Việt Nam xác minh việc Trung Quốc đang xây đảo ở cụm đảo Nam Yết
Tại cuộc họp báo chiều 2-10, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc một tạp chí quốc phòng nước ngoài công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây 1 hòn đảo mới ở cụm đảo Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết các cơ quan chức năng của Việt Nam đang xác minh thông tin này.
“Tuy nhiên, một lần nữa chúng tôi khẳng định mạnh mẽ chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì vậy, mọi hoạt động của các bên tại các khu vực này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị” - Người Phát ngôn khẳng định.
Ông Lê Hải Bình cũng cho biết Việt Nam có biết thông tin Trung Quốc đang lên kế hoạch triển khai một tàu chế biến cá ra bãi Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam). Việt Nam đang theo dõi chặt chẽ mọi tình hình ở Biển Đông. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Trước đó, tạp chí quốc phòng IHS Jane’s cho biết tạp chí này đã nhận được hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã xây dựng một hòn đảo mới trên Đá Ga Ven và Đá Lạc thuộc cụm Nam Yết ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
IHS Jane’s dẫn hình ảnh vệ tinh của Công ty Vũ trụ và Quốc phòng Airbus chụp ngày 31-3 và 7-8 cho thấy trong khoảng thời gian này, một lạch biển đã được nạo vét từ trung tâm Đá Ga Ven và gạch đá vụn từ đó chất lại tạo ra một hòn đảo hình chữ nhật có kích thước 300 m x 250 m. Cùng với một mũi đất dẫn tới kênh đào, một khoảng đất rộng khoảng 114 ngàn m2 đã được tạo ra.
Cũng như cách Trung Quốc đã xây dựng đảo ở khu vực đá Gạc Ma của Việt Nam, Trung Quốc bao quanh hòn đảo mới bằng một bức tường ngăn sóng biển bằng bê tông.
-----------------------
Từ 1-11: Thu phí sử dụng đường bộ theo đầu xe
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 133/2014/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-11.
Theo đó, xe mô tô (không bao gồm xe máy điện) loại dung tích xylanh đến 100cm3 đóng phí tối đa 100 ngàn đồng/năm; trên 100 cm3 mức phí là 150 ngàn đồng/năm. Xe ô tô cá nhân chở người dưới 10 chỗ mức thu là 130 ngàn đồng/tháng; xe buýt, xe dưới 10 chỗ; xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe tải, ô tô chuyên dùng có khối lượng dưới 4.000kg phải đóng mức phí sử dụng đường bộ là 180.000 đồng/tháng, tương đương 540.000 đồng/quý và 2,16 triệu đồng/năm.
Cũng từ ngày 1-11, mức phí sử dụng đường bộ đối với xe đầu kéo được điều chỉnh tăng theo các mức sau: 590.000 đồng/tháng đối với xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo đến dưới 19.000kg; 720.000 đồng/tháng đối với xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 19.000kg đến dưới 27.000kg; 1,04 triệu đồng/tháng đối với xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 27.000kg đến dưới 40.000kg và 1,43 triệu đồng/tháng đối với xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 40.000kg trở lên (mức phí theo quy định trước đây là 270.000 đồng/tháng với xe đầu kéo có trọng lượng bản thân dưới 8.500kg và 390.000 đồng/tháng với xe đầu kéo có trọng lượng từ 8.500kg trở lên).
Cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải có số phí phải nộp từ 30 triệu đồng/tháng trở lên được thực hiện khai, nộp phí theo tháng. Đặc biệt, ô tô bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; xe kinh doanh vận tải thuộc các hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh vận tải tạm dừng lưu hành liên tục từ 30 ngày trở lên và ô tô không tham gia giao thông, không sử dụng đường thuộc hệ thống giao thông đường bộ và ô tô dùng để sát hạch của tổ chức đào tạo dạy nghề lái xe sẽ không phải chịu phí sử dụng đường bộ
-----------------------
Nâng cấp Vùng Cảnh sát biển thành Bộ Tư lệnh
Ngày 2-10, thiếu tướng Hoàng Văn Đồng, phó chính ủy Cảnh sát biển VN cho biết, Bộ Quốc phòng đã có quyết định nâng cấp các Vùng cảnh sát biển (thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển VN) thành các Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển.
Thiếu tướng Đồng cho hay, việc nâng cấp này có ý nghĩa rất quan trọng. Đó là xác định đúng vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cảnh sát biển, để đáp ứng được tình hình trên vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam.
