Đài Loan đang cân nhắc triển khai tàu vũ trang đồn trú tại đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Reuters đưa tin ngày 16.10.
Reuters nhận định Ba Bình là hòn đảo duy nhất thuộc Trường Sa có kích thước đủ lớn để xây một cảng biển và Đài Loan hiện đang tiến hành hoạt động xây dựng phi pháp này. Đài Loan từng ngang nhiên tuyên bố cảng đang xây tại Ba Bình sẽ ra mắt vào cuối năm 2015 và tàu chiến có trọng tải lên đến 3.000 tấn có thể neo đậu tại đó.
Quan chức thuộc lực lượng tuần duyên Đài Loan đang giám sát phi pháp đảo Ba Bình, cũng như quan chức tại cơ quan phụ trách phòng vệ của vùng lãnh thổ này, nói với Reuters rằng cảng đang xây sẽ là nơi đồn trú thường trực của tàu chiến.
“Chúng tôi đang thảo luận về khả năng này”, ông Trần Vĩnh Khang, người đứng đầu lực lượng hải quân Đài Loan, cho biết, đồng thời xác nhận có biết đây là một “vấn đề rất nhạy cảm”.
Ông Thi Nhất Xa, phụ trách truyền thông lực lượng tuần duyên Đài Loan, nói: “Mục đích của hành động này (cho tàu chiến đồn trú vĩnh viễn tại Ba Bình) là nhằm phổ biến chủ quyền của Đài Loan và quảng bá sức mạnh trong việc bảo vệ lãnh thổ xung quanh đảo Ba Bình của chúng tôi”.
Trung Quốc, nước luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ đang chờ được thống nhất của mình và chưa từng loại trừ khả năng sẽ dùng vũ lực để cụ thể hóa điều này, đã lên tiếng ủng hộ kế hoạch của Đài Loan. Các chuyên gia bình luận rằng Trung Quốc thà để Đài Loan kiểm soát Ba Bình, còn hơn để hòn đảo này rơi vào tay nước khác trong bối cảnh mục tiêu cuối cùng của Bắc Kinh là sẽ sáp nhập Đài Loan vào lãnh thổ của mình.
Việt Nam đã nhiều lần và liên tục lên tiếng phản đối các hành động chiếm đóng trái phép, thay đổi hiện trạng các đảo trong quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam.
-----------------------
Nhật Bản phủ nhận cho vay 2 tỉ USD với dự án sân bay Long Thành
Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam khẳng định thông tin Nhật Bản có thể cho vay 2 tỉ USD để thực hiện dự án sân bay Long Thành là không chính xác.
Trả lời Thanh Niên Online chiều 17.10, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Hiroyuki Hayashi cho biết, thông tin về việc Nhật Bản có thể cho vay khoảng 2 tỉ USD nếu Việt Nam thực hiện dự án Long Thành là không chính xác. Ông Hiroyuki Hayashi khẳng định phía Nhật chưa có quyết định chính thức nào liên quan đến vấn đề nêu trên.
Trước đó, tại buổi tọa đàm “Dự án Long Thành: Cơ hội và thách thức” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng nay 17.10, liên quan đến nguồn vốn vay ODA cho dự án Long Thành, ông Phạm Quý Tiêu, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, trong lúc khó khăn, tìm ra được 1 dự án có hiệu quả vẫn cần phải làm.
“Tại sao đặt vấn đề ODA và trái phiếu Chính phủ, vì đến nay riêng hàng không dân dụng thì hạ tầng cơ sở gồm đường băng, đường lăn, sân đỗ chưa nhà đầu tư nào quan tâm đầu tư theo hình thức BOT và PPP. Chính phủ quyết định phần hạ tầng và cơ sở để đảm bảo khẩn nguy an toàn hàng không thì phải có ODA, đã được cam kết giữa hai Thủ tướng Việt Nam - Nhật Bản vào cuối 2013, họ quan tâm và cam kết sẽ dành 2 tỉ USD cho cái này, nhưng từ nay đến đó chúng ta phải đàm phán rất nhiều”, ông Tiêu nói.
