Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, Đồng chí Lê Hồng Anh nhấn mạnh, phát huy tinh thần Chiến thắng Buôn Ma Thuột, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk xây dựng TP Buôn Ma Thuột ngày càng giàu mạnh, sớm trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên…
Sáng ngày 10/3, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột (10/3/1975 -10/3/2015).
Tham dự buổi lễ có đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên; Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, lão thành cách mạng cùng đông đảo quần chúng nhân dân tỉnh Đắk Lắk…
Đọc diễn văn tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo chính quyền nhân dân địa phương, ông Phạm Ngọc Nghị, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk khẳng định: Chiến thắng Buôn Ma Thuột là một chiến công rạng rỡ, oanh liệt trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, mở đầu cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Trong gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, lao động cần cù, sáng tạo giành được nhiều thành tựu to lớn, quan trọng trên các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, tạo ra thế và lực mới cho Đắk Lắk trên chặng đường phát triển tiếp theo.
Trong giai đoạn 2010-2014, quy mô, chất lượng nền kinh tế tiếp tục được nâng lên. Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt trên 31,4 triệu đồng, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tiến bộ, giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp phát triển khá, giữ vững vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế và đời sống nông thôn, góp phần chủ yếu trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Đặc biệt, tỉnh Đắk Lắk có trên 204.390ha cà phê, sản lượng mỗi năm đạt từ 450.000 tấn cà phê nhân trở lên, trở thành địa phương có diện tích, năng suất, sản lượng cà phê nhân nhiều nhất trong cả nước.
Phát biểu chúc mừng tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khẳng định: Chiến thắng Buôn Ma Thuột là trang sử hào hùng, một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện trí tuệ, bản lĩnh của con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, kết tinh những giá trị đẹp nhất của dân tộc.
“Sau 40 năm giải phóng, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã đoàn kết một lòng, luôn phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết nhất trí khắc phục mọi khó khăn, phát huy tốt các nguồn lực để giành được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực”.
Đồng chí Lê Hồng Anh nhấn mạnh, phát huy tinh thần Chiến thắng Buôn Ma Thuột, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk cùng với nhân dân cả nước tranh thủ thời cơ và thuận lợi để vượt qua khó khăn thách thức, xây dựng TP Buôn Ma Thuột ngày càng giàu mạnh, sớm trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của cả vùng và cả nước.
Nhân dịp này, tỉnh Đắk Lắk cũng đã vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất do Chủ tịch nước trao tặng; TP Buôn Ma Thuột đón Huân chương Độc lập hạng Ba.
Sáng cùng ngày, lãnh đạo Trung ương, địa phương cùng quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã đến dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh.
--------------------------
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: 'Phải lường hết khó khăn trong kỳ thi THPT quốc gia'
“Quá trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia phải lường hết các khó khăn và có phương án xử lý, không để bị động, không được chủ quan với mục tiêu đảm bảo tổ chức kỳ thi tốt nhất. Từ nay cho đến trước khi tổ chức kỳ thi, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục tiếp thu, điều chỉnh các quy định sao cho hợp lý nhất, tạo sự đồng thuận cao nhất trong nhân dân và toàn xã hội”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Chiều 9/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc, lắng nghe Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) báo cáo về công tác chuẩn bị kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo Bộ GD & ĐT…
Báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã nêu lên một số điểm mới trong kỳ thi năm nay. Cụ thể: sẽ có 38 cụm thi liên tỉnh (ít nhất 2 tỉnh, thành phố) dành cho các thí sinh thi tốt nghiệp THPT có nguyện vọng xét tuyển Đại học (ĐH), Cao đẳng (CĐ); các cụm thi tỉnh dành cho các thí sinh chỉ có nguyện vọng thi tốt nghiệp.
Việc tổ chức tại các cụm thi đều theo quy trình giống nhau. Thí sinh được xét công nhận tốt nghiệp phải thi 3 môn bắt buộc (Toán, Văn, Ngoại ngữ) và 1 môn tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Kết quả thi 4 môn tối thiểu đồng thời được sử dụng để xét tuyển vào các ngành phù hợp của các trường ĐH, CĐ.
Thí sinh có thể đăng ký thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển ĐH, CĐ. Riêng thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ đăng ký thi các môn phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ...
Đề thi trong kỳ thi THPT Quốc gia tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng kiến thức, các câu hỏi mở.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết tinh thần của quy chế thi, quy chế tuyển sinh là tạo thuận lợi tối đa cho học sinh, ngành giáo dục nhận khó khăn về phần mình. Việc xét tuyển ĐH, CĐ tôn trọng quyền được đi học, quyền được tuyển sinh của các cháu học sinh cũng như quyền tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ.
