Việt - Nga đơn giản hóa thủ tục cho tàu chiến Nga vào Cam Ranh
Nga và Việt Nam đã ký kết hiệp định liên chính phủ về đơn giản hóa thủ tục cho phép tàu chiến Nga vào cảng Cam Ranh, - hãng thông tấn TASS được biết từ một nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Nga.
"Hiệp định được ký tại Sochi ngày 25 tháng 11, trong chuyến thăm LB Nga của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Tài liệu đề ra thủ tục cho phép tàu Nga vào Cam Ranh chỉ cần các tàu tới lãnh hải Việt Nam báo trước cho chính quyền cảng. Lời đáp cho sự thông báo sẽ được coi như giấy phép vào cảng," – nguồn tin cho biết.
Người này lưu ý, Việt Nam là quốc gia thứ hai trên thế giới có hiệp định tương tự với Nga.
"Nga có thỏa thuận tương tự nhiều năm trước đây ký với Syria đơn giản thủ tục tàu Hải quân Nga vào cảng Tartus, Syria. Ngoài ra, với Syria Nga còn ký một hiệp định khác về điểm hậu cần vật chất và kỹ thuật của Hải quân Nga bố trí ở Tartus. Giữa Nga và Việt Nam chưa có thỏa thuận như vậy," - nguồn tin nói. Theo ông, một tài liệu tương tự có thể trở thành chủ đề đàm phán tiếp theo giữa hai nước.
(Theo Lao động)
-------------------------
Cảng hàng không Cà Mau tạm đóng cửa
Cục hàng không Việt Nam vừa thông báo tạm thời đóng cửa Cảng hàng không Cà Mau để di tu, sửa chữa đường hạ cất cánh.
Thời gian đóng cửa từ ngày 1/12/1014 đến ngày 1/2/2015 và có kế hoạch dừng bán vé trên mạng trước đó nên không có tình trạng khách ứ đọng, cần hỗ trợ.
Cảng hàng không Cà Mau cho biết, thời gian tạm đóng cửa được ấn định như trên là thời gian tối đa nhưng việc thi công di tu, sửa chữa đường hạ cất cánh thuận lợi, an toàn, nhanh chóng sớm hơn dự kiến thì sẽ nối lại đường bay sớm hơn.
Được biết, Vietnam Airlines hợp tác liên danh với VASCO trên đường bay giữa TP. Hồ Chí Minh- Cà Mau tần suất 1 chuyến/ngày.
-------------------------
Tăng cường quản lý biển Tây Nam
Ngày 28.11, Vùng 5 Hải quân phối hợp với hai UBND tỉnh Kiên Giang và Cà Mau tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước vùng biển Tây Nam.
Đây là vùng biển có bờ biển dài 400 km và ranh giới trên biển tiếp giáp với các nước Campuchia, Thái Lan, Malaysia. Năm 2014, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp, các tàu cá xâm phạm trái phép vùng biển giữa các nước còn xảy ra, nhưng nhờ sự phối hợp chặt chẽ, chủ động nên các sự việc đều được xử lý hiệu quả.
Từ đầu năm đến nay, các lực lượng phối hợp tốt trong công tác ứng cứu, giúp đỡ nhân dân gặp nạn trên biển; cứu kéo 11 phương tiện, trục vớt 9 phương tiện và đưa vào bờ an toàn 124 người; giúp dân sửa chữa hơn 100 căn nhà bị hư hại do thiên tai gây ra. Tại hội nghị, các lực lượng thống nhất với 11 nhiệm vụ trong năm 2015 do Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đề ra, trong đó tập trung phối hợp giữa các lực lượng làm tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
-------------------------
Tiền đâu phải lá mít!
Tổng nợ của tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện đã vượt 1,5 triệu tỉ đồng - báo cáo mới nhất của Chính phủ về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh năm 2013 của các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước cho biết.
1,5 triệu tỉ đồng? Nghe qua, dường như ai cũng dụi mắt, tưởng nằm mơ! 1,5 triệu tỉ đồng tức 1.500.000.000.000.000 đồng, dãy số dài dằng dặc mà ngay cả người giỏi toán cũng phải đếm đi đếm lại vì không tin chắc mình viết đúng!
Đây là khối doanh nghiệp nhà nước, được hưởng nhiều đặc quyền vượt xa khu vực kinh tế tư nhân, trong đó có đặc quyền về tiếp cận tín dụng. Có lẽ vì thế mà số nợ cứ vù vù tăng lên, so với năm 2012 nay đã tăng thêm khoảng 10%.
Đành rằng làm ăn là phải vay nhưng nợ ngập đầu và mỗi năm mỗi tăng như thế ai mà không xót. Vay nhiều và vay mãi chứng tỏ làm ăn kém. Mà làm ăn kém thì dễ dẫn tới phá sản. Phá sản thì nhà nước, nói cho đúng là người dân, phải gánh. Quy luật “lời ăn, lỗ chịu” vẫn còn khá xa lạ với khối doanh nghiệp quốc doanh.
Trong số nợ nói trên, nợ nước ngoài chiếm 325.936 tỉ đồng, phần nhiều là vay dài hạn. Số nợ các tập đoàn tự vay, tự trả không nhiều; chủ yếu là vốn ODA của Chính phủ và các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh.
Trong khi đó, Chính phủ đánh giá “các tập đoàn, tổng công ty đang hoạt động phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn vay và hoạt động sản xuất - kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn”. Điều đó cảnh báo rằng nợ công sẽ khó mà giảm; ngược lại, có thể tăng thêm nhiều, vì chưa thấy dấu hiệu các doanh nghiệp “con cưng” làm ăn khấm khá.
Báo cáo của Chính phủ về tình hình năm 2013 của các doanh nghiệp nhà nước còn cho thấy bức tranh u ám: Lỗ phát sinh theo báo cáo hợp nhất của 13 tập đoàn, tổng công ty là 7.525,578 tỉ đồng; 20 tập đoàn, tổng công ty còn lỗ lũy kế 21.086 tỉ đồng và 14 công ty mẹ còn lỗ lũy kế 6.681 tỉ đồng...
Đó là chưa nói khối doanh nghiệp nhà nước còn đối mặt nguy cơ mất vốn bởi hiện số nợ phải thu khó đòi là 10.329 tỉ đồng. “Khó đòi” thực ra chỉ là mỹ từ. Ở xứ ta từ trước đến nay, nợ hễ thuộc diện khó đòi là xem như hết cơ may thu hồi.
Những tiếng ta thán về khối doanh nghiệp nhà nước đã rỉ rả cất lên hàng chục năm qua nhưng vẫn cứ như ném đá ao bèo. Nay, chỉ còn con đường ngắn nhất là thực hiện cổ phần hóa quyết liệt và triệt để khối này. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trong giai đoạn 2014-2015 phải cổ phần hóa hơn 400 doanh nghiệp, song tình hình hiện tại cho thấy mục tiêu này không thể đạt được.
Phải chi ai cũng biết dè sẻn, cũng biết tiết kiệm, cũng biết tiếc tiền như thi sĩ Nguyễn Bính ngày nào đã bảo “tiền không là lá em ơi, tiền là giấy bạc của đời làm ra” thì đỡ biết mấy! Bây giờ, nợ nhiều kiểu đó trả đến khi nào cho hết; đời này qua đời khác cũng không trả hết.
Con số nợ sao mà dài quá, tựa như tiếng thở dài của muôn dân…!
-------------------------