30 doanh nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam tìm đối tác
30 doanh nghiệp tỉnh Ehime – Nhật Bản được chính quyền tỉnh này chọn sang Việt Nam với mục tiêu tìm kiếm đối tác, hợp tác đâu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, sản xuất công nghệ cao và nông nghiệp
Ngày 30-10, tại TP HCM, đã diễn ra hội thảo “Kết nối các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ tỉnh Ehime – Nhật Bản”, với sự tham gia của 100 danh nghiệp Việt Nam và 30 doanh nghiệp tỉnh Ehime. Hội thảo do Công ty TNHH Esuhai tổ chức theo ủy thác của thống đốc tỉnh Ehime.
Ông Lê Long Sơn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Esuhai, cho biết đây là dịp để doanh nghiệp tỉnh Ehime và Việt Nam tìm kiếm đối tác, hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, đăt hàng gia công linh kiện máy móc, thiết bị phục vụ ngành công nghiệp phụ trợ và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Ngay tại hội thảo, 15 trong số 30 doanh nghiệp tỉnh Ehime trực tiếp giới thiệu ngành hàng sản xuất của mình; đồng thời mời gọi hợp tác đầu tư, đặt hàng gia công sản xuất, tìm kiếm bạn hàng làm ăn lâu dài với chính các doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội thảo. Ông Murata Yuuji, trưởng đoàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Ehime, khẳng định đây đều là những doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh Ehime, hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, gia công cơ khí, chế tạo máy, tự động hóa máy móc chuyên dụng, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp lò hơi, xử lý rác thải công nghiệp…
Dịp này, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Ehime vả Ban Quản lý các Khu chế xuất – Khu Công nghiệp TP HCM (HEPZA) cũng đã ký kết bản ghi nhớ về thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa hai bên. Theo bản thỏa thuận này, HEPZA dành quỹ đất 300 ha tại KCX Linh Trung 1 và KCN Hiệp Phước cùng với nhiều chính sách ưu đãi về thuế để thu hút các DN tỉnh Ehime.
-------------------------
“Cuộc chiến” Chống chuyển giá, trốn thuế: Sẽ thanh tra 5 loại doanh nghiệp FDI
Lâu nay, chuyện “lỗ giả - lãi thật” của doanh nghiệp (DN) - đặc biệt là nhóm DN FDI - trở thành đề tài “nóng”, vì xu hướng ngày càng tinh vi của hình thức trốn thuế và những khó khăn trong phòng, chống vấn nạn này. Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2014, có tới 2.000 DN có dấu hiệu chuyển giá - với số tiền truy thu hơn 1.000 tỉ đồng, giảm lỗ hơn 4.000 tỉ đồng - khiến không ít người giật mình!
Thua lỗ triền miên chưa hẳn là trốn thuế!
Đây là quan điểm của ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT) về tình trạng nhiều DN FDI đầu tư tại Việt Nam và suốt hàng chục năm luôn báo cáo lỗ. Theo ông Hoàng, nếu không có bằng chứng cụ thể, chúng ta không được chụp mũ DN, ngay cả chuyện Metro rời Việt Nam bằng cách bán chuỗi 19 đại siêu thị sau khi triền miên báo lỗ, cũng không được khẳng định DN FDI này trốn thuế. Với nhiều DN lớn, thua lỗ trong hàng chục năm đầu kinh doanh vẫn nằm trong chiến lược dài hơi, vì họ xác định các quá trình cụ thể khi bắt tay kinh doanh.
“Với tư cách là cơ quan quản lý đầu tư nước ngoài, chúng tôi không chỉ xem xét khâu thực thi công việc của DN, mà phải xem xét từ quá trình góp vốn, xây dựng, triển khai… Hiện, Luật Đầu tư đã bổ sung quy định, trong trường hợp cần thiết, Nhà nước có thể giám định lại để phục vụ công tác kiểm tra giám sát. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã giao các ngành chức năng phối hợp xây dựng đề án chuyển giá để giám sát chặt hơn vấn đề này”, ông Hoàng cho biết.
Chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) - cho rằng, chuyển giá đang là vấn đề toàn cầu, chứ không riêng ở Việt Nam. Việc công bố công khai thông tin về các DN để tránh tình trạng trốn thuế, ông Phụng cho rằng trong luật thuế, luật DN, luật đầu tư đều có quy định công khai thông tin nhưng vấn đề là công khai ở mức độ nào, cho ai, thời điểm nào,… cần phải được tính toán. Trong khi đó, luật tín dụng, ngân hàng, thuế cũng yêu cầu công khai thông tin, nhưng phải bảo vệ DN, thông tin nào cần công bố mới công bố, thông tin cần bảo mật vẫn phải bảo mật.
