Nhiều vi phạm trong lĩnh vực đo lường tại Hải Phòng
Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng vừa phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành thanh tra chuyên đề về đo lường an toàn bức xạ và đo lường tại các cơ sở sử dụng, kinh doanh phương tiện đo lường nhóm 2 tại 61cơ sở trên địa bàn 12 quận, huyện (trừ huyện đảo Bạch Long Vỹ); trong đó có 46 cơ sở y tế sử dụng thiết bị X-quang và phương tiện đo lường trong y tế, 15 cơ sở sử dụng, sản xuất, kinh doanh phương tiện đo lường.
Qua thanh tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 52/61 cơ sở (85%) sử dụng phương tiện đo vi phạm với 72 hành vi vi phạm. Trong đó, 29/46 cơ sở y tế (63%) vi phạm về đo lường với 7 hành vi vi phạm chủ yếu gồm sử dụng phương tiện đo (PTĐ) nhóm 2 không có chứng chỉ kiểm định (CCKĐ), sử dụng PTĐ nhóm 2 có CCKĐ đã hết hiệu lực, sử dụng CCKĐ không đúng quy định theo Thông tư 24... Qua kiểm tra việc chấp hành pháp luật an toàn bức xạ cho thấy, hầu hết cơ sở được thanh tra đều vi phạm hoặc thực hiện chưa đúng yêu cầu quy định từ 1 lỗi trở lên trong 18 loại hành vi vi phạm chủ yếu, 2 yêu cầu quy định trong quản lý.
Theo ông Bùi Xuân Tuấn, Phó Giám đốc Sở KH&CN Hải Phòng, trong thời gian tới, Sở KH&CN phối hợp với Sở Y tế tổ chức hướng dẫn, phổ biến, triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BKHCN-BYT về an toàn bức xạ trong y tế, Luật Đo lường và các văn bản mới để hướng dẫn thi hành cho các cơ sở liên quan có sử dụng thiết bị bức xạ và phương tiện đo lường nhóm 2
-------------------------
Coi chừng những “mối làm ăn ngon”
Những tờ quảng cáo tuyển dụng dán khắp nơi, hay những thông tin tuyển lao động đầy rẫy trên các trang mạng, đã trở thành hình ảnh quen thuộc với người có nhu cầu tìm việc làm. Các công ty đặt ra những chiêu quảng cáo, giới thiệu việc làm đầy hấp dẫn, thu hút những lao động đang “khát” việc làm, chủ yếu ở đây là làm việc theo giờ.
Từ thông tin: “Công ty T.Đ đang tuyển người đăng tin website các mặt hàng cho công ty, chỉ cần ngày 2-3 tiếng, làm tại nhà, phí internet được hỗ trợ, lương tháng 2,5 - 4,5 triệu, ai có nhu cầu thì đăng ký ngay qua mail và lịch phỏng vấn sẽ gửi qua mail cho bạn”. Để tìm hiểu sự thật, chúng tôi thử đi phỏng vấn và thấy sự khác xa giữa quảng cáo và thực tế. Đó là một công ty có địa chỉ ở đường Tô Ngọc Vân, phường Linh Tây, quận Thủ Đức. Tìm tới địa chỉ số nhà đã cho, nhưng hoàn toàn không thấy một bảng quảng cáo, hay logo của công ty.
Chúng tôi gọi điện thoại thì được công ty cho địa chỉ khác là một phòng tại chung cư cách số nhà đã cho khá xa. Sau khi tìm mỏi mắt, chúng tôi thấy phòng làm việc không khác gì nhà ở tại chung cư. Một anh gọi là trưởng phòng nhân sự của công ty giải thích công việc xen lẫn quảng cáo về công ty, rồi hỏi: “Em xác định làm không? Làm thì qua bên kế toán nộp 500 ngàn đồng giùm anh, rồi chủ nhật lên để bên công ty tư vấn việc một buổi”. Chúng tôi hỏi “Bọn em thấy trên trang thông tin tuyển dụng không nói phải nộp một khoản phí nào?”. “Trưởng phòng” cho biết, đó là tiền để làm thẻ của công ty và sẽ được trả khi nhận tháng lương đầu. Mà phải kiếm được đối tác đặt hàng cho công ty thì mới có lương.
Bạn Nguyễn Hạnh Chi, sinh viên năm 4 Trường Đại học Nông lâm, chia sẻ: “Mình cũng đọc được thông tin tuyển người của Công ty cổ phần cung cấp giải pháp truyền thông Việt Nam (lầu 7 tòa nhà Prime, 37 Hoàng Văn Thụ, phường 15, quận Phú Nhuận). Khi lên phỏng vấn, công ty yêu cầu đóng trước 590 ngàn đồng để lấy thẻ, làm một thời gian sẽ hoàn trả. Mình nghĩ nếu một công ty chân chính sẽ không lấy bất cứ một đồng nào, nên không nhận làm việc”.
