Sáng 20/3, chủ trì cuộc họp về cải tạo, thay thế cây xanh đô thị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã quyết định dừng việc chặt hạ, thay thế cây đang gây nhiều tranh cãi.
Ông Thảo đánh giá, trong quá trình thực hiện đề án, việc thông tin không kịp thời, đầy đủ đã gây bức xúc xã hội.
Sau khi kiểm tra, lắng nghe ý kiến dư luận của người dân, ông đã yêu cầu Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện thị xã và các đơn vị liên quan dừng việc chặt hạ, thay thế cây trên một số tuyến phố và quản lý chặt chẽ cây xanh đô thị theo đúng quy định.
Đối với việc thay thế cây, UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu, chỉ thay thế những cây có nguy cơ đổ gẫy ảnh hưởng đến giao thông, an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Các cây cong nghiêng, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và cây không đúng chủng loại cây đô thị thực hiện chỉnh trang thay thế từng bước, chỉ thay thế những cây không thể chỉnh trang và duy trì được.
Chủ tịch Hà Nội lưu ý, việc bảo tồn, cải tạo chỉnh trang, bổ sung và thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn thủ đô là việc làm cần thiết và hệ trọng, không chỉ trong quản lý, phát triển đô thị mà còn thể hiện mong muốn, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Người đứng đầu thành phố yêu cầu Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan phải kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện thời gian qua.
Ông Nguyễn Thế Thảo cũng hoan nghênh và cảm ơn các cơ quan báo chí đã quan tâm, phản ánh kịp thời ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân.
Bên cạnh đó, ông Thảo đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng, các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân tiếp tục quan tâm đóng góp xây dựng thủ đô xanh, văn hiến, văn minh hiện đại.
---------------------
Hà Nội sẽ bán đấu giá gỗ từ những cây bị chặt
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, thành phố sẽ tổ chức bán đấu giá lượng gỗ thu hồi được từ 6.700 cây bị chặt hạ.
Chiều 20/3, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ có cuộc họp báo về việc xã hội hóa cây xan, để giải đáp những băn khoăn của dư luận về việc chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố Hà Nội,
Theo đề án của Sở Xây dựng Hà Nội, nhu cầu vốn của đề án là hơn 73 tỷ đồng. Giải pháp về vốn đề thực hiện việc cải tạo, thay thế cây xanh hai bên đường trên địa bàn 10 quận nội thành đến năm 2015 được huy động từ nguồn ngân sách của thành phố và công tác xã hội hóa.
Ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện đơn vị chức năng đã thay thế được khoảng 500 cây ở 9 tuyến phố. Trong số các cây được thay thế có nhiều cây to, lượng gỗ sẽ được Công ty Công viên cây xanh thu hồi, sau đó tổ chức bán đấu giá thu vào ngân sách.
Ông Lê Văn Dục khẳng định, không có lợi ích cá nhân trong việc thay thế cây xanh của Hà Nội.
Trong khi đó. chiều 19/3, tại buổi họp tập thể UBND TP Hà Nội, Chủ tịch thành phố Nguyễn Thế Thảo cũng khẳng định việc thay thế 6.700 cây "không để kiếm chác hay có nhóm lợi ích".
Về cơ sở pháp lý, ông Thảo cho biết, việc thay thế cây xanh có cơ sở là quy hoạch chuyên ngành về hệ thống công viên và cây xanh được HĐND thành phố thông qua. Trong quy hoạch chuyên ngành đó chỉ rõ lộ trình thay thế tất cả cây sâu mục, già cỗi, cong nghiêng, không đảm bảo an toàn giao thông.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Thảo đã trực tiếp phê bình các đơn vị triển khai kế hoạch trên với lý do thông tin quá kém, không rõ ràng, không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ dẫn đến việc người dân không hiểu hết vấn đề. Theo Chủ tịch TP Hà Nội, do việc thông tin không đầy đủ khiến người dân hiểu rằng thành phố có cả một “đề án, chiến dịch” chặt hạ hơn 6.000 cây xanh.
Lấy ý kiến người dân về việc thay cây
Chiều 19/3, trên một số tuyến phố Lý Nam Đế, Trịnh Hoài Đức (Hà Nội)… xuất hiện những tấm biển trưng cầu ý kiến người dân về những cây dự kiến sẽ được cắt tỉa cành phòng gãy đổ mùa mưa bão hoặc do bị khô, mục.
Ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội, cho biết, việc cắt tỉa, chặt hạ, thay thế cây này là việc làm thường xuyên, hàng năm của Công ty để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.
Theo ông Hưng, những cây sẽ chặt tỉa, đốn hạ, thay thế mà đang lấy ý kiến không nằm trong dự án thay thế 6.700 cây.
--------------------
TP HCM sẽ có đường 30/4
Việc đặt tên đường mới này sẽ được bổ sung nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Thống nhất đất nước.
Văn phòng UBND TP HCM vừa thông báo chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND thành phố Hứa Ngọc Thuận. Theo đó, Phó chủ tịch thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, bổ sung tên đường “30 tháng 4” vào quỹ tên đường của TP và báo cáo việc đặt tên đường mới này dịp kỷ niệm 40 năm ngày Thống nhất đất nước tới đây.
Đồng thời, báo cáo việc đặt tên đường trên địa bàn thành phố mang tên các vị nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Võ Chí Công, Võ Nguyên Giáp và Võ Trần Chí.
Các phương án đặt tên đường mới này sẽ được trình UBND thành phố xem xét, thông qua và báo cáo với Thường trực Thành ủy TP HCM… Trước đó Thường trực Thành ủy TP HCM đã đề xuất việc đặt tên đường “30 tháng 4” để kỷ niệm ngày Thống nhất đất nước.
---------------------
Lập thêm 42 đoàn tàu dịp nghỉ lễ 30/4 -1/5
Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, Công ty vận tải đường sắt Hà Nội lập thêm 42 chuyến tàu để phục vụ người dân.
Ông Nguyễn Văn Bính, Phó Tổng giám đốc Công ty vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, dịp lễ 30/4 - 1/5 tới được nghỉ dài ngày, dự kiến luồng khách đi từ Hà Nội sẽ đông vào các ngày 27 và 28/4 và đổ về Hà Nội vào tối các ngày 2 và 3/5.
Trên tuyến Hà Nội - Đà Nẵng, ngoài đôi tàu SE19/20, Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội tăng cường thêm tàu SE17/18. Tuyến Hà Nội - Đồng Hới thường xuyên chạy đôi tàu QB1/2 từ 25/4 đến hết 3/5. Tăng cường thêm đôi tàu QB3/4 tối 24/4 và tối 2/5.
Tuyến Hà Nội - Vinh chạy thêm đôi tàu NA3/4 chạy từ ngày 25/4 đến 3/5. Riêng tối 27/4, tuyến này sẽ được tăng cường các tàu NA9, NA11...
Ông Bính cho biết, các tuyến phía Nam sẽ tăng cường thêm 36 tàu. Tính chung tất cả các tuyến đường sắt, Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội lập thêm 42 tàu.
Từ 9h sáng 18/3, hệ thống bán vé của ngành Đường sắt bắt đầu mở bán vé các mác tàu Thống Nhất để phục vụ hành khách trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Quy định đổi vé với mức thu phí 10.000 đồng mỗi vé và trả lại hoặc thu thêm tiền chênh lệch so với vé đã mua.
Trường hợp hành khách đổi vé, trả vé, mức khấu trừ là 5% giá ghi trên vé đối với hành khách mua vé cá nhân mà trên vé có in tên và số giấy tờ tùy thân thì vé trả và vé đổi của hành khách phải có các thông tin trùng khớp với tên và số giấy tờ tùy thân được pháp luật công nhận, nếu vé không quy định in thông tin cá nhân cũng được áp dụng mức khấu trừ trên (áp dụng cho cả dịp lễ từ 0h00 ngày 26/4 đến hết ngày 3/5)...
Trường hợp việc đổi vé, trả vé khác, mức khấu trừ là 10% giá ghi trên vé (áp dụng với vé cá nhân và tập thể); riêng trong giai đoạn từ 0h00 ngày 26/4/2015 đến hết ngày 3/5/2015 áp dụng mức khấu trừ 30% giá ghi trên vé (áp dụng với vé cá nhân và tập thể).
Đối với tập thể có chỗ ổn định lâu dài thực hiện quy định mức khấu trừ đổi vé, trả vé theo hợp đồng vận chuyển hành khách tập thể mà Công ty Vận tải Đường sắt đã ký với các đơn vị. Trong khoảng thời gian từ 0h00 ngày 26/4/2015 đến hết ngày 3/5, không áp dụng giảm giá vé tập thể đối với hành khách mua vé tập thể.
-------------------------