-----------------------
Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới kinh tế với 56 đối tác
Sáng 16.10 (giờ địa phương), tại Trung tâm Hội nghị thành phố Milan (Italia) đã diễn ra cuộc đối thoại giữa các đại biểu tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Á-Âu (AEBF) lần thứ 14 với các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 10 (ASEM 10). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và phát biểu tại hội nghị. Với chủ đề “Tăng cường quan hệ doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế Á-Âu”, diễn đàn có sự tham dự của khoảng 800 đại diện của các tập đoàn hàng đầu ở hai châu lục.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những đề xuất thiết thực của các DN và đề nghị các DN tiếp tục cùng triển khai mạnh mẽ các chương trình hành động của ASEM nhằm thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, hỗ trợ các thành viên đang phát triển trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, thông qua các chương trình đối tác công - tư để góp phần đổi mới và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ xanh, sạch, xây dựng thói quen tiêu dùng, phương thức sản xuất thân thiện với môi trường.
Thủ tướng nhấn mạnh triển vọng hình thành các tầng nấc liên kết kinh tế mới ở Châu Á và đề nghị các DN Á-Âu cần nắm bắt các thời cơ mới, để cùng triển khai các dự án kết nối ở Châu Á, đặc biệt là Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN, các dự án kết nối của ASEAN lục địa và tiểu vùng Mekong. Thủ tướng khẳng định VN đang tiếp tục đổi mới sâu sắc, triển khai mạnh mẽ tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Với hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện trên mọi tầng nấc, VN không chỉ trở thành một hạt nhân tích cực ở Đông Nam Á, mà còn là cầu nối gắn kết các nền kinh tế ASEAN lục địa với ASEAN hải đảo. Hầu hết các đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của VN là các thành viên ASEM. Với triển vọng triển khai và hoàn tất 14 hiệp định thương mại tự do trong giai đoạn đến năm 2020, trong đó có Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam - EU đang trong giai đoạn hoàn tất, VN sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 56 đối tác, trong đó có 47 nước thành viên ASEM.
Đây là những nền tảng căn bản để VN nâng tầm đóng góp vào liên kết Á-Âu và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra những cơ hội mới, to lớn cho các DN hai châu lục đầu tư và kinh doanh ở VN.
-------------------------
Trung Quốc nói muốn xử lý thỏa đáng các khó khăn phát sinh trong quan hệ với Việt Nam
Bên lề Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 10 (ASEM 10) tại Milan của Italy, ngày 16.10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam quý trọng giữ gìn và mong muốn củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống và tăng cường hợp tác toàn diện giữa hai nước phát triển lành mạnh, ổn định.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên duy trì gặp gỡ và tiếp xúc cấp cao để tăng cường tin cậy, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực; đồng thời kịp thời chỉ đạo giải quyết thỏa đáng các vấn đề nảy sinh trong quan hệ hai nước; sớm tổ chức Phiên họp lần thứ bảy Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc.
Hai bên nhất trí triển khai thực chất 03 nhóm công tác hợp tác về xây dựng cơ sở hạ tầng, hợp tác về tiền tệ và bàn bạc hợp tác cùng phát triển trên biển trong khuôn khổ đoàn đàm phán cấp chính phủ về biên giới lãnh thổ hai nước.
Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đề nghị hai bên kiểm soát tốt tình hình trên biển, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, thúc đẩy các cơ chế đàm phán tiến triển, nghiêm túc thực hiện Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc; tôn trọng luật pháp quốc tế, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định Đảng, Chính phủ Trung Quốc luôn kiên trì phương châm láng giềng hữu nghị, hợp tác cùng có lợi với Việt Nam, luôn mong muốn xử lý thỏa đáng các vấn đề khó khăn phát sinh trong quan hệ hai nước, cùng thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển lành mạnh, ổn định.
