất 2 lần (theo quy định là trong vòng 5 ngày) đến nơi cấp đổi GPLX để làm thủ tục", ông Quân nhấn mạnh.
Theo thủ tục cấp đổi GPLX điện tử sắp thí điểm, người dân khai thông tin qua mạng Internet theo mẫu như: Tên tuổi, nơi cư trú, số CMND, số GPLX, xác nhận có giấy khám sức khỏe đạt tiêu chuẩn, cung cấp số điện thoại di động và thư điện tử (email) để cơ quan cấp đổi tiện liên lạc. Sau đó hệ thống sẽ xác nhận hồ sơ có đầy đủ hay không và người dân sẽ được cấp một mã số tương tự mã vé máy bay, tàu hỏa để đặt lịch hẹn.
Theo ông Quân, đơn vị đang cân nhắc việc sử dụng dịch vụ nhắn tin (SMS) để đặt lịch hẹn, tránh trường hợp email bị chậm. Để thực hiện việc nhắn hẹn qua SMS, người dân có thể mất thêm 2.000 đến 3.000 đồng tiền phí.
Sau khi đến hoàn thiện hồ sơ, người dân sẽ nộp hồ sơ gốc để cán bộ nghiệp vụ đối chiếu. Nếu đầy đủ theo đăng ký trên hệ thống,cơ sở cấp đổi sẽ chuyển sang duyệt in và người làm thủ tục có thể nhận GPLX mới với chi phí 135.000 đồng.
Theo Vụ trưởng Quản lý phương tiện và người lái, đến nay Tổng cục Đường bộ đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để sẵn sàng thực hiện việc thí điểm này vào đầu tháng 12, sau đó sẽ có đánh giá rút kinh nghiệm và bàn giao cho các địa phương trên toàn quốc.
Từ đầu năm đến nay, Tổng cục đường bộ đã cắt giảm được 43 hạng mục thủ tục hành chính và đây là một bước tiếp theo để giảm thêm một hạng mục nữa, giúp người dân giảm thời gian, chi phí và công sức.
-------------------------
Chiếm đoạt 58 tỷ đồng nhờ Dương Chí Dũng giới thiệu
Tin tưởng giới thiệu của ông Dương Chí Dũng, Công ty cổ phần bất động sản Vinalines đã ký hợp đồng hợp tác dự án đóng tàu biển không có thật với Hải Trung, và bị chiếm đoạt 58 tỷ đồng.
Theo bản án sơ thẩm ngày 27/11 của TAND Hà Nội, Công ty CP khai thác vận tải đường biển Ninh Thuận được thành lập năm 2008, đăng ký kinh doanh 9 ngành nghề nhưng thực chất chỉ treo biển, không có người làm việc. Hội đồng quản trị gồm Phan Tuấn Linh (35 tuổi, TP Đà Lạt, Lâm Đồng), Trần Hữu Trung (35 tuổi, Hải Phòng, giám đốc), Nguyễn Hải Trung (41 tuổi, Hải Phòng).
Mặc dù là thành viên quản trị nhưng Hải Trung chỉ đạo cả giám đốc và chủ tịch HĐQT khi lập dự án đóng mới hai tàu biển. Tháng 6/2009, Hải Trung chỉ đạo lập dự án trên và đề nghị Ngân hàng phát triển Việt Nam - Chi nhánh Ninh Thuận bảo lãnh vay vốn tại Ngân hàng Hàng Hải - Chi nhánh Nha Trang (Khánh Hoà). Thực tế công ty không có năng lực tài chính, không có chức năng, ngành nghề kinh doanh đóng tàu biển và không hoạt động kinh doanh gì.
Sau khi hoàn tất thủ tục trình Cục Đăng kiểm Việt Nam phê duyệt thiết kế - kỹ thuật, ngày 9/7/2009, Linh ký tờ trình đề nghị Ngân hàng Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Ninh Thuận thẩm định phương án tài chính, trả nợ vốn vay. Cùng ngày, Hữu Trung ký giấy đề nghị bảo lãnh vay vốn thực hiện dự án đóng tàu trên.
Gần cuối tháng 8/2009, Hữu Trung ký tiếp tờ trình gửi UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị phê duyệt dự án đóng tàu rồi cùng Hải Trung ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Hàng Hải - chi nhánh Nha Trang.
Cùng việc làm trên, Hải Trung chỉ đạo Hữu Trung và Linh gửi hồ sơ doanh nghiệp, dự án đóng tàu và ký, gửi các văn bản đề nghị các cơ quan phê duyệt. Cuối tháng 10/2009, công ty được Ngân hàng phát triển Việt Nam cấp chứng thư bảo lãnh vay hơn 200 tỷ đồng tại Ngân hàng Hàng Hải, thời hạn 120 tháng.