-----------------------
Giám sát tái cơ cấu nền kinh tế: 6000 trang báo cáo nhưng thiếu trang trách nhiệm
Để nói về sự kỳ công của cuộc giám sát tái cơ cấu nền kinh tế, trước Thường vụ Quốc hội sáng nay 1.10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đã đưa ra một con số ấn tượng: Có tới hơn 6000 trang báo cáo từ các địa phương, bộ ngành. Từ số báo cáo khổng lồ này, Ủy ban Kinh tế đã tổng hợp trong một báo cáo dài 37 trang, khuyến mại thêm 79 trang “phụ lục”.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng đưa ra một con số kỷ lục khác. Đó là có tới 161 kiến nghị các loại.
Nhưng ngay chữ đầu tiên trong phát biểu của mình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Đình Quyền đã nói tới một cái “thiếu”.
Tự nhận không phải là một chuyên gia kinh tế nhưng cũng đã thực hiện hàng trăm báo cáo giám sát, ông Quyền nói cái thiếu của báo cáo giám sát tái cơ cấu lần này là “trách nhiệm”.
“Tái cơ gắn với đổi mới mô hình liên quan đến thể chế. Báo cáo phải chỉ ra được thể chế gì phù hợp, cái gi chưa phù hợp, tại sao chưa phù hợp, cái gì còn thiếu”- ông Quyền nói và ví dụ bằng việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Việc tái cơ cấu DNNN đã được thí điểm trong rất nhiều năm với biết bao nhiêu Vinashin, Vinalines… toàn là những “xương sống của nền kinh tế”, trong khi khung pháp lý chỉ là một văn bản ở dạng quyết định thí điểm. Hay một ví dụ khác là “Một nền kinh tế (với quy mô) bé nhỏ nhưng “ra ngõ gặp ngân hàng” với hàng ngàn tổ chức tín dụng”.
“ĐBQH muốn nghe vấn đề đầu tiên là trách nhiệm. Trách nhiệm của Chính phủ đến đâu, Quốc hội, bộ ngành địa phương đến đâu khi rất nhiều mô hình không đi vào cuộc sống”- Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói.
Ngay sau phát biểu của ông Nguyễn Đình Quyền, với tư cách Chủ tọa phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc ngay “Cái này cần chú ý”. Bà nói: Qua giám sát cần chỉ ra trách nhiệm trong việc chậm tái cơ cấu, trong việc chậm ban hành chính sách, trong việc không thực hiện, thực hiện không hiệu quả. Bởi có trách nhiệm thì mới có thể làm tốt hơn được”.
-----------------------
Bắt đầu thanh tra Tổng công ty Đường sắt
Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa công bố Quyết định thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và một số đơn vị thành viên.
Thời kỳ thanh tra từ ngày 1-1-2010 đến hết ngày 31-12-2013. Tuy nhiên, trong quá trình thanh tra, nếu có nội dung liên quan đến giai đoạn trước và sau thời kỳ thanh tra thì đoàn thanh tra có thể kiểm tra để làm rõ. Thời gian làm việc thực tế tại đơn vị là 70 ngày.
Tại buổi công bố quyết định, ông Ngô Văn Khánh, Phó tổng TTCP, cho biết đây là cuộc thanh tra được tiến hành theo Kế hoạch của TTCP đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. TTCP yêu cầu đoàn thanh tra và đơn vị bị thanh tra cần phối hợp tốt để đạt kết quả tốt nhất.
Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ quý II-2014 của TTCP, ông ông Ngô Văn Khánh, Phó tổng TTCP cho biết đối với cuộc thanh tra việc chấp hành, quy định pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại Tổng công ty Đường sắt VN (ĐSVN), TTCP sẽ tiến hành thanh tra công tác nội bộ của ĐSVN, trong đó có công tác tổ chức cán bộ.
Cuộc thanh tra này diễn ra theo kế hoạch nhưng được chú ý hơn vì câu chuyện vụ án tham nhũng đang được điều tra tại đơn vị này liên quan đến công ty JTC (Nhật Bản).
Việc thanh tra này nhằm tìm ra những vấn đề cần khắc phục về chính sách cũng như hoạt động quản lý tại đơn vị, góp phần nâng cao việc quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp, tổng công ty trong giai đoạn hiện nay.