Nội địa hóa nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận có thể lên tới 40%
Ngày 18/11, Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (Rosatom), đơn vị tham gia thực hiện dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 của Việt Nam, thông báo các công ty Việt Nam sẽ được mời tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam với tỷ lệ nội địa hóa khoảng 30-40%.
Trong cuộc họp báo chiều 18/11 tại TPHCM trước thềm Atomex Asia 2014 (khai mạc hôm nay), ông Nikolay Drozdov, Giám đốc kinh doanh quốc tế của Rosatom, thông báo, nhiều tập đoàn, công ty lớn của Việt Nam tham gia diễn đàn điện hạt nhân này để được cung cấp thông tin về quá trình lựa chọn phụ thầu của Rosatom. Ông Drozdov cho biết, quy trình đấu thầu sẽ được công khai trên mạng và thực hiện công khai, minh bạch nhằm bảo đảm yêu cầu an toàn chất lượng.
Đại diện của Rosatom nói rằng, tuy đây là lĩnh vực mới, song các công ty lớn của Việt Nam có kinh nghiệm thực hiện những dự án nhiệt điện, thủy điện lớn đều có thể đủ điều kiện ban đầu để tham gia. Kinh nghiệm ở Trung Quốc và Ấn độ cho thấy tỷ lệ nội địa hóa khoảng 30-40%. Các công ty được chọn làm thầu phụ sẽ phải trải qua quá trình tập huấn và đầu tư một khoản nhất định. Ông Drozdov nói rằng, các tài liệu nghiên cứu khả thi cho nhà máy Ninh Thuận 1 đã được hoàn thành và bàn giao cho chủ đầu tư từ tháng 10 để chủ đầu tư nộp cho Hội đồng thẩm định Nhà nước. Nếu được phê duyệt, dự án sẽ tiến tới quá trình thiết kế và xây dựng.
Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho biết, nghiên cứu khả thi cho nhà máy Ninh Thuận 1 bắt đầu vào tháng 11/2011. Năm công nghệ được đưa ra để chọn lựa là AES-91, AES-92, AES2006/V491, AES2006/V392M và VVER-TOI.
-------------------------
Thượng viện Mỹ phê chuẩn ông Ted Osius làm tân đại sứ ở Việt Nam
Sau nhiều tháng trì hoãn, Thượng viện Hoa Kỳ thông qua đề cử ông Ted Osius làm tân đại sứ của nước này ở Việt Nam.
Nhà ngoại giao kỳ cựu
Ông Osius vừa được thông qua cùng ba vị tân đại sứ khác sau một phiên bỏ phiếu miệng vào tối thứ Hai 17.11 giờ địa phương.
Ông đã được Tổng thống Barack Obama đề cử từ hồi tháng Năm, nhưng tới nay mới được Quốc hội phê chuẩn. Điều này có nghĩa ông có thể bắt đầu chuẩn bị đi nhận nhiệm kỳ mới ở Hà Nội, thay cho ông David Shear, người đã rời vị trí từ mùa hè.
Là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, ông có nhiều kinh nghiệm làm việc ở Việt Nam.
Năm 1996 ông Osius có mặt trong đoàn quan chức Hoa Kỳ đầu tiên tới Việt Nam kể từ khi quan hệ song phương được bình thường hóa và ông đã có một năm ở Hà Nội để chuẩn bị cho sự có mặt của đại sứ Mỹ đầu tiên kể từ sau năm 1975.
Năm 1997, ông trở thành Tùy viên Chính trị đầu tiên tại Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Hồ Chí Minh từ sau năm 1975 và làm việc ở đây trong một năm.
Mới đây ông đã kêu gọi bỏ cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam.
Kinh nghiệm ở Châu Á
Trong 25 năm làm việc tại Châu Á, Ted Osius cũng từng làm việc ở Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan và Philippines.
Từ năm 1998, ông Osius có ba năm cố vấn cho Phó Tổng thống Al Gore về châu Á tới năm 2001, ba năm phụ trách khoa học công nghệ môi trường tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Thái Lan tới năm 2004, hai năm phục vụ tại Vụ Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ với chức Vụ phó.
Trong thời gian 2006-2009 ông làm Tham tán Công sứ phụ trách chính trị tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở New Delhi, Ấn Độ.
Từ giữa năm 2009 tới năm 2012 ông Osius giữ chức Phó đại sứ tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Jakarta, Indonesia.
Gần đây nhất, ông giảng dạy tại Học viện Quân sự Quốc gia (National War College).
Ông là người đồng tính, có chồng và một con.