Thủ tướng Lý Khắc Cường đã phản hồi tích cực đối với những đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường quan hệ hai Đảng, hai nước thời gian tới
-------------------------
Hiệp hội vận tải xin lỗi Thủ tướng và CA Hải Phòng vì kiến nghị thiếu căn cứ
Sáng nay 17-10, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam (VATA) đã có văn bản số 082 đính chính văn bản 080 về việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an lập chuyên án điều tra Công an Hải Phòng “bảo kê” cho xe quá tải của Cty Trung Thành, một doanh nghiệp vận tải trên địa bàn Hải Phòng.
Văn bản kiến nghị 080 này do ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch VATA ký và đăng công khai trên trang web của VATA tại địa chỉ hiephoivantaioto.vn .
Theo đó, VATA xin nhận lỗi trước Thủ tướng Chính phủ về những kiến nghị chưa đầy đủ căn cứ và chưa chính xác. VATA cũng xin lỗi Công ty Trung Thành (Cty TNHH TMVT Trung Thành) và các cơ quan chức năng, trong đó có Công an Hải Phòng vì sự việc này đã gây tổn hại tới uy tín của doanh nghiệp và các cơ quan chức năng.
Theo lý giải của VATA về nguyên nhân khiến hiệp hội “vội vàng” kiến nghị trong văn bản số 080/HHVT-TV ngày 9-10 là “Do bức xúc với vấn nạn xe quá tải gây mất trật tự an ninh, mất an toàn giao thông và phá hoại cấu kết đường bộ…”; đồng thời, VATA cũng chưa tìm hiểu đầy đủ thực tế và dư luận nên kiến nghị tại văn bản số 080 đã có những điểm chưa chính xác.
Trước đó tại văn bản số 080/HHVT-TV, VATA đã “tố” các cơ quan chức năng, trong đó có Công an Hải Phòng “bảo kê” cho doanh nghiệp chở quá tải là Công ty Trung Thành. Công văn nêu rõ, Cty Trung Thành hoạt động vận tải cạnh tranh không lành mạnh, có biểu hiện tranh cướp chủ hàng, coi thường các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ trên đường, thường xuyên chở quá tải, tổ chức chống đối các lực lượng thực thi pháp luật. “Theo dư luận từ Hải Phòng, Công ty Trung Thành lộng hành như vậy là do có sự bảo kê từ các cơ quan chức năng, trong đó có Công an TP Hải Phòng”, văn bản của VATA dẫn chứng. Cùng với đó, VATA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an lập chuyên án để điều tra làm rõ cơ quan “bảo kê” cho Công ty Trung Thành và có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
Sáng ngày 17-10, một lãnh đạo CA TP Hải Phòng cho biết vừa mới biết thông tin VATV cải chính và xin lỗi về thông tin công bố trong kiến nghị Thủ tướng Chính phủ của họ trước đó. “Tuy nhiên, CA TP Hải Phòng vẫn tiếp tục điều tra, xác minh xem có hay không chuyện “bảo kê” cho việc chở quá tải trong lực lượng”, vị lãnh đạo này cho biết.
* Sáng cùng ngày (17-10), Thanh tra Sở GTVT Hải Phòng cũng đã tiến hành thanh kiểm tra đối với công ty Trung Thành theo kiến nghị trước đó của liên ngành Công an – Sở GTVT Hải Dương về vụ việc tại trạm cân Phú Thái (Kim Thành – Hải Dương) rạng sáng ngày 13-9, có liên quan đến một số xe vận tải của Cty Trung Thành (Pháp Luật TPHCM đã thông tin trong số báo ngày 17-10).
Thanh tra Sở GTVT đã công bố quyết định thanh kiểm tra, đồng thời tiếp nhận hồ sơ từ công ty Trung Thành theo quy định. Nội dung thanh kiểm tra tập trung vào điều kiện kinh doanh vận tải container như: trụ sở doanh nghiệp, phòng cháy chữa cháy, bến bãi, quản lý điều hành, công tác an toàn giao thông, hệ thống xe cộ…
---------------------