Đại diện một công ty tìm việc khuyên các bạn ứng viên nên tìm hiểu kỹ các thông tin về công ty tuyển dụng trước khi nộp hồ sơ, để không bị mất tiền vì những công ty lừa đảo. Các cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp siết chặt trong vấn đề tuyển dụng việc làm, để bọn lừa đảo không thể lợi dụng.
-------------------------
Đại học Hoa Sen áp dụng sai luật khi chuyển việc người lao động?
Trong đơn tố cáo gửi Báo Lao Động mới đây, ông Vũ Văn Tấn- Trưởng Phòng quản trị thông tin, Trường ĐH Hoa Sen (TP HCM)- bức xúc viết: “Hiệu trưởng nhà trường đã quyết định miễm nhiệm trưởng phòng và điều chuyển tôi làm chuyên viên Phòng quản trị thông tin mà không có sự thỏa thuận theo quy định của pháp luật lao động”.
Ông Vũ Văn Tấn giao kết HĐLĐ lần 2 (thời hạn 24 tháng) với ĐH Hoa Sen ngày 12.12.2012, chức vụ là Trưởng Phòng quản trị thông tin của nhà trường. Trong quá trình làm việc, ông Tấn luôn hoàn thành nhiệm vụ, chưa từng bị xử lý kỷ luật.
Ngày 2.8, ông Tấn có tham dự Đại hội đồng cổ đông bất thường ĐH Hoa Sen với vai trò là người hỗ trợ kỹ thuật. Ngày 4.8, ĐH Hoa Sen có cuộc họp “tạm đình chỉ công việc và chức vụ với ông Vũ Văn Tấn”. Theo biên bản cuộc họp này, ông Đỗ Sỹ Cường- Phó Hiệu trưởng nhà trường- cho rằng ông Tấn vi phạm một số điểm trong nội quy lao động của Trường ĐH Hoa Sen. Sau đó, Trường ĐH Hoa Sen quyết định tạm đình chỉ công việc của ông Tấn thời hạn 90 ngày.
Trong thời gian ông Tấn đang thực hiện quyết định tạm đình chỉ công việc, đột nhiên, ngày 29.10 bà Bùi Trân Phượng- Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen- đã ký Quyết định số 1173/QĐ-NS miễn nhiệm công tác Trưởng Phòng quản trị thông tin của ông Tấn. Đồng thời, cùng ngày này, bà Phượng ký Quyết định số 1174/QĐ-NS phân công ông Tấn đảm nhiệm công tác chuyên viên Phòng quản trị thông tin kể từ ngày 4.11.2014. Điều khá ngạc nhiên: Dù ông Tấn là NLĐ giao kết làm việc với ĐH Hoa Sen bằng HĐLĐ, có nghĩa là phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật lao động, nhưng trong 2 quyết định của bà Phượng lại chỉ căn cứ vào Quyết định của Thủ tướng, UBND TPHCM và Quy chế nội bộ của ĐH Hoa Sen mà không đề cập tới những căn cứ của Bộ Luật lao động.
Để làm rõ thông tin, chúng tôi đã liên hệ với ĐH Hoa Sen và được bà Nguyễn Thị Kim Huệ - Trưởng phòng nhân sự (được sự ủy nhiệm của Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen)- giải thích: ĐH Hoa Sen miễn nhiệm chức vụ và chuyển công việc của ông Tấn dựa trên quy chế hoạt động của trường ĐH tư thục và của Quy chế của ĐH Hoa Sen. Theo các quy chế này thì hiệu trưởng có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm các trưởng phòng và những người giúp việc cho hiệu trưởng. Đồng thời, bà Huệ cũng cho rằng: “Việc miễn nhiệm chức vụ trưởng phòng cũng không cần phải đưa ra lý do mà chỉ dựa trên cơ sở theo yêu cầu công tác, năng lực của cán bộ và không có hạn chế về mặt pháp lý nào trong việc bổ nhiệm hay miễn nhiệm các chức danh này”.
Bà Huệ khẳng định: “Chúng tôi không xác định là kỷ luật lao động với ông Tấn mà chỉ là miễn nhiệm. Bởi khi cách chức NLĐ phải thành lập hội đồng kỷ luật và họ phải có những sai phạm nào đó theo quy định của Bộ Luật lao động”.
