Trung Quốc khai thác thương mại một mỏ dầu trên Biển Đông
Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) ngày 13/10 công bố đã bắt đầu hoạt động khai thác thương mại tại mỏ dầu Enping 24-2 (Ấn Bình 24-2) tại khu vực cửa khẩu sông Châu Giang trên Biển Đông.
Thông tin được CNOOC đăng tải trên website chính thức của mình. Theo đó hoạt động khai thác được thực hiện ở độ sâu trung bình từ 86-96m, với một giàn khoan khai khác, một kho nổi cùng 17 giếng khai thác.
Hai giếng hiện đang cho sản lượng khoảng 8000 thùng dầu thô mỗi ngày, và dự kiến phải tới năm 2017, mỏ Ấn Bình 24-2 mới đạt sản lượng đỉnh vào khoảng 40.000 thùng/ngày.
Hồi tháng 8, CNOOC, vốn nắm 100% cổ phần tại Ấn Bình 24-2, khẳng định sẽ không thay đổi mục tiêu sản xuất 422-435 triệu thùng dầu trong năm nay.
CNOOC chính là tổng công ty của Trung Quốc đứng đằng sau vụ đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam hồi tháng 5.
Đến tháng 9 vừa qua, CNOOC tuyên bố Hải Dương 981 phát hiện mỏ khí lớn có tên Lingshui 17-2, nằm cách đảo Hải Nam 150km về phía Nam, và ở độ sâu 1500m dưới mực nước biển.
-------------------------
18.500 tỉ đồng đền bù để xây sân bay Long Thành
Ngày 15-10, Bộ Giao thông vận tải cho biết báo cáo đầu tư dự án xây dựng sân bay Long Thành đã có phương án tổng thể giải phóng mặt bằng nêu chi tiết về hiện trạng sử dụng đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ, công tác tái định cư và chuyển đổi việc làm, phân bổ nguồn kinh phí.
Trong đó, giải phóng mặt bằng toàn bộ 5.000ha sẽ được thực hiện trong giai đoạn 1 của dự án, chia thành 2 phân kỳ.
Phân kỳ 1 có diện tích 2.565,4ha sẽ được giải tỏa ngay để xây dựng công trình trong giai đoạn 1a.
Ở phân kỳ 2, phần diện tích còn lại 2.434,6ha, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai xem xét cho phép người dân địa phương tiếp tục canh tác ngắn ngày cho giai đoạn cuối của Dự án, tránh để lãng phí đất.
Tổng kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư cho dự án khoảng 18.500 tỉ đồng.
-------------------------
'Siêu' máy bay của Airbus sắp về Việt Nam
Hãng sản xuất máy bay Airbus đang hoàn thiện dòng Airbus thế hệ mới A350-900 phiên bản thân rộng, chịu được các điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất, với nội thất hiện đại và nhiều tính năng tại nhà máy ở Toulouse (Pháp) để sớm bàn giao cho Vietnam Airlines.
Ông Fabrice Brégier, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Airbus cho biết, A350-900 được phát triển dựa trên những kinh nghiệm tối ưu từ thế hệ trước là A380. Cụ thể, thân máy bay cực rộng giúp tiết kiệm nhiên liệu đáng kể so với các máy bay cùng kích cỡ hiện có (tiết kiệm đến 25% nhiên liệu). Máy bay có hệ thống chống sét tối ưu, bảo đảm an toàn trong quá trình khai thác. Mỗi chiếc máy bay chở được trên 300 hành khách, ghế hạng C được thiết kế sole hình xương cá có thể ngả phẳng 180 độ thành giường nằm. Đặc biệt, máy bay cung cấp dịch vụ wifi với màn hình giải trí lớn.
Được biết, dòng máy bay A350 đã nhận được 742 đơn đặt hàng từ 38 hãng hàng không trên thế giới. Cuối năm 2014, Airbus sẽ bàn giao chiếc đầu tiên cho hãng hàng không Qatar Airways, chiếc A350 của Việt Nam là chiếc A350 thứ 14 mà Airbus chế tạo và là chiếc thứ hai được bàn giao.
