Người biểu tình Hồng Kông tấn công tòa nhà chính quyền
Một nhóm nhỏ người biểu tình Hồng Kông đã xông vào trụ sở cơ quan lập pháp của Đặc khu hành chính Hồng Kông bằng lối cửa ngách vào sáng sớm nay 19.11. Đây là dấu hiệu của việc căng thẳng lại gia tăng sau một thời gian tạm lắng, theo Reuters.
Vụ việc xảy ra chỉ vài giờ sau khi giới viên chức tòa án tìm cách giải tán một phần của trại biểu tình tại trung tâm thành phố, nơi những người biểu tình đã chiếm đóng gần 2 tháng qua. Những người biểu tình hô vang: “Cảnh sát rút lui”, theo Reuters.
Khoảng 10 giờ tối 18.11, hàng trăm thanh niên Hồng Kông bịt mặt, đeo khẩu trang dùng các hàng rào chắn bằng sắt tấn công vào trụ sở cơ quan lập pháp của Hồng Kông. Cảnh sát đã dùng hơi cay và tiêu bột để ngăn cản đám đông, bốn thanh niên từ 18 -24 tuổi bị bắt và có cảnh sát bị thương trong cuộc đụng độ này, theo tờ Văn Hối.
Không dừng lại đó, vào sáng sớm nay 19.11, vài trăm người biểu tình đã tìm cách trở lại tòa nhà lập pháp Hồng Kông để thị uy, hàng trăm cảnh sát được huy động để ngăn chặn người biểu tình. Cảnh sát đã sử dụng dùi cui để tấn công người biểu tình, tình trạng trở nên căng thẳng và bạo động có nguy cơ leo thang, theo phóng viên tờ Văn Hối có mặt tại hiện trường sáng nay.
Người biểu tình đang tiến hành kế hoạch “hậu chiếm trung tâm” bằng các hành động bạo lực chống chính quyền, họ sẽ đấu tranh đến cùng để đạt được mục tiêu là thực hiện phổ thông đầu phiếu, theo tờ Đông Phương nhật báo (Hồng Kông) ngày 19.11.
Hàng trăm cảnh sát chống bạo động với mũ bảo hiểm, dùi cui được huy động để canh gác bên ngoài tòa nhà chính quyền vào sáng sớm hôm nay, đối mặt với những người biểu tình đang yêu cầu được tự do ứng cử và bầu chọn lãnh đạo kế tiếp của thành phố vào năm 2017
Đây là lần đầu tiên người biểu tình Hồng Kông xông vào một tòa nhà chính quyền trọng yếu, trái ngược với dự đoán của nhiều chuyên gia phân tích chính trị cho rằng phong trào biểu tình đang cho thấy dấu hiệu lắng dịu.
-------------------------
NATO “tố” Nga tập hợp quân sự nghiêm trọng ở biên giới Ukraina
Phát biểu với báo giới khi đến dự một cuộc họp với các Bộ trưởng Quốc phòng Liên minh châu Âu, ông Stoltenberg nói rằng, NATO đã nhìn thấy sự di chuyển quân đội, trang thiết bị, xe tăng, pháo và các hệ thống phòng không tiên tiến, cho thấy sự vi phạm rõ ràng thỏa thuận ngừng bắn.
"Chúng tôi thấy sự tập hợp quân sự của Nga ở khu vực biên giới ... Đây là một sự tập hợp quân sự nghiêm trọng và chúng tôi kêu gọi Nga rút các lực lượng của mình," ông Stoltenberg cho biết.
Nga phủ nhận cung cấp vũ khí hoặc lực lượng để hỗ trợ phe ly khai ở miền đông Ukraina. Một thỏa thuận ngừng bắn được ký tại Minsk hôm 5.9 nhưng các cuộc đụng độ lại bùng nổ giữa lực lượng ly khai và quân đội chính phủ trong thời gian gần đây.
Tuần trước, Nga cũng bác bỏ những cáo buộc tương tự của Tư lệnh quân đội NATO, Đại tướng Không quân Philip Breedlove. Ông Breedlove nói rằng, NATO phát hiện các thiết bị quân sự đến từ Nga trong khu vực do lực lượng ly khai kiểm soát ở miền đông Ukraina.
-------------------------
Cháy hộp đêm ở Campuchia, 5 người thiệt mạng
5 người thiệt mạng, trong đó có 1 người quốc tịch Úc trong vụ cháy do chập điện tại một hộp đêm ở Siêm Riệp (Campuchia), theo Cambodia Daily ngày 18.11.
Theo người đứng đầu sở cảnh sát Siêm Riệp Tith Narong, ngọn lửa bắt đầu từ trần nhà của hộp đêm Hip Hop Club vào khoảng 2 giờ 50 sáng ngày 18.11 và nhanh chóng lan rộng. 5 nạn nhân tử nạn gồm 3 phụ nữ và 1 người đàn ông Campuchia, cùng 1 người quốc tịch Úc.
2 phụ nữ Campuchia khác bị thương nặng, ông Narong cho biết thêm. Người đến hộp đêm Hip Hop Club thường là giới trẻ Campuchia.
Theo xác nhận của cảnh sát, nạn nhân người Úc tên là Tom Anthony Ricketson, 32 tuổi. 2 trong số 4 nạn nhân người Campuchia là Prum Phiron, 31 tuổi và Cheng Savien, 33 tuổi.