Cải thiện chính sách
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 201 quy định rõ hơn về các hình thức chuyển giá, tạo cơ sở pháp lý thanh tra giám sát các hành vi kinh doanh của DN. Tiến tới, chúng ta phải xây dựng bộ cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác giám sát. Song song đó, việc tăng cường phối hợp giữa các bộ và thể chế luật pháp phải được chú trọng, không thể có chuyện một quy định đưa ra có thể hiểu bằng nhiều cách.
Việc công khai các DN nghi vấn trốn thuế hoặc có nguy cơ xấu cần được tiến hành để người dân, đối tác, cơ quan chức năng cùng giám sát. Chế tài xử phạt phải tăng nặng, như nhiều quốc gia đã áp dụng: Có quốc gia phạt 50% số thuế DN trốn được; có quốc gia phạt tới 300% số tiền gian lận.
Yếu tố con người cũng cần được quan tâm đặc biệt, nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành thuế và các cơ quan chức năng liên quan là việc cấp thiết. Tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ này với công việc cũng góp phần quyết định sự thành - bại của chính sách thuế.
Ông Hoàng lưu ý, chúng ta cần nhận thức đúng đắn giá trị của đầu tư nước ngoài với nền kinh tế, từ đó thực thi pháp luật công bằng, minh bạch. Tránh tình trạng các nhà đầu tư quan ngại khi chúng ta cứ nhấn mạnh và nhắc đi nhắc lại việc này. Ngoài ra, với đa số DN FDI tại Việt Nam đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu - những quốc gia đánh thuế rất cao - thì đương nhiên mức thuế ưu đãi của Việt Nam chính là “thiên đường thuế”, chúng ta phải nhận thức rõ điều này trước khi thanh - kiểm tra các DN FDI.
5 nhóm doanh nghiệp sẽ bị thanh tra sớm
Ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Doanh nghiệp lớn - Tổng cục thuế (Bộ Tài chính) cho biết, các DN trong “tầm ngắm” nghi chuyển giá, trốn thuế bao gồm: 1. DN có quan hệ với Cty mẹ ở nước ngoài (mua nguyên liệu của Cty mẹ và được Cty mẹ bao tiêu sản phẩm); 2. DN có cả vốn vay và vốn chủ sở hữu; 3. DN sử dụng giấy phép độc quyền của Cty mẹ; 4. DN giao dịch tài sản trí tuệ (không phải vật chất, khó định lượng); 5. DN có trụ sở tại các “thiên đường thuế”.
-------------------------
TP.Thanh Hóa: Thu hồi lô đất “vàng” không minh bạch
Dù dự án đường Dương Đình Nghệ kéo dài đi qua lô đất rộng 471,4m2 của nhà ông Trần Xuân Ly (ở ngõ 4 Trần Xuân Soạn) đã hoàn thiện nhưng UBND TP.Thanh Hóa vẫn ban hành quyết định thu hồi diện tích lô đất “vàng” (dài 21m mặt đường Dương Đình Nghệ, 2 mặt tiền) này để phục vụ dự án. Điều này khiến người dân bức xúc và đặt câu hỏi mục đích đằng sau việc thu hồi lô đất “vàng” này của UBND TP.Thanh Hoá?
Đi làm sổ đỏ nhận được… quyết định thu hồi
Ông Trần Xuân Ly chủ lô đất cho biết, ông đã đề nghị cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng suốt từ năm 1990 đến nay không được do nhà ông nằm trong quy hoạch triển khai xây dựng tuyến đường Dương Đình Nghệ.
Đến nay, đoạn đường Dương Đình Nghệ đi qua trước cửa nhà ông Ly đã hoàn thiện, chủ nhân mảnh đất tiếp tục lên UBND phường Đông Thọ trình bày nguyện vọng chính đáng thì bất ngờ nhận được quyết định thu hồi đất. “Tôi vô cùng ngạc nhiên khi quyết định thu hồi lô đất không dính dáng gì tới con đường đã hoàn thiện?”- ông Ly nói.