Đáng chú ý, đến nay đã có 125 trường ĐH, CĐ được Bộ GD&ĐT phê duyệt phương án tuyển sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT ở cả cụm thi tỉnh (vốn dành cho thí sinh chỉ có nguyện vọng thi tốt nghiệp) và cụm thi liên tỉnh; 300 trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp ở cụm thi liên tỉnh.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, việc tổ chức 1 kỳ thi THPT quốc gia không chỉ tiết kiệm kinh phí cho ngân sách trung ương, địa phương, các trường ĐH, CĐ mà lớn nhất là chi phí của từng gia đình học sinh cũng như toàn xã hội.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục phối hợp với các địa phương để tiến hành rà soát để việc tổ chức các cụm thi liên tỉnh (38 cụm) cũng như các cụm thi tại từng tỉnh sao cho phù hợp, tạo thuận lợi, giảm tối đa rủi ro trong quá trình đi thi của học sinh và gia đình; khẩn trương thông tin về cơ cấu đề thi, đưa mẫu đề để các trường, học sinh có thời gian chuẩn bị; quy định rõ ràng về việc cử cán bộ, giáo viên về trông thi, chấm thi tại cụm thi liên tỉnh, có cơ chế giám sát chéo; điều chỉnh quy định về việc nộp phiếu báo điểm thi để xét tuyển ĐH, CĐ bằng cả bản giấy lẫn qua mạng để tránh việc thí sinh đổ về các thành phố lớn nộp phiểu báo điểm trong các đợt tuyển sinh.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, công tác chuẩn bị đổi mới thi cử đã đáp ứng các yêu cầu cơ bản,tạo sự đồng thuận cao trong phương án tổ chức. Trong đó, học sinh và gia đình đã được tạo điều kiện tối đa, giảm tốn kém cho xã hội.
“Đổi mới trong kỳ thi THPT quốc gia đảm bảo các cháu đã học thì phải thi có chất lượng, kết quả học tập trung thực để làm căn cứ để xét tuyển ĐH, CĐ cũng như những cháu chỉ muốn tốt nghiệp THPT rồi đi làm việc. Ngay cả những cháu ban đầu chỉ muốn thi tốt nghiệp nhưng sau đó lại có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ thì chúng ta cũng không được bỏ sót.
Đồng thời đảm bảo quyền tự chủ của các trường ĐH, CĐ trong tuyển sinh; quyền quản lý của Nhà nước về chất lượng giáo dục, đào tạo”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn trương làm đề án tuyên truyền nội dung cho nhân dân và toàn xã hội hiểu về mục đích, ý nghĩa, lợi ích của kỳ thi này, những khó khăn có thể gặp phải và hướng xử lý.
Đặc biệt, các cơ quan truyền thông, cấp ủy, chính quyền địa phương phải chủ động, tích cực vào cuộc, tuyên truyền giải thích cụ thể cho các em học sinh và gia đình hiểu rõ, cặn kẽ những điểm mới, tránh tình trạng không hiểu, không biết mình phải làm gì theo quy chế thì, tuyển sinh mới.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các trường ĐH tham gia tổ chức các cụm thi phải quán triệt tinh thần, trách nhiệm với con em mình, với nền giáo dục nước nhà. Công tác ăn ở, đi lại, sinh hoạt cho các giáo viên tham gia trông thi, chấm thi phải được đảm bảo tối đa.
“Quá trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia phải lường hết các khó khăn và có phương án xử lý, không để bị động, không được chủ quan với mục tiêu đảm bảo tổ chức kỳ thi tốt nhất. Từ nay cho đến trước khi tổ chức kỳ thi, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục tiếp thu, điều chỉnh các quy định sao cho hợp lý nhất, tạo sự đồng thuận cao nhất trong nhân dân và toàn xã hội”, Thủ tướng nói.
--------------------
Hội nghị quốc tế về cấp cứu đột quỵ
Từ 10-13/3, tại TP Hạ Long, Liên đoàn Cấp cứu quốc tế (IFEM), Bệnh viện Bạch Mai, Sở Y tế Quảng Ninh cùng một số tổ chức, đơn vị trong nước, quốc tế phối hợp tổ chức Hội nghị quốc tế về cấp cứu năm 2015.
Mục đích việc tổ chức sự kiện này nhằm cập nhật kiến thức về đột quỵ và tổ chức hệ thống cấp cứu đột quỵ não cấp tại các khoa cấp cứu cho các bác sỹ, điều dưỡng viên.
Trong khuôn khổ hội nghị, có 4 hội thảo chuyên đề gồm: Hội thảo về cấp cứu đột quỵ não cấp và xây dựng hệ thống cấp cứu đột quỵ não cấp; Hội thảo chuyên ngành cấp cứu dành cho bác sỹ tại Bệnh viện Bãi Cháy; Hội thảo chuyên ngành cấp cứu dành cho điều dưỡng tại Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh và tập huấn kiến thức cấp cứu chấn thương sọ não trước khi đưa vào bệnh viện.
Trong những năm gần đây, đột quỵ là triệu chứng phổ biến gây từ vong hàng đầu nếu không được cấp cứu kịp thời đúng phương pháp. Do đó, việc trao đổi, phổ biến kinh nghiệm, kiến thức về đột quỵ nhằm nâng cao khả năng ứng cứu giúp nạn nhân thoát cơn nguy kịch.
----------------------