Tuy nhiên, theo Quy chế Tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục ban hành kèm theo Quyết định 61/2009/QĐ-TTg ngày 17.4.2009 của Thủ tướng Chính phủ thì hiệu trưởng trường đại học tư thục có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, giảng viên, công nhân viên và người học theo quy định của pháp luật. Có nghĩa là hành xử của hiệu trưởng đại học tư thục phải dựa trên các quy định của pháp luật, chứ không được tùy tiện. Và trong trường hợp này, do ông Tấn là NLĐ, thì trường ĐH Hoa Sen phải căn cứ vào các quy định của pháp luật lao động để xử lý. Mà trong các quy định của pháp luật lao động lại không hề có quy định “miễn nhiệm” như ĐH Hoa Sen đã áp dụng. Phải chăng ĐH Hoa Sen đã có sự nhầm lẫn khi áp dụng sai nguồn luật khi xử lý NLĐ?
-------------------------
Một nhân viên ngân hàng giúp công an bắt quả tang nhóm tội phạm công nghệ cao
Giám đốc CA TP Hà Nội vừa quyết định khen thưởng đột xuất anh Nguyễn Đức Hiếu, một nhân viên ngân hàng đã giúp phòng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao công an TP Hà Nội (PC50) bắt gọn nhóm tội phạm chuyên dùng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản…
Trước đó, trong thời gian ngắn trong tháng 5 và tháng 6.2014, liên tiếp diễn ra các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của một số đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia bằng cách giả danh công an chiếm đoạt tài sản của nhiều người.
Thủ đoạn của chúng là sử dụng một phần mềm giả mạo số điện thoại để lừa người dân, cụ thể số điện thoại hiện trên màn hình điện thoại sẽ là +83 và các số sau đó trùng với số điện thoại của một cơ quan công an. Với hành vi mạo danh công an, chúng đánh lừa những người bị hại là đang nợ tiền cước điện thoại hoặc đang dính líu đến vụ án hình sự. Từ đó, dụ họ chuyển tiền vào tài khoản của chúng với danh nghĩa để phục vụ điều tra.
Theo thống kê ban ban đầu, trong vòng cuối tháng 5 đến nay đã có ít nhất 16 người dân bị lừa đảo với phương thức này.
Manh mối vụ án đều chỉ dựa vào những đoạn video ghi lại hình ảnh tại cây ATM của những ngân hàng khi những đối tượng đang tiến hành rút tiền. Qua tài liệu từ PC50 và ngân hàng BIDV, nhiều vụ chuyển tiền yêu cầu chuyển tới một tài khoản tại BIDV, tài khoản này liên quan trực tiếp tới tài khoản của một người Trung Quốc.
Từ những tài liệu trên, anh Nguyễn Đức Hiếu (Tổ trưởng nghiệp vụ thẻ ATM, chi nhánh BIDV Đông Đô) đã bỏ công ra tìm hiều thủ đoạn của nhóm đối tượng này. Anh Hiếu ghi nhớ nhận dạng thông qua việc các đối tượng hay đeo túi trước ngực, chiếc đồng hồ kỳ lạ trông hiếm thấy và theo dõi lịch sử rút tiền để tìm thói quen, lộ trình, thời gian rút tiền của các đối tượng.
10h15 phút, ngày 30/6/2014, anh Hiếu khi tham gia tiếp quỹ 24T1 Trung Hòa, Nhân Chính, đã phát hiện một thanh niên có đặc điểm tương tự như hình ảnh camera BIDV Đông Đô ghi lại. Anh cũng đã kịp dùng điện thoại ghi lại hành động của đối tượng này và gọi điện ngay cho cán bộ PC 50, lãnh đạo BIDV và Trung tâm thẻ.
Sau đó, anh Hiếu tiếp tục bám theo đối tượng và gặp tiếp đối tượng thứ hai. 13h 10 phút ngày 30/6, các trinh sát đội 5, PC 50 đã bắt quả tang hai đối tượng đang thực hiện rút tiền tại cây ATM của Techcombank ở đường Nguyễn Thị Định, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Hai đối tượng này là Trương Khải Nhạc (sinh 1987) và Tạ Minh Tu (sinh 1983), đều có quốc tịch Đài Loan và đang tạm trú trên đường Nguyễn Thị Định. Anh Hiếu cũng đứng ra làm chứng vụ việc và cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra.
Công an đã thu giữ hơn 300 triệu đồng cùng 46 thẻ ngân hàng do các ngân hàng Việt Nam phát hành mang tên nhiều người khác nhau. Hơn 10 tỷ đồng đã bị các đối tượng rút ra từ số thẻ ngân hàng này. Sau khi rút tiền, các đối tượng đem ra chợ đen, đổi số tiền từ VND thành NDT rồi phân chia các đối tượng gửi về Trung Quốc thông qua đường biên giới Lào, Campuchia…
Trước những thành tích kể trên, anh Nguyễn Đức Hiếu đã được Giám đốc Công an TP Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung tặng giấy khen và tiền thưởng 350.000 đồng vì đã có thành tích phát hiện bắt quả tang đối tượng sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
-------------------------