Tại Quyết định 8057 do ông Lê Đức Công - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Thanh Hóa - ký ngày 9.9.2014 cho thấy: UBND TP.Thanh Hoá căn cứ vào tờ trình số 135/TTr-UBND ngày 18.10.2011 của UBND phường Đông Thọ để thu hồi 471,4m2 đất của gia đình ông Trần Xuân Ly sử dụng trước năm 1993 đến nay, phục vụ dự án đầu tư xây dựng công trình đường Dương Đình Nghệ kéo dài.
Quyết định 8057 được ban hành khi đoạn đường Dương Đình Nghệ kéo dài đi qua nhà ông Ly đã hoàn thiện, do đó dư luận không thể không đặt câu hỏi: Liệu có ẩn chứa điều gì “khuất tất”? Rõ ràng quyết định này trái với điều kiện thực tế tại thực địa và xâm phạm tới quyền sử dụng đất chính đáng của người dân.
Trả lời vòng vo
Ông Trần Xuân Ly tỏ ra lo lắng: “Sau khi có Quyết định số 8057, tôi đến gặp ông Lê Anh Tuấn - Bí thư Đảng uỷ - Chủ tịch phường Đông Thọ thắc mắc thì ông Tuấn nói: “Bây giờ có quyết định thu hồi rồi, chú cứ bình tĩnh để cháu sắp xếp”. Nhưng ông Ly không thể yên tâm khi đường Dương Đình Nghệ đã làm xong, bến xe phía bắc đã có chủ trương di dời, như vậy mảnh đất của ông không còn lý do gì để thu hồi. Vậy tại sao các cấp có thẩm quyền lại không hoàn tất thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà vẫn ra quyết định thu hồi đất?
Làm việc với phóng viên Báo Lao Động, ông Lê Văn Tuấn - Bí thư Đảng uỷ - Chủ tịch UBND phường Đông Thọ trả lời vòng vo: Việc thu hồi diện tích đất của gia đình ông Ly là căn cứ vào quy định cũ, khi tỉnh có ý định mở rộng bến xe phía bắc, đến giờ vẫn chưa có gì thay đổi. Nếu sau này, bến xe di dời mà có quyết định cho xen cư thì phường sẽ đề nghị làm thủ tục hợp thức hoá lô đất nói trên cho gia đình ông Ly.
Thật lạ kỳ trước câu trả lời của ông Tuấn. Bởi chính UBND phường Đông Thọ đã đề nghị UBND TP.Thanh Hoá thu hồi lô đất của ông Ly vậy làm sao có thể đề nghị hợp thức hoá lô đất “vàng” được? Hơn thế, ông Tuấn cho rằng việc thu hồi đất của gia đình ông Ly là để mở rộng bến xe phía bắc nhưng trong quyết định lại nói thu hồi để mở rộng đường Dương Đình Nghệ kéo dài, vô cùng khó hiểu. Ông Tuấn lại viện sang lý do, thu hồi đất của gia đình ông Ly để làm đường xương cá Trần Xuân Soạn. Cách giải thích này cũng không hợp lý, bởi hiện nay vẫn chưa có quyết định nào của chính quyền về làm con đường xương cá này.
Mặt khác, ngày 17.12.2013, UBND tỉnh Thanh Hoá ban hành văn bản số 10257 chấp thuận chủ trương, địa điểm thực hiện dự án đầu tư xây dựng tạm bến xe phía bắc và khu dịch vụ vận tải tại phường Nam Ngạn, TP.Thanh Hoá. Như vậy, khi di dời bến xe đi thì toàn bộ khu đất này và đất liền kề các hộ dân đang sử dụng sẽ trở thành “đất vàng”. Phải chăng, ai đó trong UBND TP.Thanh Hoá nhìn thấy rõ những lợi ích đang đến rất gần nên cố gắng giải phóng lô đất của gia đình ông Ly để “dọn sạch” mặt bằng phục vụ lợi ích mà chưa ai đoán định được!
Cần lưu ý thêm: Tại QĐ số 1702 ngày 3.6.2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án đường Dương Đình Nghệ kéo dài đã “nhắc nhở”: “UBND TP.Thanh Hóa cần rút kinh nghiệm trong quản lý dự án, để tăng khối lượng GPMB và tự quyết định điều chỉnh bổ sung khối lượng khi chưa được ý kiến chấp thuận của cấp có thẩm quyền là chưa đảm bảo theo quy định”.
