Cảnh sát biển sẽ có tàu hoạt động được trong gió cấp 12
Ngày 22/11, tại Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh cảnh sát biển phối hợp với Tổng Công ty Sông Thu (thuộc Tổng cục Công nghiệp – Bộ Quốc phòng) đặt ky tàu DN2000 số 4.
DN2000 số 4 là lớp tàu đa năng hiện đại nhất của Cảnh sát biển Việt Nam có thiết kế tiên tiến, hiện đại đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế. Tàu có chiều dài trên 90 m, rộng 14 m, với công suất 12.016 CV, tốc độ 21 hải lý một giờ. Dự kiến tàu được đóng trong vòng 12 tháng.
DN2000 số 4 có khả năng hoạt động trong điều kiện gió cấp 12 (tương đương 130 km/h), tầm hoạt động 5.000 hải lý và hoạt động liên tục trên biển 40 ngày đêm. Tàu được thiết kế cho nhiệm vụ tuần tra bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thực thi pháp luật trên các vùng biển và thềm lục địa; tìm kiếm, cứu kéo các tàu bị nạn có lượng dãn nước đến 2.200 tấn trên vùng biển Việt Nam và quốc tế khi có yêu cầu.
Cũng hôm qua lễ hạ thủy tàu kéo cứu hộ mang số hiệu CSB 9004 được tiến hành. Tàu kéo cứu hộ CSB 9004 là một trong 3 tàu kéo cứu hộ DST 4612 được Tổng Công ty Sông Thu đóng mới từ năm 2005 đến nay. Tàu có công suất 3.500 CV, hoạt động ở mọi điều kiện thời tiết với thời gian 30 ngày liên liên tục trên biển.
-------------------------
Trung Quốc xây đảo ở Trường Sa 'để làm căn cứ radar'
Một quan chức cấp cao của quân đội Trung Quốc bất ngờ tiết lộ trước báo chí quốc tế về lý do bồi đắp đảo ở Trường Sa, là để hỗ trợ hoạt động của radar và thu thập tin tình báo.
"Chúng tôi cần thiết lập căn cứ hạ tầng để hỗ trợ hệ thống radar và hoạt động thu thập thông tin tình báo của mình", Asahi Shimbun, nhật báo lớn thứ hai của Nhật Bản, dẫn lời ông Jin Zhirui, sĩ quan cao cấp thuộc Tổng bộ quân chủng Không quân Trung Quốc, hôm qua nói tại Diễn đàn Xiangshan, một diễn đàn đối thoại về các vấn đề an ninh quốc gia, nơi có sự tham gia của giới quân sự một số nước và Trung Quốc.
Trung Quốc được cho là đang thực hiện viêc cải tạo tại 6 đến 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trong đó có các đá Gạc Ma, Châu Viên, Gaven...
IHS Janes's, một tạp chí về quốc phòng, hôm 20/11 đưa tin Bắc Kinh đang tiến hành xây dựng đảo nhân tạo trên bãi đá Chữ Thập, dài ít nhất 3.000 mét rộng khoảng 200 đến 300 mét. Chuyên gia đánh giá, đảo nhân tạo này đủ lớn để xây dựng sân bay.
Ông Jin là người có nhiều kinh nghiệm trong không quân Trung Quốc, đang giảng dạy tại trường Sĩ quan Không quân, đơn vị được cho là đã xây dựng kế hoạch thiết lập khu vực nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông, bao phủ cả quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, nơi đang xảy ra tranh chấp với Nhật Bản.
Asahi Shimbun đánh giá, việc một quan chức quân đội có kinh nghiệm hoạt động trong không quân như Jin đứng ra giải thích trực tiếp trước báo giới nước ngoài về những động thái trên Biển Đông của Bắc Kinh là một điều bất thường.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lên vùng biển của các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei. Tuyên bố vô căn cứ đó không được các bên liên quan chấp nhận.
Quanh việc Bắc Kinh tự ý cải tạo mở rộng bãi đá Chữ Thập, trung tá Jeffrey Pool, phát ngôn viên quốc phòng Mỹ, "kêu gọi Trung Quốc dừng chương trình cải tạo đất và tham gia vào những sáng kiến ngoại giao để thúc đẩy tất cả các bên kiềm chế trong loại hoạt động này".
Đầu tháng này, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm phản đối Trung Quốc tiến hành các hoạt động cải tạo phi pháp trên bãi Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Công hàm nêu rõ Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; hành động của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, vi phạm luật pháp quốc tế.
-----------------------
Chi gần 1 tỷ USD nhập khẩu sữa
Bộ Công Thương cho biết, các số liệu nhập khẩu cho thấy trong tháng 10 vừa qua, Việt Nam đã nhập khẩu lượng sữa và các sản phẩm từ sữa với tổng trị giá 84,1 triệu USD.
Tính chung trong 10 tháng qua, tổng kim ngạch nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa lên tới 922,2 triệu USD, tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước.
Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện nhập khẩu sữa và sản phẩm từ 16 quốc gia trên thế giới. New Zealand là thị trường nhập khẩu sữa chính của các doanh nghiệp tại Việt Nam với tổng giá trị 208,5 triệu USD.
-------------------------
Vàng trang sức có thể chịu thuế xuất khẩu 2%
Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính giữ nguyên mức thuế xuất khẩu hiện nay là 0%.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Thông tư sửa đổi quy định thuế suất thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng vàng trang sức, kỹ nghệ và các sản phẩm khác bằng vàng.
Theo đề xuất các mặt hàng vàng trang sức, kỹ nghệ và các sản phẩm khác bằng vàng thuộc một số nhóm dự kiến sẽ có mức thuế suất thuế xuất khẩu mới là từ 0 -2%. Trong đó mức thuế suất 2% áp dụng cho các sản phẩm có hàm lượng vàng trên 95% trở lên. Để hưởng thuế suất 0%, các sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ phải có giấy chứng nhận của cơ quan chức năng về hàm lượng vàng dưới 95%.
Đóng góp ý kiến cho dự thảo này, gần đây, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) đã gửi công văn lên Bộ Tài chính đề nghị giữ nguyên mức thuế xuất khẩu hiện tại (0%) thêm một thời gian nữa đối với vàng trang sức, mỹ nghệ có hàm lượng vàng từ 95%.
Theo VGTA, 2 năm trở lại đây thị trường vàng rất ảm đạm. Việc buôn bán rất chậm chạp, trong khi đó giá vàng trong nước đắt hơn vàng thế giới (hiện là hơn 5 triệu đồng một lượng). Các doanh nghiệp trong nước muốn có nguyên liệu thì phải mua vàng trôi nổi trên thị trường, nhập khẩu cũng bị siết lại, vay vốn tín dụng ngân hàng không được… Cũng theo Hiệp hội, trong tương lai chúng ta sẽ ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì ngành vàng bạc đá quý Việt Nam sẽ còn chịu áp lực cạnh tranh khốc liệt hơn.
Các doanh nghiệp kinh doanh vàng phân tích, lợi thế duy nhất Việt Nam có được là tay nghề thợ thủ công mỹ nghệ ngành này cao và nguồn lao động rẻ. Vì thế khi ký kết TPP sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp trong nước nhận được nhiều đơn hàng sản xuất, gia công trang sức cho các nước trên thế giới. Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… thuế suất xuất khẩu đối với mặt hàng nữ trang vẫn là bằng 0%. Nếu nâng thuế xuất khẩu với mặt hàng nữ trang lên 2% thì các doanh nghiệp sẽ rất khó cạnh tranh với nước bạn.
-------------------------