Ngày 11.12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã trả lời câu hỏi của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam và một số hãng thông tấn báo chí khác đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước văn kiện lập trường ngày 7.12.2014 của Chính phủ Trung Quốc về vụ kiện trọng tài Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Một lần nữa, Việt Nam tuyên bố có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các quyền và lợi ích pháp lý khác của Việt Nam ở Biển Đông. Lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng nước phụ cận cũng như yêu sách “các quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với vùng nước, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển bên trong “đường đứt đoạn” do Trung Quốc đơn phương đưa ra”.
Trả lời câu hỏi đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam đối với vụ kiện trọng tài Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định: “Để bảo vệ các quyền và lợi ích pháp lý của mình ở Biển Đông có thể bị ảnh hưởng bởi vụ kiện trọng tài Biển Đông, Việt Nam đã bày tỏ với Tòa trọng tài lập trường, quan điểm của mình đối với vụ kiện và đề nghị Tòa trọng tài quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý đó của Việt Nam”.
Đó là phản ánh của đại biểu (ĐB) Tô Thị Bích Châu trong phiên thảo luận chung tại kỳ họp HĐND TP.HCM hôm qua 10.12. Bà Châu (vừa được bầu làm Trưởng ban Văn hóa - Xã hội) thẳng thắn đề cập đến những nỗi khổ của doanh nghiệp (DN) trong việc nộp thuế.
“Sự than phiền về thuế còn nhiều. DN rất ngại gặp cán bộ, đơn vị thuế vì nghe đến thuế là sợ lắm. Họ nhận giấy mời của thuế mà sợ như nhận giấy triệu tập của công an”, bà Châu nói và đề nghị: “Phải nhìn thẳng vào vấn đề để có giải pháp chấn chỉnh hữu hiệu”.
Được mời lên giải trình, ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục Thuế TP, nói: “Cục Thuế TP thường xuyên phối hợp với UBND các quận, huyện tổ chức tiếp xúc, đối thoại với DN, người dân nộp thuế để phổ biến, hướng dẫn, giải thích vướng mắc về các chính sách thuế sửa đổi, bổ sung”. Ông Tấn cho rằng đối với các DN chưa nộp tiền thuế hoặc nộp chậm trễ, khi được mời lên thì họ không vui, có DN chưa nắm được các chính sách đổi mới nên thấy khó khăn.
Tăng cường thanh tra công vụ, xử lý nghiêm hành vi “hành” dân
ĐB Trần Ngọc Hưng bày tỏ bức xúc về tình trạng lạm dụng sao y, chứng thực khiến cả xã, phường lẫn người dân đều khổ mà Thanh Niên vừa phản ánh qua bài Cán bộ phường mỗi ngày… 1.000 chữ ký.
“Tại sao thời gian giải quyết hồ sơ được rút ngắn mà người dân vẫn bức xúc. Phải chăng khâu tiếp nhận hồ sơ rất nhiêu khê, cán bộ tiếp nhận yêu cầu phải bổ túc hồ sơ rất nhiều lần thì mới cho là hợp lệ”, ông Hưng đặt vấn đề và đề nghị phải tăng cường thanh tra công vụ, xử lý nghiêm hành vi “hành” dân.
Theo ĐB Trần Quang Thắng, việc giải quyết quy hoạch treo “gian lao vô cùng” nhưng cần phải quyết liệt hơn nữa vì vấn đề này vẫn đang gây bức xúc cho người dân. ĐB Lê Thị Ngọc Thanh nêu lên “một bức xúc không mới nhưng rất là lớn”. Đó là tình trạng thiếu trường lớp. Riêng tại Q.12 có nơi học sinh bậc tiểu học học ghép với học sinh bậc trung học. Có đến 43.000/57.000 hộ dân đô thị của Q.12 nhiều năm qua chưa được dùng nước sạch. “Đây là những vấn đề sát sườn đối với người dân. Cần sớm giải quyết chứ tiếp xúc cử tri lần nào bà con cũng kêu”, bà Thanh nói.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng những việc gì các sở ngành đã hứa với cử tri thì nhất quán triển khai và phải đảm bảo mang lại hiệu quả. Bà Tâm cũng đồng tình cần phải chấm dứt ngay tình trạng gây phiền hà người dân, DN “vì đó là yêu cầu của cử tri và cũng là yêu cầu của sự phát triển”.
