Trung Quốc có thể đã bí mật thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông mà không công khai tuyên bố như từng làm ở biển Hoa Đông nhằm tránh sự phản đối từ các quốc gia khác, theo tạp chí quốc phòng Kanwa Defense Review.
Tạp chí quốc phòng Kanwa Defense Review (gọi tắt Kanwa, trụ sở ở Canada) cho biết chính quyền Trung Quốc đã lên kế hoạch thiết lập hai ADIZ ở biển Đông và Hoa Đông kể từ vụ việc đảo Hải Nam hồi 2001.
Khi đó một vụ va chạm trên không giữa chiếc máy bay do thám EP-3E ARIES II của Hải quân Mỹ và máy bay tiêm kích đánh chặn J-8II của Trung Quốc khiến phi công Trung Quốc thiệt mạng, theo trang tin Đài Loan Want China Times ngày 10.12.
Vào tháng 8 năm nay, máy bay săn ngầm P8 đã có một vụ “chạn trán” với chiến đấu cơ Trung Quốc J-11BH. Kanwa mô tả chiếc P8 bị J-11BH chặn ở cự ly gần, trong khi tạp chí quốc phòng IHS Jane's (Anh) cho rằng chiến đấu cơ Trung Quốc gây rối máy bay Mỹ.
Lầu Năm Góc đã công bố đoạn video cho thấy chiếc J-11BH chuyển hướng sang trái, bay trước mặt P8 khi cách máy này khoảng 10 m, rồi J-11BH bay nghiêng sang một bên để “khoe” vũ khí.
Vụ việc này diễn ra gần đảo Hải Nam của Trung Quốc và máy bay của Mỹ được cho là đang hoạt động trong vùng biển quốc tế. Nhưng Kanwa cho rằng Trung Quốc có thể đã lập ADIZ trên biển Đông nên mới xảy ra trường hợp điều J-11BH để chặn chiếc P8.
Theo nhận định của Kanwa, do Hội nghị thượng đỉnh APEC được tổ chức tại Bắc Kinh hồi tháng 11, nên chính quyền Trung Quốc quyết định trì hoãn không công khai tuyên bố đã thiết lập ADIZ trên biển Đông nhằm tránh sự phản đối của các quốc gia khác, nhất là những quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp trên biển Đông,
Hồi năm 2013, Bắc Kinh đã phải đối mặt với sự phản đối dữ dội từ cộng đồng quốc tế sau khi đơn phương tuyên bố thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông, chồng lấn ADIZ của Hàn Quốc và Nhật Bản. Trung Quốc còn buộc các máy bay phải thông báo lộ trình bay nếu bay qua ADIZ trên biển Hoa Đông, nếu không có thể bị bắn hạ.
Kanwa dự đoán Mỹ sẽ tăng cường các chuyến bay do thám trên biển Đông, gần Hải Nam trong tương lai. Hải Nam vốn là một căn cứ then chốt của quân đội Trung Quốc, nơi đồn trú của chiến đấu cơ J-11BH, JH-7 cũng như các khu trục hạm Loại 052C (Type 052C), tàu đổ bộ Loại 071 (Type 071) và tàu ngầm.
Phó Tổng giám đốc Cơ quan Hàng không Dân dụng Philippines John Andrews hồi tháng 10.2014 từng lên tiếng cảnh báo Trung Quốc đang mở rộng sự hiện diện quân sự trong khu vực và Bắc Kinh có thể thiết lập một ADIZ mới trên biển Đông.
Một quan chức an ninh cấp cao Philippines giấu tên cho hay Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam để có thể triển khai những chiến đấu cơ và các hạm đội tàu chiến nhằm thiết lập ADIZ trên biển Đông.
----------------------
Indonesia tăng chi quốc phòng trước sự bành trướng của Trung Quốc
Indonesia sẽ tăng chi phí quốc phòng lên 20 tỷ USD/năm vào năm 2019 nhằm bảo vệ chủ quyền trước sự bành trướng của Trung Quốc tại biển Đông, Reuters ngày 10.12 dẫn lời Cố vấn của Tổng thống Indonesia Joko Widodo.
Ông Luhut Panjaitan, cựu chỉ huy lực lượng đặc biệt của Indonesia cho biết Jakarta không có ý định sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh hải ở biển Đông và sẽ tiếp tục thúc đẩy đối thoại giữa Bắc Kinh và các bên liên quan.
Tuy nhiên, ông Luhut nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường quân sự nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, bao gồm quần đảo Natuna với 157 hòn đảo không người ở ngoài khơi bờ biển phía bắc đảo Borneo. Quần đảo này là nơi giàu dầu mỏ, khí đốt và cá, đồng thời có hệ sinh thái rất đa dạng.
Bắc Kinh và Jakarta từng thống nhất quần đảo này là một phần của tỉnh Riau, Indonesia. Tuy nhiên, Trung Quốc đã đưa ra yêu sách “đường 9 đoạn” (đường lưỡi bò) tuyên bố chủ quyền phi lý, chiếm khoảng 90% biển Đông, trong đó chiếm luôn một phần quần đảo Natuna và các phần lãnh thổ của một số nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), theo Reuters.
“Natuna là lãnh thổ của Indonesia. Cuộc thăm dò dầu khí chung với công ty Chevron của Mỹ là tín hiệu cảnh báo Trung Quốc rằng Bắc Kinh không thể giở trò ở đây vì còn có sự hiện diện của Mỹ”, Reuters dẫn lời ông Luhut phát biểu với Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trụ sở ở Washington, Mỹ.