Việc nhập về máy bay A350 nằm trong chiến lược thay toàn bộ đội bay thân rộng trong vòng hơn 3 năm (2015 - 2019) của Vietnam Airlines, nhằm mục tiêu trở thành hãng hàng không 4 sao vào năm 2015 và là 1 trong 10 hãng hàng không được ưa chuộng nhất ở châu Á về dịch vụ vào năm 2020.
Ngoài A350, Vietnam Airlines cũng sẽ nhận thêm 19 tàu bay Boeing 787. Riêng năm 2015, hãng sẽ tiếp nhận tổng cộng 4 máy bay A350 và 5 máy bay Boeing 787. Các dòng máy bay này sẽ được sử dụng trên các đường bay dài, xuyên lục địa, khai thác đến các điểm mới ở châu Âu, Bắc Mỹ…
-------------------------
Iran sẽ tích cực ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Bảo an
Theo Văn phòng Chính phủ, tối 15/10 (giờ địa phương), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam đã rời Thủ đô Tehran, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Cộng hòa Hồi giáo Iran từ 13- 15/10 với nhiều kết quả cụ thể và tích cực, đóng góp quan trọng vào mối quan hệ Việt Nam-Iran trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội kiến với Phó Tổng thống thứ nhất Iran Eshaq Jahangiri.
Trong thời gian thăm và làm việc tại Iran, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội kiến với Phó Tổng thống thứ nhất Iran Eshaq Jahangiri, hội đàm chính thức với Phó Tổng thống phụ trách các vấn đề hành pháp Mohammad Shariatmadari.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng có các buổi tiếp xúc và làm việc với Cố vấn đối ngoại của Lãnh tụ tối cao Ali Velayati; Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif và Bộ trưởng Công nghiệp, Mỏ và Thương mại Iran M. Reza Nematzadeh.
Về chính trị, ngoại giao, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao; duy trì mối liên hệ thường xuyên giữa các Bộ, ngành hai nước, đẩy mạnh quan hệ quốc hội và giao lưu nhân dân. Các lãnh đạo của Iran đều rất mong muốn có cơ hội thăm Việt Nam và mong được đón lãnh đạo cấp cao ta sang thăm. Hai bên khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và đa phương.
Các nhà lãnh đạo Iran cho biết sẽ tích cực việc ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và đề nghị ta ủng hộ Iran gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác với ASEAN.
Về các lĩnh vực hợp tác song phương khác, hai bên nhất trí cần sớm tiến hành cuộc họp lần thứ chín Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Iran để rà soát hiệu quả hợp tác trong thời gian qua, đề ra các phương án tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới. Hai bên nhất trí các lĩnh vực ưu tiên hợp tác gồm thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, nông nghiệp, năng lượng, du lịch... phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai nước lên mức cao gấp nhiều lần hiện nay để tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của hai bên.
Trong các cuộc hội đàm và tiếp xúc, hai bên bày tỏ quan tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại, khoa học công nghệ, nông nghiệp, giáo dục…; tăng cường sự phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế; tăng cường hoạt động của Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Iran; xúc tiến xây dựng phương thức trao đổi thương mại hàng đổi hàng.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến lễ ký kết 5 văn kiện hợp tác: Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; Thỏa thuận hợp tác và tương trợ hành chính trong lĩnh vực hải quan; Bản ghi nhớ về hợp tác công nghệ, nghiên cứu và giáo dục; Biên bản làm việc phiên họp lần thứ nhất của Nhóm công tác về trao đổi thương mại Việt Nam-Iran; Bản ghi nhớ hợp tác giữa Phòng Công nghiệp và Thương mại hai nước.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự và phát biểu khai mạc Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam- Iran tổ chức tại Thủ đô Tehran. Tham gia diễn đàn có đông đảo các doanh nghiệp Việt Nam và Iran. Hai bên đã trao đổi thông tin, thảo luận các biện pháp, cơ chế phù hợp đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa hai nước.