Chiều cùng ngày, các ĐB lấy phiếu tín nhiệm đối với 18 chức danh do HĐND TP bầu. Kết quả, người có phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất là Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Quyết Tâm (73/90 phiếu); người có phiếu tín nhiệm cao ít nhất là ủy viên UBND TP, Giám đốc Sở KH-ĐT Thái Văn Rê (33 phiếu). Ông Rê cũng là người có phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất với 14 phiếu.
Hôm nay, kỳ họp tiếp tục với phần chất vấn Giám đốc Sở GTVT, Sở TT-TT. Chủ tịch và các phó chủ tịch UBND TP cũng sẽ tham gia giải trình về các vấn đề ĐB đã bức xúc phản ánh.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Đồng Nai
HĐND tỉnh Đồng Nai hôm qua lấy phiếu tín nhiệm đối với 14 chức danh chủ chốt do HĐND tỉnh bầu. Kết quả, ông Trần Văn Tư, Chủ tịch HĐND, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy có phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất với 71/74 phiếu. Người có phiếu tín nhiệm cao thấp nhất là ông Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc Công an tỉnh với 43/74 phiếu. Ông Khánh cùng với bà Bồ Ngọc Thu, Giám đốc Sở KH-ĐT, cũng là hai người có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất (10/74 phiếu).
------------------------
Kiến nghị Thủ tướng thành lập Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM
Ngày 10.12, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (100% vốn nhà nước, tên viết tắt tiếng Anh là HURC1) để thành phố có thể chuẩn bị tốt cho công tác tiếp nhận dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên dự kiến hoàn thành vào năm 2019 và đưa vào khai thác vận hành năm 2020.
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín, biên bản thảo luận ký kết ngày 26.11.2006 giữa Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và Chính phủ (là cơ sở để hai bên đàm phán, ký Hiệp định vay vốn ODA cho dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1), trong đó có nội dung: Ít nhất 3 năm trước khi vận hành, sẽ thành lập một đơn vị/công ty vận hành và bảo dưỡng. Đây là một trong những điều kiện ràng buộc giữa hai bên để Nhật Bản ký kết Hiệp định cho vay vốn ODA ưu đãi để thực hiện dự án.
Ngoài yêu cầu theo cam kết với nhà tài trợ, việc sớm thành lập công ty sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc phối hợp đơn vị tư vấn xây dựng kế hoạch tuyển dụng nhân sự phù hợp công tác đào tạo, chuyển giao công nghệ…; hoàn thiện bộ máy tổ chức, nhân lực tiếp nhận dự án hoàn thành, là tiền đề cho việc quản lý vận hành các tuyến đường sắt đô thị tiếp theo trong hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM.
Ngành nghề kinh doanh chính của HURC1 là cung cấp dịch vụ công ích vận tải hành khách công cộng bằng tàu điện ngầm. Bên cạnh đó, HURC1 còn có các loại hình kinh doanh khác như: dịch vụ phục vụ hành khách, quảng cáo, dịch vụ vận chuyển kết nối, bãi giữ xe…. (khai thác bù đắp chi phí hoạt động kinh doanh chính).
Vốn điều lệ của HURC1 giai đoạn 2014 - 2017 là 14 tỉ đồng, giai đoạn từ 2018 tăng lên 16.788 tỉ đồng.
------------------------
Quảng Ngãi: Cấp vốn vay đóng tàu hậu cần nghề cá vỏ thép đầu tiên
Sáng 10.12, dự án đóng tàu vỏ thép dịch vụ hậu cần nghề cá của ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có được hợp đồng tín dụng, cấp vốn vay.
Đây là hợp đồng vay vốn ưu đãi theo Nghị định 67 của Chính phủ để phát triển thủy sản được triển khai đầu tiên tại Quảng Ngãi.