Trong khi đó, biết dự án trên không được UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã nhiều lần đề nghị Chi nhánh huỷ chứng thư bảo lãnh.
Thời gian này, Hải Trung vẫn đi tìm nguồn vốn đối ứng để thực hiện dự án. Do quen biết với ông Dương Chí Dũng (khi đó là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bất động sản Vinalines), Hải Trung đặt vấn đề vay tiền.
Cuối tháng 3/2010, được ông Dương Chí Dũng giới thiệu, hồ sơ công ty của Hữu Trung được Tổng giám đốc Công ty CP Vinalines - Vũ Mạnh Dương thẩm định. Sau đó, ông Dương đã ký hợp đồng, góp 58 tỷ cho dự án đóng tàu và chuyển tiền vào tài khoản công ty của Hữu Trung.
Ngay khi nhận tiền, Hữu Trung chi theo yêu cầu của Hải Trung, chuyển cho các doanh nghiệp, cá nhân và chi tiêu tổng cộng gần 35 tỷ đồng. Riêng Hữu Trung đã chi tiêu cá nhân gần 2,5 tỷ đồng.
Bản án sơ thẩm xác định, Linh biết rõ Hải Trung và Hữu Trung gian dối để chiếm đoạt tiền, nhưng không phản đối, tố giác nên bị quy kết không tố giác tội phạm.
Toà nhận định, ông Dương Chí Dũng và ông Dương không tư lợi trong việc Hải Trung, Hữu Trung chiếm đoạt nên không liên quan trong vụ án.
Sau hai ngày xét xử, chiều 27/11, toà tuyên phạt Hải Trung 20 năm; Hữu Trung 18 năm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Linh 17 tháng.
-------------------------
Kiểm sát tạm giữ, tạm giam: Chưa làm hết trách nhiệm
Sáng 28.11, trong hội nghị chuyên đề rút kinh nghiệm và biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự (THAHS) do Viện KSND TP.HCM tổ chức, ông Lê Minh Thuận (Trưởng phòng Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và THAHS) nhấn mạnh: “Hầu hết 24 Viện Kiểm sát quận, huyện trong TP chưa thể hiện được vai trò kiểm sát của mình”.
Ông Thuận thẳng thắn thừa nhận, trong quá trình kiểm tra tại trại tạm giam Chí Hòa (TP.HCM) phát hiện 49 trường hợp quá hạn tạm giữ, trong đó chậm trả tự do 10 - 19 ngày là 7 trường hợp. Về quá hạn tạm giam mà quy trách nhiệm của Viện Kiểm sát là 56 trường hợp.
Cụ thể, ông Thuận đưa ra trường hợp ở một Viện KSND quận để trễ hạn tạm giữ 25 ngày mới phát hiện và làm văn bản kiến nghị. Ông Thuận đặt vấn đề: “Theo quy định, trước khi hết hạn tạm giữ, tạm giam thì phải có thông báo và nếu quá hạn tạm giữ, tạm giam một ngày thì phải có kiến nghị. Vậy trong trường hợp này vai trò của kiểm sát hằng ngày đâu, biên bản làm việc, bàn giao mỗi ngày đâu?”.
Cũng theo ông Thuận, công việc kiểm sát tạm giữ, tạm giam như là một công việc “gác cổng”, hỗ trợ cho các cơ quan tố tụng khác tiến hành điều tra, xét xử. Vì vậy, nếu lơ là thì trách nhiệm thuộc về cán bộ kiểm sát tạm giam, tạm giữ chứ không ai khác.
Ngoài ra, ông Thuận cũng thẳng thắn phê bình các viện KSND quận, huyện trong công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam đã bỏ qua việc kiểm sát lưu mẫu thức ăn. “Thực tế có 7 trường hợp ngộ độc thức ăn nhưng các quận, huyện này đã giấu luôn báo cáo, sau này khi lãnh đạo cấp trên kiểm tra mới phát hiện”, ông Thuận cho biết.
Qua báo cáo mà ông Thuận nêu tại hội nghị, ông Nguyễn Nhật Nam, Phó viện trưởng Viện KSND TP.HCM đề nghị, cán bộ kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và THAHS phải nắm rõ chức năng, vai trò, nhiệm vụ của mình trong hoạt động giám sát tạm giam, tạm giữ. Đặc biệt, hằng ngày, hằng tuần phải kiểm sát nhà tạm giam, tạm giữ trong việc bắt tạm giữ, tạm giam theo quy định của bộ luật Tố tụng hình sự nhằm phát hiện kịp thời việc bắt tạm giữ trái pháp luật. Đồng thời kiểm sát các hồ sơ, thủ tục về tạm giam. Nếu thấy cần thiết thì có thể kiểm sát đột xuất theo quy định của pháp luật.
-------------------------