-------------------------
Phó Thủ tướng thị sát công trình luồng tàu biển sông Hậu
Ngày 15/10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thị sát, đôn đốc triển khai thực hiện dự án công trình luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, Trung tâm điện lực Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
Báo cáo tại công trường, Bộ GTVT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, đến nay dự án luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu đã triển khai đồng loạt 4/7 gói thầu thi công chính.
Trung tâm Điện lực Duyên Hải cũng đã cơ bản hoàn thành các hạng mục thuộc dự án cơ sở hạ tầng như đường giao thông vào công trường, đảm bảo điện, cấp nước cho thi công công trình.
Dự án Nhà máy nhiệt điện Duyên hải I, gồm 2 tổ máy công suất 2x622,5MW được khởi công xây dựng từ 2010, đã bước vào giai đoạn chuẩn bị đưa vào vận hành, hòa đồng bộ Tổ máy số 1. Công tác thương mại, thu xếp vốn được đảm bảo, chuẩn bị các điều kiện sản xuất, vận hành theo kế hoạch đề ra từ cuối tháng 12/2014.
Nhà máy Duyên Hải 3 đã cơ bản hoàn thành phần san lấp mặt bằng, xử lý nền và đang tập trung công tác lắp đặt, Nhà máy Duyên Hải 3 mở rộng đang triển khai đấu thầu, thương thảo lựa chọn nhà thầu thi công gói EPC. Riêng Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 2 triển khai theo mô hình BOT,
Dự án cảng biển Trung tâm Điện lực Duyên Hải đang triển khai đồng thời các bến, nhà vận hành, tháp chuyển tiếp than, đê chắn sóng, nạo vét luồng chung với tiến độ dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2015. Tuy nhiên, cầu cảng được đẩy sớm thời điểm kết thúc (tháng 11/2014) để đáp ứng tiến độ nhập than, dầu cho Nhà máy nhiệt điện Duyên hải 1.
Vướng mắc trong tiến độ xây dựng của các dự án hiện nay chủ yếu xoay quanh vấn đề thu xếp vốn, hạ tầng đi kèm, một số thủ tục trong đầu tư, cung cấp vật liệu ở một số hạng mục các dự án...
Giao ban công trường, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của cụm dự án công nghiệp có quy mô rất lớn của ĐBSCL, có vai trò động lực, thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ và nhất là cung cấp điện năng đối với khu vực miền Nam cũng như tỉnh Trà Vinh.
Phó Thủ tướng chỉ rõ một số vấn đề cần lưu ý để 2 dự án được triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch, nhất là khi hoàn thành, đưa vào vận hành một loạt dự án, hạng mục vào cuối 2014 và năm 2015.
Về dự án luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu, do tiến độ thời gian qua có dấu hiệu chậm hơn so với yêu cầu đề ra, Bộ GTVT, Cục Hàng hải cần tập trung rà soát nguyên nhân, xây dựng lại kế hoạch thực hiện để yêu cầu chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu tập trung nhân lực, vật lực đẩy mạnh thi công, đồng thời ưu tiên vốn cho những hạng mục quan trọng .
Tỉnh Trà Vinh khẩn trương giải quyết triệt để những vướng mắc, tồn tại đối với mặt bằng thi công, làm việc với các địa phương liên quan xem xét phương án tăng khả năng cung cấp vật liệu phù hợp, đúng quy định.
Đối với dự án Trung tâm Điện lực Duyên Hải và các dự án liên quan, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với Bộ GTVT, địa phương xây phương án phối hợp thi công đồng bộ để đạt được lợi ích kinh tế tốt nhất, đảm bảo an ninh, an toàn công trường, đôn đốc các vấn đề thủ tục liên quan đến các dự án nhiệt điện trong Trung tâm, nhất là dự án điện BOT Duyên Hải 2.
-------------------------------