-------------------------
Thủ tướng đồng ý cho Phú Quốc xây cảng đón khách siêu sang
Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Cảng hành khách quốc tế tại Phú Quốc với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng trên 1.200 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Kiên Giang là cơ quan nhà nước có thẩm quyền của dự án. UBND tỉnh Kiên Giang thống nhất với các Bộ Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư về quy mô đầu tư và tỷ lệ góp vốn của ngân sách Trung ương để đầu tư dự án, thực hiện việc lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn UBND tỉnh Kiên Giang thực hiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư dự án.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải sớm điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có các bến cảng khu vực đảo Phú Quốc.
Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc sẽ được xây dựng tại thị trấn Dương Đông, có thể tiếp nhận tàu chở 5.000-6.000 hành khách. Đồng thời kết hợp khai thác container hàng sạch. Cầu tàu dài 400 m, trong đó cầu chính dài 240 m, rộng 19 m cho phép tàu cập bến cả hai bên. Một cầu dẫn dài 1.020 m được xây dựng từ bờ ra cầu tàu để đưa hành khách vào đảo.
Vị trí xây dựng cảng hành khách nằm dọc theo đại lộ Võ Văn Kiệt từ trong khu đô thị chạy ra biển theo hướng Tây nên cũng thuận tiện kết nối giao thông, đồng thời sẽ tạo nên một điểm nhấn cho đô thị Dương Đông trong tương lai.
Do điều kiện thủy văn tại Phú Quốc nên phía tư vấn đề xuất phương án xây dựng đê chắn sóng theo hình chữ L dài 800 m, rộng đỉnh đê là 6,6 m ở phía trước, đảm bảo tàu cập bến quanh năm mà không ngại sóng gió. Ngoài ra, dự án còn xây dựng nhà ga hành khách 2 tầng với tổng diện tích gần 5.000 m2.
Tổng số vốn đầu tư cho dự án là hơn 1.254 tỷ đồng. Đơn vị tư vấn cũng đề xuất phân kỳ đầu tư theo hai giai đoạn. Giai đoạn một cần đầu tư đê chắn sóng để phát huy hiệu quả đầu tư. Giai đoạn 2 chỉ đầu tư thêm các hạng mục phụ trợ.
-----------------------
Đồng Nai quyết đuổi ụ nổi 83M tai tiếng
Việc UBND tỉnh Đồng Nai vừa quyết “đuổi” ụ nổi 83M ra khỏi cảng Gò Dầu càng khiến số phận của khối tài sản từng có giá tới 9 triệu USD thêm bất định.
Ụ nổi ở chẳng được...
Theo thông tin của Báo Đầu tư, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Công vừa có văn bản chỉ đạo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) thực hiện các đề nghị của UBND tỉnh Đồng Nai về việc bồi thường thiệt hại do ụ nổi 83M gây ra, di dời ụ nổi ra khỏi vùng nước cảng Gò Dầu.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đề nghị Vinalines khẩn trương chỉ đạo Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines (VNLSY- đơn vị quản lý ụ nổi 83M) phải sớm làm việc cụ thể với Công ty cổ phần Cảng Đồng Nai để thanh toán các khoản chi phí liên quan.
Bên cạnh đó, Vinalines phải phối hợp với cảng Đồng Nai và các đơn vị liên quan xây dựng phương án di dời ụ nổi 83M ra vị trí khác, đảm bảo an toàn neo đậu cho ụ nổi và an toàn hàng hải cho khu vực cảng Gò Dầu.
Được biết, ngày 20/11/2014 là thời hạn chót để Vinalines di dời khối tài sản đã nằm vạ vật tại cảng Gò Dầu nhiều năm qua. Trước đó, vào cuối tháng 10/2014, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gửi Bộ GTVT phản ánh việc VNLSY ký hợp đồng thuê bến neo đậu và cung cấp tàu lai trực sự cố ụ nổi 83M tại cảng Gò Dầu với Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hải Đồng Nai và Công ty cổ phần Cảng Đồng Nai trong 2 năm (từ ngày 24/11/2008 đến ngày 24/11/2010). Sau đó, hợp đồng này được gia hạn đến ngày 31/12/2012.
Chỉ tính khoản chậm thanh toán tiền thuê vùng nước neo đậu và tàu kéo trực sự cố cho ụ nổi 83M mà VNLSY nợ chủ cảng từ tháng 12/2010 đến ngày 1/1/2013 đã lên tới gần 30 tỷ đồng.
Được biết, Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam đã dừng thực hiện và VNLSY cũng không hoạt động sản xuất kinh doanh từ tháng 5/2011. Ngay sau khi VNLSY ngừng hoạt động, phía chủ cảng đã có nhiều văn bản yêu cầu thanh toán công nợ và đề nghị cho di dời ụ nổi 83M ra khỏi khu vực và bàn giao lại bến phao.