Ông Luhut nói rằng Indonesia đóng vai trò duy trì sự cân bằng quyền lực ở châu Á và Jakarta dự tính sẽ chi 20 tỉ USD/năm cho ngân sách quốc phòng vào năm 2019 , tương đương với mức 1,5 % tổng sản phẩm quốc nội (GDP), theo Reuters.
Ông Luhut cho biết Chính phủ Indonesia cũng tăng cường lực lượng hải quân để kiểm soát vùng biển của mình một cách hiệu quả, đồng thời sẽ tăng thêm 2 phi đội máy bay vận tải C-130. Ông khẳng định đây là một phần quan trọng trong chiến dịch bảo vệ biên giới của Tổng thống Widodo.
Bên cạnh đó, các lực lượng đặc biệt của Indonesia sẽ tập trung vào cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Trung Đông, nơi có khoảng 300 công dân nước này đang tham chiến, Reuters dẫn lời ông Luhut.
------------------------
Đài Loan hỏi mua tàu chiến Mỹ mặc Trung Quốc làm khó
Cơ quan phòng vệ Đài Loan lên kế hoạch mua hai tàu khu trục của Mỹ, đồng thời bày tỏ hy vọng Washington sẽ không dao động trước sự phản đối của Bắc Kinh về thương vụ này, theo Reuters.
Người phát ngôn cơ quan phòng vệ Đài Loan David Lo cho biết hòn đảo này sẽ dành khoảng 176 triệu USD để mua hai tàu khu trục. Khoản tiền này chưa bao gồm những chi phí nâng cấp cần thiết khác. Ngoài ra, Đài Loan cũng sẽ xem xét nhu cầu để quyết định mua thêm hai tàu nữa, theo Reuters ngày 9.12.
"Ngân sách để mua hai tàu khu trục đã được thông qua", Reuters dẫn lời ông David Lo. Ông Lo cho biết Đài Loan hy vọng các tàu này có thể lập tức đi vào hoạt động. Người phát ngôn cơ quan phòng vệ Đài Loan cũng nói rằng: "Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ không chịu tác động trước những mối đe dọa từ phía Trung Quốc", theo Reuters.
Trước đó, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật cho phép bán 4 tàu hộ vệ tên lửa lớp Perry cho Đài Loan. Hạ viện Mỹ cũng từng thông qua 1 dự luật tương tự và bị Bắc Kinh lên tiếng phản đối hồi tháng 4, theo Reuters.
Ngày 8.12, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã phát biểu tại một cuộc họp báo rằng: “Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này và đã có các biện pháp phản đối với phía Mỹ. Chúng tôi hy vọng Quốc hội Mỹ sẽ ngăn chặn việc tiếp tục dự luật này. Hơn nữa, chúng tôi mong các quan chức mới của Washington sẽ ngăn chặn việc thực thi dự luật để tránh phương hại tới sự phát triển quan hệ 2 nước”.
Trên thực tế, việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan những năm gần đây đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Trung Quốc, theo Reuters.
Theo Đạo luật về quan hệ với Đài Loan, Mỹ có nghĩa vụ trợ giúp Đài Loan trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công. Đạo luật này có hiệu lực từ năm 1979 khi Washington cắt quan hệ ngoại giao chính thức với hòn đảo này để công nhận một nhà nước Trung Quốc.
Trong khi đó, từ năm 2008, Trung Quốc và Đài Loan đã ký kết một loạt các thỏa thuận kinh tế và thương mại mang tính bước ngoặt tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều ngờ vực về quân sự và chính trị giữa hai bên, theo Reuters..
------------------------
Nghi phạm gián điệp Trung Quốc bị bắt ở Mỹ
Một công dân Trung Quốc bị bắt ở Mỹ, sau khi cố gắng chuyển tài liệu mật về công nghệ quân sự của Washington về Bắc Kinh, Reuters dẫn lời các công tố viên Mỹ.
Người đàn ông quốc tịch Trung Quốc tên Yu Long bị cảnh sát bắt ở Ithaca, New York 2 ngày sau khi bị hải quan phát hiện các tài liệu nhạy cảm bao gồm các chương trình và kết quả thử nghiệm được sử dụng cho việc phát triển titanium để chế tạo các máy bay quân sự Mỹ tại sân bay quốc tế Newark Liberty ở New Jersey(Mỹ), theo Reuters ngày 9.12.
Giữa năm 2008 cho đến đầu năm nay, Yu Long làm việc trong vai trò một kỹ sư cao cấp có liên quan đến chương trình phát triển các động cơ F135 và F119 dùng cho các máy bay tiêm kích của Mỹ do Tập đoàn United Technologies sản xuất. Tuy nhiên, Yu Long không có vai trò tham gia vào công việc nghiên cứu của trung tâm United Technologies và bị đuổi việc hồi tháng 5.
Cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành, các công ty nơi người đàn ông này làm việc phối hợp với cơ quan điều tra và không đưa ra bất kỳ bình luận nào.
Trước đó, Yu Long đã bị hải quan phát hiện số tiền mặt 10.000 USD không được khai báo và bộ hồ sơ cho vị trí làm việc mới tại một tập đoàn của Trung Quốc cùng số tài liệu nói trên. Hiện Bắc Kinh chưa đưa ra phản ứng sau thông tin này.
Mỹ từ lâu đã ban hành lệnh cấm rò rỉ công nghệ và thông tin quốc phòng cho Trung Quốc. Các quan chức quốc phòng Mỹ lên tiếng cảnh báo những nỗ lực của Trung Quốc, Nga và các nước khác để tiếp cận công nghệ quân sự Mỹ thời gian gần đây, theo Reuters.
------------------------