-------------------------
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu
Tại phiên họp thường ký Chính phủ tháng 10.2014 diễn ra ngày 29.10, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định nợ công vẫn trong giới hạn an toàn. Thời gian qua, nợ công có xu hướng tăng là do gia tăng các khoản vay để đầu tư phát triển và chi trả nợ.
Hiện nay, hơn 98% nợ công là để đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH, trong đó, nợ trong nước chiếm tỉ trọng lớn (51%) và có xu hướng tăng. Nợ nước ngoài chiếm khoảng 49%, đa phần là vốn vay ODA. Nợ trong nước thường có thời hạn ngắn và lãi suất cao hơn nên gây ra áp lực đối với cơ cấu thu - chi ngân sách.
Thời gian qua, bội chi tăng do huy động nguồn thu cho ngân sách giảm đi, có nguyên nhân do tăng trưởng chậm và giảm thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp trong khi chi cho con người (như tiền lương, an sinh xã hội…) vẫn tăng. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ triển khai các biện pháp cơ cấu lại nợ công để nâng cao hơn nữa tính an toàn, hiệu quả của nợ công.
Thống đốc NHNN cho biết, việc xử lý nợ xấu thời gian qua đạt kết quả khả quan. Tính đến giữa tháng 9, nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng là 5,43% và đến cuối năm 2015, có thể đạt được mục tiêu đưa nợ xấu về mức 3%. Tăng trưởng tín dụng tiếp tục có những cải thiện trong những tháng gần đây, cụ thể đến ngày 20.8 tăng 4,07%; đến ngày 22.9 tăng 6,62% và đến ngày 20.10 tăng 7,46% so với cuối năm 2013 (cùng kỳ tăng 6,43%) .
Kết luận phiên họp, về nợ công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Nợ công của quốc gia (bao gồm nợ Chính phủ vay, nợ Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương) hiện trong giới hạn cho phép theo quy định của Chiến lược nợ công quốc gia (không vượt quá 65% GDP). Theo đánh giá đỉnh nợ công quốc gia sẽ đạt mức 64,9% vào năm 2016 và giảm dần, đến năm 2020 chỉ còn 60,2%.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh tuyệt đại đa số nợ công (chiếm 98%) là để chi cho đầu tư phát triển, hoàn toàn phù hợp với chủ trương, định hướng và cơ cấu trong Chiến lược nợ công. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đảm bảo nguồn ngân sách để trả nợ mà theo quy định là không quá 25% tổng chi ngân sách và đến năm 2020 tỉ lệ huy động ngân sách để trả nợ là khoảng 19,5% tổng chi ngân sách.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung và dứt khoát kiểm soát nợ công theo chiến lược đã đề ra, đảm bảo nợ công trong giới hạn cho phép; đảm bảo chi, sử dụng tiền vay có hiệu quả; đảm bảo cân đối ngân sách dành cho trả nợ; cơ cấu lại nợ theo hướng lành mạnh hơn, để có các khoản vay với thời hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn, không làm thay đổi tổng nợ cũng như nghĩa vụ nợ; đồng thời Chính phủ sẽ kiểm soát chặt chẽ nợ nước ngoài, bảo đảm nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu trong giới hạn cho phép (bằng 25% GDP). Thủ tướng cho biết sẽ ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát nợ công và nợ nước ngoài.
Về triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu hiệu quả, Thủ tướng khẳng định Chính phủ chỉ đạo NHNN tiếp tục lộ trình xử lý nợ xấu, giảm nợ xấu từ mức 5,43%, tính đến giữa tháng 9.2014 xuống còn dưới 3% vào cuối năm 2015 như mục tiêu đã đề ra. Chính phủ cũng sẽ sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để tạo hành lang pháp lý và công cụ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) để làm tốt hơn việc xử lý nợ xấu, không dùng NSNN để xử lý nợ xấu.
Như vậy, từ khi triển khai Đề án xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng từ năm 2012 đến tháng 10.2014, cả nước đã giảm tỉ lệ nợ xấu từ 17% xuống còn 5,43%; giảm từ khoảng 460.000 tỉ xuống còn 252.000 tỉ (giảm 54,3%). VAMC đến hết tháng 9 đã mua vào khoảng 125.000 tỉ nợ xấu và phấn đấu hết năm 2014 phấn đấu mua từ 130.000 đến 150.000 tỉ nợ xấu. Hiện VAMC cũng đã bán được 4.000 tỉ nợ xấu và tiếp tục bán khi thị trường đảm bảo việc bán nợ xấu có lợi nhất.
-------------------------