Trong khi chưa được di dời thì ngày 12/7/2014, ụ nổi 83M bị trôi dạt do thủy triều xuống, kéo gãy trụ buộc dây neo tại cầu cảng B3. Sau sự cố này, Cảng Đồng Nai yêu cầu bồi thường hơn 765 triệu đồng để thi công lại trụ buộc dây neo và buộc di dời ụ nổi 83M ra khỏi cảng Gò Dầu.
“Cho đến nay, các nội dung trên vẫn chưa được giải quyết và ụ nổi 83M vẫn nằm trong vùng nước cảng Gò Dầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn hàng hải”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh.
Cần phải nói thêm rằng, ngày 23/9/2014, Cảng Đồng Nai khởi công xây dựng bến tàu 30.000 DWT tại cảng Gò Dầu nhằm phục vụ cho quá trình khai thác bauxit. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn hàng hải trong khu vực kinh doanh và an toàn trong thi công, UBND tỉnh Đồng Nai buộc phải đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Vinalines di dời ụ nổi ra khỏi cảng Gò Dầu để lấy công địa mở rộng cảng.
... mà đi cũng không xong
Được biết, ngay cả khi chấp thuận yêu cầu của UBND tỉnh Đồng Nai, việc di chuyển ụ nổi M83 ra khỏi cảng Gò Dầu hoàn toàn không phải là việc dễ dàng.
Theo báo cáo mới nhất của Vinalines, ụ nổi 83M đang neo đậu tại cảng Gò Dầu (Đồng Nai) trong tình trạng chưa sửa chữa xong, bảo hiểm hết hạn từ năm 2012, đã bị đăng kiểm rút cấp từ tháng 1/2011. Để ụ nổi đủ điều kiện khai thác hoặc di chuyển sang vị trí khác, đơn vị quản lý phải bỏ ra ít nhất 50 tỷ đồng để sửa chữa.
Do nợ Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hải Đồng Nai gần 30 tỷ đồng tiền thuê vùng nước neo đậu và tàu kéo trực sự cố từ tháng 12/2010 đến ngày 1/1/2013, nên ụ nổi 83M đã bị cắt điện từ đầu năm 2013.
“VNLSY đã cố gắng đàm phán, thuyết phục cảng Gò Dầu cấp lại điện chiếu sáng cho ụ nổi để đảm bảo an toàn, nhưng không được chấp thuận”, ông Lê Triêu Thanh, Phó tổng giám đốc Vinalines cho biết.
Phía VNLSY đã lên các phương án bảo đảm an toàn tạm thời cho ụ nổi, kể cả phương án “xấu nhất” là đánh chìm ụ nổi trong trường hợp cần thiết để giảm thiểu thiệt hại. Đối với đề nghị của Cảng vụ cảng Đồng Nai về tăng cường phương tiện lai dắt, VNLSY cũng đã liên hệ với nhiều đối tác để đàm phán thuê 2 tàu lai trực sự cố, nhưng đều bị từ chối, vì đơn vị quản lý ụ nổi không có bất cứ nguồn tài chính nào để thanh toán.
Được biết, mặc dù được đánh giá là mua hớ, nhưng số phận của ụ nổi 83M không chỉ có con đường duy nhất là “xẻ” thịt bán sắt vụn. Nhà máy Đóng tàu Ba Son từng đề xuất Vinalines phương án hợp tác hoặc chuyển nhượng ụ nổi 83M.
Tuy nhiên, phương án hợp tác này bị đổ vỡ, do ụ nổi M83 hiện vẫn được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Bộ GTVT xác định là vật chứng của vụ án tham nhũng tại Vinalines.
Với yêu cầu nói trên, ụ nổi M83 cần phải được quản lý, bảo quản và không được bán thanh lý khi chưa có quyết định của các cơ quan tư pháp có thẩm quyền.
Điều khó hiểu là, tại phiên toà sơ thẩm (tháng 12/2013) và phúc thẩm (tháng 5/2014), Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C48) đã xác định, từ đầu năm 2007 đến hết năm 2008, thông qua việc mua ụ nổi 83M với Công ty AP (Singapore), nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng cùng các đồng phạm đã làm trái các quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, điều kiện nhập khẩu tàu biển, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại… Hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 366,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Vinalines, trong các cáo trạng và bản án phúc thẩm đã tuyên, ụ nổi không có trong danh mục vật chứng của vụ án.
“Chúng tôi rất mong các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn các bước đi cần thiết để thanh lý, nhượng bán ụ nổi 83M, nhằm thu hồi một phần vốn đã đầu tư, giảm thiểu thiệt hại liên quan đến chi phí quản lý, bảo vệ khối tài sản này”, ông Thanh đề nghị.
------------------------