Tàu vỏ thép dịch vụ hậu cần nghề cá của Công ty CP thủy sản Lý Sơn được Trung tâm tư vấn thiết kế và đăng kiểm nghề cá thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) phê duyệt thiết kế, với chiều dài 45,6 m, rộng 7,5 m, cao 4,2 m, mớn nước 3 m, tốc độ 12 hải lý/giờ, công suất 938 CV.
Tàu có bể nuôi cá sống, xưởng sơ chế phân loại sản phẩm, hầm lạnh đạt tiêu chuẩn, chở được 50 tấn nhu yếu phẩm cung cấp cho các tàu khai thác thủy sản tại ngư trường xa bờ, đồng thời chở được 680 tấn thủy sản từ ngư trường xa bờ về đất liền tiêu thụ.
Đây là tàu dịch vụ hậu cần nghề cá bằng vỏ thép đầu tiên trên địa bàn Quảng Ngãi, đang được đóng tại Công ty CP cơ khí đóng tàu thủy sản Việt Nam. Dự kiến, tháng 5.2015, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá này sẽ đi vào hoạt động.
Được biết, Agribank Quảng Ngãi là ngân hàng cấp vốn cho dự án (hơn 20 tỉ đồng).
Ngoài tàu dịch vụ hậu cần nghề cá bằng vỏ thép, Công ty CP thủy sản Lý Sơn cũng đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt vay vốn ưu đãi theo Nghị định 67 (đợt 1.2014) để đóng tàu cá vỏ thép hành nghề vây đuôi, với số vốn đầu tư gần 16 tỉ đồng.
------------------------
Trung Quốc tìm 100 cô dâu Việt mất tích sau kết hôn
Cảnh sát Trung Quốc đang truy lùng trên 100 cô dâu Việt Nam biến mất sau khi kết hôn với những người đàn ông độc thân ở tỉnh Chiết Giang. Một đường dây tội phạm được cho là đứng sau vụ các cô dâu Việt đồng loạt biến mất này.
Những người đàn ông từ thành phố Cù Châu (Chiết Giang) được mai mối với các phụ nữ Việt thông qua Wu Meiyu, một cô dâu được cho là người Việt mặc dù có tên theo tiếng Trung sống tại thành phố này 20 năm, theo tờ China Daily (Trung Quốc) ngày 11.12.
Wu nhận số tiền tổng cộng trên 100.000 nhân dân tệ (16.000 USD) nhờ việc mai mối thành công cho những người đàn ông này, sau đó đã biến mất cùng với các cô dâu Việt, China Daily cho biết .
China Daily dẫn lời một quan chức địa phương giấu tên cho hay một đường dây tội phạm có thể đã đứng sau vụ trên 100 cô dâu mất tích cùng một lúc. “Với công nghệ thông tin liên lạc hiện đại ngày nay, tất cả các cô dâu có thể dễ dàng bỏ trốn cùng một lúc", vị quan chức trên nói.
Việc cưới vợ nước ngoài từ các quốc gia Đông Nam Á ngày càng trở nên phổ biến ở Trung Quốc, nơi có dân số mất cân bằng giới tính vì truyền thống trọng nam khinh nữ và chính sách kế hoạch hóa gia đình nước này.
Ở khắp Trung Quốc, cứ mỗi 100 bé gái sinh ra thì có 118 bé trai chào đời, AFP dẫn số liệu thống kê mới đây của chính quyền Trung Quốc.
Đàn ông Trung Quốc thường phải sở hữu một căn nhà, xe hơi và có tài sản mới có thể cưới được vợ và China Daily ước tính tổng chi phí cưới vợ ít nhất là 400.000 nhân dân tệ (65.000 USD).
Nhiều người đàn ông nghèo không có nhiều tiền và của cải nên không cưới được vợ trong nước, đành phải tìm vợ nước ngoài thông qua những công ty môi gới hôn nhân, dẫn đến tệ nạn buôn người ngày càng gia tăng, theo AFP.
----------------------------