Hộp đêm này không có cửa sổ, chỉ có một cửa chính và rất nhiều dây điện trên trần nhà. Điều này làm trở ngại cho việc thoát hiểm. “Chúng tôi đã sử dụng đến 6 xe chữa cháy mới có thể dập được ngọn lửa vào 5 giờ sáng”- ông Narong cho biết.
-------------------------
Thủ tướng Abe công bố kế hoạch giải tán hạ viện
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng ông sẽ giải tán hạ viện, Kyodo News dẫn lời một quan chức của đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản ngày 18.11.
Tuyên bố được Thủ tướng Abe đưa ra trong cuộc họp với đảng Dân chủ Tự do của ông. Ông Abe dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp báo ngắn để giải thích quyết định của mình và tổ chức một cuộc tổng tuyển cử vào ngày 14.12.
Quan chức Nhật Bản cho biết Thủ tướng Shinzo Abe và Bộ trưởng Tài chính Taro Aso đã nhất trí hoãn việc tăng thuế tiêu dùng theo kết hoạch 18 tháng đến tháng 4.2017.
Trước đó, ngày 9.11 khi phát biểu trước báo giới tại sân bay Haneda ở thủ đô Tokyo trước khi rời đi Bắc Kinh tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), ông Abe nói: "Tôi hoàn toàn không tính tới việc giải tán hạ viện”, theo Kyodo News.
Giới phân tích nhận định Thủ tướng Abe kêu gọi bầu cử trước thời hạn sau khi công bố hoãn thực hiện tăng thuế tiêu dùng nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri đối với các cải cách kinh tế của ông.
-------------------------
Quân đội Myanmar phản đối thay đổi hiến pháp
Đại diện phe quân đội ở Myanmar đã lên tiếng phản đối việc sửa đổi hiến pháp trong cuộc tranh luận tại quốc hội. Nếu sửa đổi, hiến pháp sẽ dọn đường cho lãnh đạo đối lập bà Aung San Suu Kyi trở thành tổng thống, theo AFP ngày 18.11.
Bà Suu Kyi từng bị chính quyền quân sự quản chế 15 năm và là biểu tượng dân chủ ở Myanmar. Phe quân đội không muốn bà Suu Kyi trở thành tổng thống.
Khoản f điều 59 trong hiến pháp Myanmar cấm bất kỳ ai có vợ chồng hay con cái là công dân nước ngoài được tranh cử tổng thổng. Trong khi đó, người chồng quá cố và hai con trai của bà Suu Kyi đều là công dân Anh.
Hiến pháp cũng cho phép phe quân đội được quyền bác bỏ việc sửa đổi các điều khoản trong hiến pháp. Cuộc tranh luận tại quốc hội lần này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của đất nước Myanmar sau cuộc bầu cử quan trọng sẽ diễn ra vào năm 2015.
“Tôi muốn các bạn phải nhớ rằng hiến pháp được viết cho tương lai của tất cả mọi người chứ không chỉ cho riêng ai”, đại tá Htay Naing phát biểu trước quốc hội hôm 17.11. Ông cũng thêm rằng nếu tổng thống có con cái là công dân nước ngoài thì đó sẽ điều phải lo lắng.
Những tướng lĩnh quân đội không được dân bầu hiện đang chiếm khoảng 25 % số ghế trong quốc hội Myanmar. Việc này đảm bảo rằng quân đội vẫn tiếp tục nắm quyền sau khi chính quyền quân sự giải thể vào năm 2011.
Theo điều 436 trong hiến pháp Myanmar, bất kỳ thay đổi quan trọng nào trong hiến pháp cần phải được hơn 75% số phiếu ủng hộ. Quy định này cho phép phe quân đội có thể đưa ra quyết định cuối cùng.
Bà Suu Kyi đang là lãnh đạo đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD). Bà đã công khai tuyên bố muốn trở thành tổng thống. Trong năm 2014, NLD đã vận động được chữ ký ủng hộ của khoảng 5 triệu người, chiếm 1/10 dân số Myanmar. Những người đóng góp chữ ký ủng hộ việc chấm dứt quyền phủ quyết của phe quân đội đối với chuyện sửa đổi hiến pháp.
Phe quân đội đã phớt lờ những yêu cầu này. “Đây chưa phải là lúc để thay đổi điều khoản 436”, đại tá Htay Naing khẳng định.
Trong cuộc họp báo với Tổng thống Mỹ Obama hồi tuần trước, bà Suu Kyi cáo buộc quy định khiến bà không thể trở thành tổng thống là không công bằng, vô lý và phản dân chủ. Bà cũng đưa ra cảnh báo rằng những cải cách dân chủ đang được thế giới ca tụng ở Myanmar đang bị ngăn cản.
Bà Suu Kyi là nhà dân chủ nổi tiếng của Myanamar. Bà từng được trao tặng nhiều giải thưởng danh giá vì những nỗ lực đấu tranh của mình.
Năm 2007, bà được chính phủ Canada công nhận là công dân danh dự. Năm 2012, chính phủ Mỹ trao tặng bà Huân chương Vàng Quốc hội, một trong những giải thưởng cáo quý nhất của Mỹ.
Bà Suu Kyi được trao giải Nobel Hòa Bình vào năm 1991 nhưng không thể đến nhận vì bị chính quyền quân sự Myanmar giam lỏng vào thời gian đó.
-------------------------